Thủ tướng Chính phủ:

Chuyển đổi số và tăng trưởng xanh tác động toàn diện, sâu sắc đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam

Đức Mạnh

Đây là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2023 diễn ra chiều 14/6/2023, tại Hà Nội. Diễn đàn có chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão và thực sự đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư. Trong thời gian vừa qua, với việc chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũng như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mới, nhiều thành quả.

Theo Thủ tướng, cuộc CMCN lần thứ tư, trong đó có chuyển đổi số và tăng trưởng xanh đã tác động toàn diện, sâu sắc đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trên các lĩnh vực với những khía cạnh chủ yếu. Đó là thế giới được số hóa, kết nối số mọi lúc, mọi nơi, kết hợp thế giới thực với thế giới ảo. Do đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ diễn ra cả trong môi trường thực và môi trường ảo.

“Đối với Việt Nam, ý thức rõ về cơ hội và yêu cầu, Chính phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển mà trước hết, không ngừng nỗ lực để tiếp tục xây dựng một Chính phủ có đủ năng lực quản trị phát triển trong thời đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức của thời đại số, tăng trưởng xanh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng và các đại biểu bấm nút khai mạc Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 .
Thủ tướng và các đại biểu bấm nút khai mạc Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 .

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, vừa qua, chuyển đổi số ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sắc và nhiều khuyến nghị chính sách, giải pháp đẩy nhanh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chỉ ra cơ hội và thách thức của các chuyên gia, nhà quản lý trong nước, quốc tế tại Diễn đàn.

Theo Thủ tướng, để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần tập trung vào những nhóm giải pháp trọng tâm. Cụ thể, bám sát các yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và sớm ban hành Chương trình hành động để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cho từng cấp, ngành, cơ quan đơn vị; đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện có hiệu quả "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cùng với đó, đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số. Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thúc đẩy chuyển đổi xanh. 

Thủ tướng nghe các đơn vị giới thiệu về ứng dụng công nghệ tại Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 .
Thủ tướng nghe các đơn vị giới thiệu về ứng dụng công nghệ tại Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 .

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm một số giải pháp như: Cần xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả... Đặc biệt, phải nhanh chóng thể chế hóa quan điểm nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

“Việt Nam có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận và hưởng lợi từ CMCN lần thứ tư, như có cơ cấu dân số trẻ, ham học hỏi, năng động, sáng tạo, hạ tầng cho công nghệ số hóa phát triển nhanh, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện. Vì vậy, dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng đây thực sự là cơ cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng.