Cần luật hóa hoạt động hải quan ở trên biển

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Ngày 23/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Hải quan (sửa đổi) với 91,16% số phiếu tán thành. Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Với sự kiện này, Luật Hải quan (sửa đổi) sẽ mở một môi trường làm việc năng động, hiệu quả hơn trong lĩnh vực hải quan.

Nghiêm cấm công chức hải quan gây phiền hà, khó khăn trong việc làm thủ tục hải quan. Nguồn: internet
Nghiêm cấm công chức hải quan gây phiền hà, khó khăn trong việc làm thủ tục hải quan. Nguồn: internet

Luật Hải quan sửa đổi quy định rõ việc trang bị và sử dụng trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Thêm cơ chế trong phòng chống buôn lậu

Theo đó, cơ quan hải quan, công chức hải quan được trang bị, sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, cờ hiệu, pháo hiệu, đèn hiệu, thiết bị quan sát, soi chiếu, công nghệ sinh hoá, thiết bị cơ khí, điện, điện tử và các phương tiện khác theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan hải quan, công chức hải quan trực tiếp làm nhiệm vụ chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp lực lượng, hỗ trợ phương tiện, cung cấp thông tin; nếu phương tiện được hỗ trợ bị thiệt hại thì cơ quan hải quan phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Các đại biểu cho rằng, việc cụ thể hóa cơ chế bảo vệ hải quan là cần thiết bởi khi lực lượng hải quan làm nhiệm vụ ở địa hình phức tạp dễ có sự chống đối manh động, cực đoan, hoặc khi làm nhiệm vụ trên biển, biên giới chưa xảy ra chiến tranh nhưng có mâu thuẫn cục bộ, lực lượng hải quan cần được bảo vệ chu đáo. Hoặc khi khối lượng hàng hóa thu giữ nhiều, chủng loại phức tạp, có lực lượng tham gia bảo vệ để hải quan yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, trong phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới (Điều 88), Luật Hải quan (sửa đổi) cũng đã bổ sung quy định, cho phép lực lượng hải quan có thẩm quyền truy đuổi đối với các trường hợp vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới ở ngoài khu vực hải quan. Theo đó, trường hợp có căn cứ xác định hàng hoá buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, phương tiện vận tải chở hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan thì cơ quan hải quan được phép tiếp tục truy đuổi, thông báo cho cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường trên địa bàn để phối hợp, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc dừng, truy đuổi phương tiện vận tải nước ngoài đang đi trong vùng biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật Biển Việt Nam.

Giữ nguyên kiểm tra sau thông quan là 5 năm

Mặc dù nhiều đại biểu có ý kiến cho rằng thời gian kiểm tra sau thông quan 5 năm là quá dài, có thể gây khó khăn cho DN và đề nghị rút ngắn xuống là 2 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nội dung đưa ra trong dự thảo là hợp lý. Theo Ủy ban Thường vụ QH, việc giữ nguyên này là xuất phát từ việc thay đổi phương thức quản lý, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, kiểm tra sau thông quan sẽ là khâu chủ yếu và có vai trò hết sức quan trọng nhằm bảo đảm kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật của người khai hải quan. Việc xác định thời hạn kiểm tra sau thông quan là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan là phù hợp với phương thức quản lý hải quan hiện đại cũng như năng lực thực hiện kiểm tra sau thông quan của tổ chức bộ máy hải quan.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình), Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, kiểm tra sau thông quan là một khâu quan trọng trong kiểm tra hải quan bởi hiện nay ngành Hải quan thực hiện nguyên tắc tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, do đó khâu hậu kiểm cần thực hiện tốt. Quy định thời hạn kiểm tra sau thông quan là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan và quyền ban hành quyết định kiểm tra được phân cấp như dự thảo Luật là rõ ràng và phù hợp.

Bổ sung các hình thức cấm trong lĩnh vực hải quan

Luật Hải quan (sửa đổi) lần này đã bổ sung Điều 10 quy định riêng về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan. Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Đối với công chức hải quan là cấm gây phiền hà, khó khăn trong việc làm thủ tục hải quan; Bao che, thông đồng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, gian lận thuế; Nhận hối lộ, chiếm dụng, biển thủ hàng hoá tạm giữ hoặc thực hiện hành vi khác nhằm mục đích vụ lợi; Hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan.

Đối với người khai hải quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải, các hành vi bị cấm gồm: Thực hiện hành vi gian dối trong việc làm thủ tục hải quan; Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Gian lận thương mại, gian lận thuế; Đưa hối lộ hoặc thực hiện hành vi khác nhằm mưu lợi bất chính; Cản trở công chức hải quan thi hành công vụ; Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin hải quan; Hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan.