Áp trần giá bán chưa phải biện pháp mạnh nhất để bình ổn giá sữa

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhiều mặt hàng sữa đã rục rịch giảm giá sau ngày 1/6 - ngày áp trần giá bán của 25 loại sữa. Nhưng hiện nay, điều mà người tiêu dùng băn khoăn là các hãng sữa có tìm cách lách quy định nâng giá bán hay không? Hậu áp trần giá sữa là gì và có biện pháp nào mạnh tay hơn nữa không? Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Tài chính Nguyễn Trọng Nghĩa trả lời phỏng vấn về nội dung này.

Nếu thị trường sữa vẫn không bình ổn thì sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn. Nguồn: internet
Nếu thị trường sữa vẫn không bình ổn thì sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn. Nguồn: internet
Phóng viên: Thưa ông, tại sao Bộ Tài chính lại chọn biện pháp áp trần giá sữa từ ngày 1/6/2014?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá được thực hiện khi có đủ điều kiện về pháp luật, về thị trường và về thông tin doanh nghiệp. Hiện nay, việc bình ổn giá đã được quy định cụ thể trong Luật Giá và thị trường cũng có những biến động bất thường trong nhiều năm.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã có đủ thông tin doanh nghiệp, nhất là sau đợt thanh tra 5 doanh nghiệp sữa. Vì vậy, việc áp giá trần đối với mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi đã chín muồi và không thể không thực hiện. Trong 7 biện pháp ổn định giá được quy định thì biện pháp được áp dụng là giá tối đa và thực hiện đăng ký giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Hai biện pháp này được lựa chọn vì bảo đảm mục tiêu bình ổn giá, cũng như tính khả thi khi thực hiện.

Vậy, giải pháp bình ổn giá sữa đã phát huy hiệu quả như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

Do đã hội đủ các điều kiện, cơ sở pháp lý đồng thời có sự đồng thuận của các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng và đặc biệt sự vào cuộc các cơ quan truyền thông, vì vậy hiệu lực áp trần giá sữa trong tầm tay. Thông qua nắm bắt thị trường, chúng tôi thấy mặt hàng sữa đã bắt đầu giảm giá. Một số doanh nghiệp đã thông báo đến đại lý của mình chính sách của Nhà nước, đồng thời có những biện pháp hỗ trợ với hàng tồn kho trước thời điểm áp dụng giá trần.

Nhưng có thể thấy dư luận xã hội đang băn khoăn, ngoài 25 mặt hàng sữa được áp dụng giá trần thì những mặt hàng sữa khác sẽ có cơ chế quản lý giá như thế nào?

Các quyết định của Bộ Tài chính đã quy định rõ không chỉ có áp dụng giá trần đối với 25 mặt hàng. Theo Quyết định 1079 của Bộ Tài chính, mức giá trần của 25 mặt hàng này cũng có tác dụng làm chuẩn, làm căn cứ để cho doanh nghiệp tiếp tục tính toán, xác định giá trần đối với các mặt hàng còn lại. Nếu có một sản phẩm nào mới đưa ra lưu thông thì sau khi đăng ký lưu hành doanh nghiệp phải tiếp tục đề xuất giá trần để làm cơ sở quản lý giá. Theo đó, bất kể sản phẩm sữa nào dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có mặt trên thị trường đều bị quản lý giá trần.

Một số cửa hàng sữa có các dòng thuộc 25 nhãn bị áp trần đã sắp hết và sắp sửa tung ra mẫu mã mới. Người tiêu dùng lo ngại đây là chiêu lách luật của các doanh nghiệp để không bị áp trần giá bán. Vậy Bộ Tài chính đã lường trước tình huống này chưa và sẽ xử lý thế nào?

Doanh nghiệp đưa ra các mẫu mã mới của mình là việc bình thường trong kinh doanh. Những ngày gần đây chúng tôi có nhận được thông tin các doanh nghiệp lách bằng cách có những sản phẩm thay thế. Nhưng kết quả kiểm tra cho thấy, một số doanh nghiệp hiện vẫn chưa đưa ra thị trường lưu thông những sản phẩm đã được đăng ký lưu hành từ rất lâu.

Tuy nhiên, trong trường hợp có một sự thay thế nào doanh nghiệp tiếp tục phải thực hiện quản lý giá trần như mọi sản phẩm đã lưu thông. Bất kể mọi trường hợp nào chúng ta đều có cơ chế quản lý và thực hiện việc quản lý ấy.

Lần nào giá sữa tăng Bộ Tài chính cũng vào cuộc, nhưng giá sữa vẫn tăng. Lần này cũng vậy, việc áp trần chỉ là giải quyết phần ngọn, hơi bị động và chạy theo diễn biến thị trường, thưa ông?

Lần này khác lần trước là chúng ta thực hiện đồng bộ các biện pháp áp giá trần và đăng ký giá. Các biện pháp này có trong pháp luật, đã được nghiên cứu tính khả khi và quan điểm của Bộ Tài chính là quyết tâm quản lý giá sữa.

Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra nghi ngờ về khả năng trần giá sữa về lâu dài? Vậy Bộ Tài chính đã lường trước được hết hoặc có những biện pháp kiểm soát lâu dài các doanh nghiệp đưa ra các chiêu lách luật tăng giá sữa?

Bộ Tài chính đã thấy những chiêu tăng giá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với mặt hàng sữa trẻ em thì doanh nghiệp phải tính toán cẩn thận. Khi đưa một dòng sữa mới ra, doanh nghiệp phải tính toán đến chi phí, thị hiếu và các thủ tục đăng ký. Đôi khi làm như vậy hiệu quả còn kém hơn việc cung cấp những sản phẩm đã có uy tín với người tiêu dùng. Do đó, chúng ta nên có lòng tin doanh nghiệp sẽ tính toán và tuân thủ đúng quy định này.

Nhiều người tiêu dùng băn khoăn, nếu giá sữa áp trần mà giảm được 20-30% thì Bộ Tài chính có thấy trách nhiệm của mình không, khi thời gian dài người tiêu dùng phải mua sữa giá đắt, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng? 

Khi thực hiện một chủ trương, chính sách cần hội tụ đủ các điều kiện, và ở đây khi hội tụ đủ luật pháp, biến động trong thời gian qua thì chúng ta thực hiện. Ngoài ra còn có các thông tin sau đợt thanh tra sữa vừa rồi. Tôi lưu ý, việc sử dụng một biện pháp phải có điều kiện của nó và bây giờ các điều kiện đã chín muồi.

Trước kia mặt hàng xi măng chúng ta cũng áp giá trần nên doanh nghiệp sản xuất xi măng bị lỗ, không sản xuất. Thị trường khan hiếm, giá xi măng bị đẩy lên cao. Tình trạng này có xảy ra với sữa không? 

Có thể thấy, mặt hàng sữa khác xi măng, vì hướng tới đối tượng nhạy cảm là trẻ em, được dư luận xã hội cũng như các doanh nghiệp quan tâm. Khi một doanh nghiệp nào đó chối bỏ sản phẩm này khắc sẽ có doanh nghiệp khác. Tôi cho rằng đây cũng là cơ hội các doanh nghiệp xác định cho mình khách hàng trung thành, để có một thị phần tốt hơn phục vụ trẻ em Việt Nam.

Thông qua việc gặp gỡ các doanh nghiệp, tôi đã nhận được nhiều phản hồi khó khăn của họ. Nhưng các doanh nghiệp cũng thể hiện trách nhiệm xã hội của mình và có những động thái tham gia rất tích cực. Hiện nay, Bộ Tài chính đã nhận được rất nhiều văn bản giá trần của rất nhiều mặt hàng. Bộ sẽ đưa giá tối đa đối với mặt hàng bán buôn và 21/6 đối với giá bán lẻ.

Áp trần giá sữa là biện pháp hành chính, vậy có thể áp dụng biện pháp khác mang tính thị trường hơn không?

Vì tính chất hành chính nên chúng ta không nên áp dụng một cách tràn lan. Theo quy định của Bộ Tài chính, biện pháp đăng ký giá là sau 12 tháng khi đã có một thị trường bình ổn, sau khi các doanh nghiệp đã có một thị trường cạnh tranh lành mạnh thì không phải áp dụng các biện pháp bình ổn giá nữa.

Nếu so sánh các biện pháp bình ổn giá khác thì biện pháp áp giá trần đã được coi là mạnh tay nhất hay chưa?

Mỗi biện pháp ứng phó khác nhau, đối với giá sữa sau khi những biến động bất thường thì 2 biện pháp bình ổn giá và áp giá trần là tối ưu. Nếu thị trường vẫn không bình ổn thì sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn.

Nhưng thưa ông, doanh nghiệp cũng có thể thay đổi nhãn hiệu, trọng lượng, vi chất bên trong mà người tiêu dùng không biết? 

Đây là những vấn đề trong quản lý giá đều phải thực hiện theo giá trần, trọng lượng thay đổi thì giá trần thay đổi, chất lượng thay đổi thì giá trần cũng thay đổi. Các cơ quan chức năng liên quan như Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường cũng vào cuộc. Nói cách khác, chúng ta đang có một lực lượng kiểm soát để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng phát hiện những hiện tượng ấy thì phản ánh về cơ quan quản lý giá để xử lý, hoặc phản ánh đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thưa ông, khi nào Bộ Tài chính sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát về việc quản lý giá sữa sau khi áp trần?

Việc này đã được tiến hành thường xuyên. Cách đây vài ngày chúng tôi đã kiểm tra thị trường và họp với các cơ quan chức năng để cụ thể hóa trách nhiệm các ngành.

Các hãng sữa luôn đưa ra các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, tiền quảng cáo sẽ đè nặng lên giá sữa, quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này?

Bộ Tài chính đã tính đến việc doanh nghiệp phải tiết kiệm các chi phí ấy. Tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ biết cách sử dụng chi phí sao cho một mặt thực hiện đúng quy định, mặt khác sản xuất kinh doanh bình thường để giới thiệu các sản phẩm đến được khách hàng.

Giả sử cần biện pháp mạnh tay hơn thì có thể là biện pháp gì, thưa ông?

Sử dụng các công cụ thanh tra, kiểm tra xử phạt sẽ mạnh tay hơn, triệt để hơn để các doanh nghiệp nhìn thấy làm gương. Qua đó, doanh nghiệp sẽ hành xử đúng hơn, thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Khi thị trường bình ổn sẽ quay lại cơ chế kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp phải tiếp tục kê khai giá sữa, tiếp tục lưu thông. Trong đó, mỗi kê khai giá sẽ phải thực hiện một cách chặt chẽ. Ở lần bình ổn giá sữa này cần sự đồng lòng của doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng như các cơ quan thông tấn báo chí. Nếu có sự chung sức đồng lòng thì kết quả không chỉ bây giờ mà mãi về sau nữa.

Xin cám ơn ông!