Tỷ lệ động viên từ thuế của Việt Nam ở mức thấp và đang giảm dần

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Đó là khẳng định của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, ông Ngô Hữu Lợi khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Thuế trước thông tin cho rằng: tỷ lệ động viên thu ngân sách/GDP ở Việt Nam cao hơn các nước rất nhiều. Theo ông Lợi, sở dĩ tỷ lệ thu ngân sách/GDP của Việt Nam cao là do các tiêu chí và cách tính chưa đồng nhất so với các nước.

Phóng viên: Xin ông cho biết, hiện nay cơ cấu thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Việt Nam bao gồm những nguồn nào, có khác gì so với thế giới?
 
 Tỷ lệ động viên từ thuế của Việt Nam ở mức thấp và đang giảm dần  - Ảnh 1
Ông Ngô Hữu Lợi,
Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế
Ông Ngô Hữu Lợi: Số thu ngân sách từ thuế, phí mà nhiều nước công bố thường là số thu của ngân sách chính quyền trung ương, do các nước có sự độc lập giữa các cấp ngân sách. Trong khi đó, ở Việt Nam, hệ thống NSNN là thống nhất cả 4 cấp, từ trung ương, tỉnh, huyện và xã.

Theo đó, nguồn thu NSNN bao gồm: thuế, phí, thu từ dầu thô, quyền sử dụng đất, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước; ngoài ra, còn có một số khoản thu phát sinh ngoài dự toán và các khoản khác như: thu từ quỹ dự trữ tài chính, thu huy động vốn cân đối ngân sách địa phương, thu kết dư ngân sách địa phương, thu chuyển nguồn từ năm trước sang.

Riêng thu từ dầu thô, ở Việt Nam cũng được tổng hợp giống như khoản thu thuế, nhưng ở các nước, khoản thu này xếp vào loại “thu từ vốn - bán tài nguyên quốc gia”. Do đó, khi so sánh tỷ lệ thuế, phí ở Việt Nam với các nước, cần phải so sánh một cách đồng nhất và cùng bản chất giữa các tiêu chí thì kết quả mới tương thích.
 
Nếu chỉ so sánh riêng tỷ lệ huy động từ thuế, phí/GDP như các nước hiện nay đang tính, thì giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ động viên từ thuế, phí (gồm thu cả từ dầu thô) của Việt Nam chiếm 24,9% GDP (trung bình các nước là 28,7%), nếu tính riêng cấp trung ương như các nước thì chỉ chiếm 17,9%. Nếu loại trừ dầu thô thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí là 19,2% GDP (riêng cấp trung ương là 12,2%). Còn nếu chỉ tính riêng các khoản thu nội địa và loại trừ các khoản thu không mang tính chất động viên như dầu thô, thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; thu bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản;... thì tỷ lệ động viên từ thuế, phí ở Việt Nam chỉ chiếm 13,4% GDP, trong đó riêng cấp trung ương chỉ là 6,5% GDP.
 
Thế còn tương quan thuế suất của các sắc thuế chủ yếu ở Việt Nam hiện nay so với các nước thì sao, thưa ông?
 
Thực tế, so với các nước trên thế giới, thuế suất các sắc thuế chính của Việt Nam đều đang ở mức thấp và tiếp tục có xu hướng giảm dần. Cụ thể, thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ mức thuế suất 32% năm 1999, giảm xuống 28% năm 2004, giảm tiếp xuống 25% vào năm 2009 và từ 1/1/2014 thuế suất phổ thông thuế TNDN sẽ chỉ còn 22%. Nếu tính cả các thuế suất ưu đãi 10%, 20% và các khoản miễn, giảm thuế thì thuế suất thuế TNDN thực ở Việt Nam chỉ vào khoảng 16,32%, trong khi mức thuế suất bình quân chung của 83 nước trên thế giới hiện đang ở mức 27%. (Philippines, Trung Quốc là 30%; Malaysia là 25%).
 
Về thuế giá tị gia tăng ở Việt Nam cũng vậy, mức thuế suất phổ thông là 10% áp dụng cho hầu hết hàng hóa, dịch vụ; mức 5% áp dụng cho một số hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp và mức 0% áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Trong khi đó, so với 112 nước trên thế giới, có tới 88 nước có thuế suất thuế giá tị gia tăng từ 12-25%, (trong đó 57 nước có thuế suất từ 17-25%); các nước trong khu vực như Lào, Philipines, Indonesia, Campuchia có mức thuế suất phổ thông là 10%; Trung Quốc là 17% và 13%.
 
Về thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), giai đoạn 2001-2008 chỉ áp dụng đối với người có thu nhập cao với mức thuế suất lũy tiến từng phần từ 10-60%. Từ 1/1/2009, khi áp dụng Luật Thuế TNCN, thuế suất đã giảm xuống từ mức 5-35%, đồng thời, chỉ tính thuế với phần thu nhập sau khi đã giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế 4 triệu đồng/tháng và 1,6 triệu cho mỗi người phụ thuộc; giảm trừ đóng góp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc. Mức giảm trừ gia cảnh kể từ 01/7/2013 được nâng lên mức 9 triệu đồng cho bản thân người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/người/tháng cho mỗi người phụ thuộc, đồng nghĩa với tỷ lệ động viên từ thuế TNCN sẽ giảm theo.
 
Chưa kể 5 năm gần đây, trong những thời điểm kinh tế khó khăn chính sách miễn, giãn, giảm các loại thuế luôn được chọn là giải pháp hàng đầu để hỗ trợ DN. Theo đó, năm 2008 - 2009 số thuế được giảm, gia hạn lên tới 21.628 tỷ đồng. Năm 2010, tổng số thuế TNDN được gia hạn là trên 11.000 tỷ đồng. Năm 2011, tổng số tiền thuế miễn, giảm vào khoảng 3.300 - 3.600 tỷ đồng; số tiền được gia hạn khoảng 11.340 tỷ đồng.

Năm 2012 đã có trên 200.000 DN được gia hạn nộp thuế với tổng số tiền lên tới gần 10.000 tỷ đồng; miễn thuế khoán và thuế môn bài cho 40.223 hộ; giảm tiền thuê đất cho trên 3.000 DN sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ với số tiền trên 300 tỷ đồng. Những biện pháp miễn, giãn, giảm và gia hạn về thuế đã thực sự giúp nền kinh tế ứng phó hiệu quả với các biến động bất lợi từ bên ngoài, hỗ trợ cho các DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường.
 
Với hệ thống chính sách thuế đã và đang được hoàn thiện theo hướng giảm, liệu có ảnh hưởng đến cân đối thu chi NSNN?
 
Thực tế ở Việt Nam trong những năm gần đây, hệ thống chính sách thu từ thuế, phí luôn được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần để khuyến khích đầu tư, sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao, phát huy hiệu quả tiềm lực tài chính của DN, NNT, qua đó tuy trước mắt có ảnh hưởng nhất định đến số thu NSNN nhưng trong trung và dài hạn sẽ góp phần mở rộng nguồn thu, tăng thu NSNN. Cùng với đó, cơ chế quản lý thu cũng ngày càng được hoàn thiện, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính về thuế và hải quan đã được triển khai rất tích cực.
 
Từ nay đến năm 2020, hệ thống chính sách thuế sẽ tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện đảm bảo mục tiêu “xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư”. Theo đó, tỷ lệ huy động NSNN và động viên từ thuế, phí, lệ phí/GDP ở mức hợp lý sẽ tăng khả năng cạnh tranh, tích tụ vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của DN và đây chính là cơ sở bảo đảm chắc chắn nhất cho cân đối NSNN.

Xin cảm ơn ông!