Cơ chế sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước

Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính)

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chính sách về vấn đề này nhằm mục đích sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là đưa việc sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước vào nề nếp, theo đúng quy hoạch phát triển đô thị của cả nước cũng như ở từng địa phương.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ chế sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước

Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được từ thực tiễn 6 năm thực hiện thí điểm sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24/5/2001); ngày 19/01/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước.

Mục tiêu của việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là đưa việc sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước vào nề nếp, theo đúng quy hoạch phát triển đô thị của cả nước cũng như ở từng địa phương; thúc đẩy quá trình chỉnh trang bộ mặt đô thị theo hướng hiện đại, văn minh; nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại đô thị.

Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có vai trò của các cơ quan trực tiếp tham gia vào quá trình thực hiện sắp xếp lại; thực hiện phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của từng cơ quan đảm bảo cho việc thực hiện được thống nhất; tại Thông tư số 83/2007/TT-BTC ngày 16/7/2007 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể:

Một là, quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với việc thành lập Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước (gọi tắt là Ban chỉ đạo 09) với thành phần gồm đai diện: Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.

Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất do các Bộ, ngành quản lý, sử dụng tại Hà Nội do Ban chỉ đạo 09 thành phố Hà Nội (thành lập theo Quyết định số 1260/QĐ-UBND ngày 13/10/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) chỉ đạo, kiểm tra. Danh sách thành viên Ban chỉ đạo 09 thành phố Hà Nội liên tục được kiện toàn trong quá trình thực hiện. Hiện nay, thành phần Ban chỉ đạo 09 thành phố Hà Nội phụ trách việc sắp xếp đối với các cơ sở nhà, đất do trung ương quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm: Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Cục Thuế, Công an Thành phố, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch & Đầu tư.

Hai là, quy định rõ quy trình thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và trách nhiệm của từng chủ thể như: Trách nhiệm của đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất và cơ quan chủ quản đối với việc đề xuất phương án xử lý; trách nhiệm của Ban chỉ đạo 09 xem xét, có ý kiến về phương án xử lý để báo cáo cấp có thẩm quyền; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc có ý kiến với Bộ Tài chính về phương án xử lý nhà, đất do Ban chỉ đạo 09 đề xuất.

Ba là, quy định rõ phương thức và thẩm quyền xử lý các cơ sở nhà, đất. Trong đó đối với các cơ sở nhà, đất do trung ương quản lý được Ban chỉ đạo 09 có Biên bản thống nhất xử lý theo phương án bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; hoặc phương án chuyển mục đích sử dụng đất thì quy trình thực hiện như sau:

Thứ nhất: Thường trực Ban chỉ đạo 09 có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có ý kiến về các nội dung: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và phương án xử lý (bán hoặc chuyển mục đích).

Thứ hai: Khi nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thống nhất với phương án xử lý, Ban chỉ đạo 09 trình Bộ Tài chính phê duyệt phương án bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; hoặc phương án chuyển mục đích sử dụng đất theo thẩm quyền.

Tính đến tháng 6/2015, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý 1.402 cơ sở nhà, đất do trung ương quản lý. Trong đó có 30 cơ sở thực hiện theo phương án bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và 49 cơ sở thực hiện theo phương án chuyển mục đích sử dụng đất.

Việc sử dụng đất (tại các cơ sở đã bán hoặc đã cho phép chuyển mục đích) để thực hiện các Dự án đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, trung tâm thương mại với mật độ sử dụng đất, quy mô, chiều cao từng công trình cụ thể do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trực tiếp xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật, trong đó có Luật Thủ đô.

Cơ chế tài chính đối với số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 thì các khoản thu từ đất ngân sách địa phương được hưởng 100%.

Thực tế cho thấy thực hiện theo quy định này thì việc sắp xếp nhà, đất gặp rất nhiều khó khăn. Một mặt không khuyến khích được các đơn vị trực tiếp sử dụng nhà, đất hưởng ứng thực hiện sắp xếp lại việc sử dụng theo quy hoạch phát triển đô thị. Mặt khác gây áp lực rất lớn đối với ngân sách trung ương khi phải bố trí nguồn để đầu tư trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp cho các đơn vị thuộc trung ương quản lý phải di chuyển đến địa điểm mới.

Do là vấn đề hệ trọng nên cơ chế này Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phải thực hiện thí điểm trước khi áp dụng đại trà trên phạm vi cả nước. Như đã trình bày ở trên, thực tế thực hiện thí điểm 6 năm tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy cơ chế sử dụng nguồn tiền thu được từ sắp xếp nhà, đất đã thực sự phát huy hiệu quả.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đến nay cơ chế này đã được quy định tại Điểm k Khoản 1 Điều 35 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015:

“1. Các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%:

k) Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý”.