Chuyển đổi số trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán tại Việt Nam

Phạm Thị Hậu

Bài viết trao đổi về những khó khăn, thách thức, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán dưới bối cảnh tác động của công nghệ số.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán là một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra trong Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán có thể hiểu là việc ứng dụng các công nghệ số vào các nghiệp vụ kế toán, giúp cho các nghiệp vụ kế toán được triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn mà vẫn tối ưu tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Bài viết trao đổi về những khó khăn, thách thức, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán dưới bối cảnh tác động của công nghệ số.

Đặt vấn đề

Kế toán - kiểm toán là công cụ quản lý kinh tế quan trọng có chức năng tạo lập hệ thống thông tin về kinh tế - tài chính - ngân sách đáp ứng yêu cầu cho công tác điều hành và quyết định kinh tế của Nhà nước cũng như của mỗi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (DN). Do vậy, cần thiết lập hệ thống chính sách đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động kế toán - kiểm toán phát triển toàn diện, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Đất nước, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu tăng cường hội nhập quốc tế.

Với mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia là “vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”, mọi lĩnh vực trong nền kinh tế đều cần đẩy mạnh chuyển đổi số. Lĩnh vực kế toán, kiểm toán không nằm ngoài xu thế trên. Thậm chí, kế toán, kiểm toán là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động lớn nhất từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) nói chung và xu hướng chuyển đổi số nói riêng.

Tại Việt Nam, Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh về mục tiêu thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Bài viết trao đổi về thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán dưới bối cảnh tác động của công nghệ số nói chung và cuộc CMCN 4.0 nói riêng, từ đó kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán ở Việt Nam

Theo Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), qua đánh giá về việc tiếp cận CMCN 4.0 đối với ngành nghề kế toán, kiểm toán và quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực này nói chung, có thể thấy Việt Nam đang ở chặng đường đầu tiên. Tuy nhiên, những khảo sát về sự quan tâm và hiểu biết của người làm trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán về tác động của công nghệ số đối với nghề nghiệp của mình cho thấy, đang có sự chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ trong tư duy.

Theo kết quả khảo sát của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) về ảnh hưởng của CMCN 4.0 đến lĩnh vực kế toán - kiểm toán tại Việt Nam, về mức độ quan tâm có hơn ½ Kiểm toán viên (KTV) quan tâm cao và chỉ hơn 10% KTV quan tâm đặc biệt; 1/3 KTV cho rằng CMCN 4.0 là vấn đề bình thường như mọi việc khác. Về mức độ tác động, theo khảo sát có 67% các DN kiểm toán, KTV cho rằng CMCN 4.0 đang và sẽ tác động lớn đến ngành nghề kế toán, kiểm toán; 5% nhận thức được CMCN 4.0 sẽ tác động làm biến đổi sâu sắc đến toàn ngành nghề trong tương lai không xa; Có đến 25% các DN kiểm toán, KTV cho rằng CMCN 4.0 chỉ tác động bình thường như yếu tố khác hiện đang tác động đến công việc của họ (như cạnh tranh giá phí, các kỹ thuật kế toán – kiểm toán truyền thống, tuân thủ chuẩn mực, chính sách chế độ…); Có đến 3% cho rằng CMCN 4.0 rất ít tác động đến công việc mà họ đang thực hiện cung cấp cho khách hàng.

Về ứng dụng thực tế, để tiếp cận với chuyển đổi số nói chung, nhiều DN kế toán, kiểm toán đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động nghề nghiệp. Hiện nay, nhiều ứng dụng công nghệ số đã được nhiều DN áp dụng vào trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán, như: phần mềm hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán điện tử, phần mềm bán hàng điện tử, phần mềm văn phòng điện tử... Bên cạnh đó, các DN đã dành nguồn lực để đầu tư về mặt công nghệ và về mặt đào tạo nguồn nhân lực nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động nghề nghiệp và cung cấp dịch vụ.

Trong hoạt động quản lý nhà nước, chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán được Bộ Tài chính quan tâm đẩy mạnh thông qua việc tạo ra khuôn khổ pháp lý khuyến khích DN ứng dụng công nghệ số. Trong đó, Chiến lược phát triển lĩnh vực kế toán kiểm toán - kiểm toán đến năm 2030 tiếp tục khẳng định định hướng, mục tiêu về chuyển đổi số: “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong việc xây dựng khung khổ pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện tại các đơn vị; xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến kế toán - kiểm toán phục vụ hoạt động của các đơn vị và hoạt động quản lý, giám sát kế toán - kiểm toán".

Khó khăn, thách thức

Đánh giá chung cho thấy, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, cụ thể:

- Cơ sở hạ tầng CNTT chưa tương xứng: Việc đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán của Việt Nam chưa theo kịp được với xu hướng mới và chưa được chú trọng đầu tư tương xứng. Tuy nhiên, bài toán nan giải đặt ra đó là do việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng số không phải là việc có thể tiến hành nhanh, trong khi việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực kế toán, kiểm toán sẽ diễn ra rất nhanh chóng.

- Sự thiếu hụt nhân sự tài chính, kế toán chất lượng cao: Trong lĩnh vực kế toán, nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất bởi các kiến thức chuyên sâu và gắn với lợi ích của nhiều bên liên quan. Thực tế đã chứng minh, nguồn nhân lực trong ngành Kế toán, kiểm toán ở Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng mà chất lượng cũng chưa cao. Thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, có tới 2/3 sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán, chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng xét trên nhiều khía cạnh. Trong khi đó, kỷ nguyên số hóa ngày nay với những công nghệ mới lại đòi hỏi trình độ của nhân sự tài chính, kế toán, kiểm toán rất cao.

- Lo ngại bài toán bảo mật dữ liệu: Sự ra đời của các công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 đã thay đổi hoàn toàn phương thức, quy trình kế toán truyền thống: toàn bộ dữ liệu được số hóa thành các thông tin điện tử, công nghệ blockchain trở thành “sổ cái” khổng lồ... Tuy nhiên, các nguy cơ bị mất cắp các dữ liệu thông tin kế toán, kiểm toán là rất hiện hữu trong môi trường mạng. Đây là một nguy cơ mà các kế toán, kiểm toán cần nhận thức được và chuẩn bị cho những vấn đề có thể xảy ra khi ứng dụng các công nghệ mới. Nếu không có chính sách hay biện pháp bảo mật thì việc lộ thông tin, đánh cắp thông tin là điều dễ nảy sinh..

- Sự không phù hợp giữa tư duy lối mòn cũ và văn hóa DN với sự đổi mới công nghệ số: Chiến lược tư duy truyền thống không còn phù hợp đối với DN kế toán kiểm toán. Văn hóa là một yếu tố đóng góp lớn vào sự thành công trong công cuộc chuyển đổi số. Văn hóa mới trong tổ chức phải được thiết lập, đảm bảo rằng các nhân viên tin vào tiềm năng chuyển đổi số và đồng lòng thay đổi hướng đến mục đích chung của DN.

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán tại Việt Nam

Để tận dụng được những lợi thế của chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán, trong thời gian tới, cần tập trung triển khai một số nội dung sau:

Đối với cơ quan quản lý

- Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN, đơn vị kế toán các DN kinh doanh dịch vụ kế toán - kiểm toán và người hành nghề kế toán - kiểm toán.

- Ứng dụng hiệu quả thành tựu phát triển của CNTT, đáp ứng yêu cầu của quá trình số hóa và chuyển đổi số trong hoạt động kế toán - kiểm toán tại các cơ quan nhà nước, DN, đơn vị kế toán.

- Xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ công tác quản lý, giám sát thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán; đảm bảo việc công bố thông tin minh bạch, kịp thời cho thị trường về đội ngũ các DN kế toán - kiểm toán cũng như các kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề.

- Các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức hệ thống thông tin, dữ liệu về thông tin tài chính của các DN, đơn vị kế toán, phục vụ việc khai thác dữ liệu theo dịch vụ công của các tổ chức, cá nhân đảm bảo thông tin chính thống được sử dụng trong các quan hệ, giao dịch kinh tế.

Đối với doanh nghiệp

- Thay đổi suy nghĩ, tư duy và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đầu tư vào công nghệ mới và đào tạo nhân viên kế toán. Tuy nhiên, việc đầu tư vào công nghệ mới cũng phụ thuộc vào định hướng phát triển và tư duy của các nhà quản trị DN.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn để đáp ứng số liệu giao dịch ngày một lớn; ứng dụng công nghệ Blockchain để phân tích, xử lý dữ liệu, đảm bảo an ninh, an toàn về bảo mật. Để đáp ứng yêu cầu này, DN cần cập nhật dữ liệu thường xuyên, lưu trữ các dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu tài chính và phi tài chính; tích hợp phần mềm kế toán với hệ thống quản trị trong hệ thống công nghệ thông tin chung; xây dựng phần mềm kế toán...

- Phát triển các phần mềm trực tuyến kế toán, nhằm đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ tài chính - kế toán cho mọi DN hướng tới giải quyết bài toán xử lý dữ liệu tài chính - kế toán cho DN mọi lúc, mọi nơi và tiết kiệm thời gian tối đa cho người dùng.

- Chú trọng an toàn, bảo mật thông tin gắn với an ninh mạng trước sự đe dọa tấn công của tội phạm mạng. Do vậy, cần chú trọng xây dựng hệ thống an ninh mạng, đảm bảo bảo mật cao thông tin dữ liệu kế toán, kiểm toán.

- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Theo đó, bên cạnh những kiến thức chuyên môn sâu về nghiệp vụ kế toán, kiểm toán, các kế toán, kiểm toán viên trong tương lai cũng cần các kỹ năng và kiến thức về luật pháp, công nghệ thông tin, truyền thông và quản lý.

Các cơ sở đào tạo đại học

- Rà soát và điều chỉnh từng bước các chương trình đào tạo hiện có theo hướng cập nhật nội dung về khoa học kế toán, kiểm toán đã được quốc tế thừa nhận kết hợp ứng dụng chuyển đổi số vào các chương trình đào tạo này; nghiên cứu xây dựng các môn học, học phần, chương trình đào tạo mới ứng dụng chuyển đổi số ở mức độ cao, tăng cường các nội dung thực hành nghiệp vụ kế toán, kiểm toán trong môi trường chuyển đổi số...

- Tổ chức các chương trình thực tế giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận sớm với thực hành kế toán, kiểm toán tại DN; tổ chức các tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm giữa giảng viên và các chuyên gia tại nhiều DN, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phần mềm kế toán, kiểm toán.

- Tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế. Tăng cường mối quan hệ, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán và các tổ chức phi chính phủ trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về kế toán, kiểm toán và trong việc hỗ trợ các dự án đổi mới mô hình quản lý nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, cũng như các kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ gắn với ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 vào hoạt động.

Kết luận

Kế toán, kiểm toán là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động lớn từ cuộc CMCN 4.0 nói chung và xu hướng chuyển đổi số nói riêng. Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán là xu thế tất yếu mà các cơ quan quản lý, các DN cần nhận thức đầy đủ. Điều đáng mừng là trong các Chiến lược, kế hoạch về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính nói chung và kế toán kiểm toán nói riêng của Việt Nam, chủ trương chuyển đổi được đề cập xuyên suốt, thống nhất, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các bên liên quan nhằm bắt kịp và đáp ứng được yêu cầu do bối cảnh mới đặt ra.

Tài liệu tham khảo:

  1. TS. Nguyễn Phước Bảo Ấn, TS. Trần Anh Hoa, TS. Phạm Trà Lam (2021), Định hướng phát triển chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
  2. ThS. Trần Thị Quyên (2022), Giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán tại Việt Nam, Tạp chí Công Thương;
  3. ACCA. (2016), Professional Accountants-The Future: Drivers of Change and Future Skills. London, UK: ACCA.
  4. PwC. (2018), Financial Statement Audit: Tech-Enabling the Audit for Enhanced Quality and Greater Insights. London, UK: Pricewaterhouse and Coopers.