Áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm nhôm Trung Quốc

Q. Tuấn

Ngày 28/9/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2942/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Hoa. Quyết định có hiệu lực từ ngày 04/10/2019 và được áp dụng trong thời hạn 05 năm (trừ trường hợp được gia hạn).

So với quy định áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời thực hiện theo Quyết định số 1480/QĐ-BCT ngày 29/5/2019 trước đó, các nội dung có liên quan về hàng hóa (gồm tên gọi và đặc tính cơ bản, mục đích sử dụng, mã số HS), danh sách công ty bị áp dụng, thủ tục kiểm tra và áp dụng thuế chống bán phá giá theo các bước là không thay đổi. Riêng về mức thuế tương ứng với các nhóm công ty là có một số điều chỉnh.

Cụ thể, các mức thuế chống bán phá giá thay đổi bao gồm: Mức 2,46% tăng lên thành 2,49%; Mức 8,40% tăng lên thành 8,41%; Mức 11,82% tăng lên thành 20,35%; Mức 12,65% tăng lên thành 25,62%; Mức 18,09% tăng lên thành 23,47%; Mức 19,07% tăng lên thành 24,87%; Mức 20,06% tăng lên thành 22%; Mức 20,59% tăng lên thành 24,87%; Mức 26,74% tăng lên thành 35,39%;

Cùng với các mức tăng trên, Bộ Công Thương cũng áp dụng giảm một số mức: Mức 18,48% giảm xuống còn 18,16%; Mức 34,15% giảm xuống còn 31,22%; Mức thuế chống bán phá giá cao nhất là 35,58%tiếp tục được áp dụng.

Trường hợp mức thuế chống bán phá giá chính thức thấp hơn mức thuế chống bán phá giá tạm thời thì doanh nghiệp được hoàn lại khoản thuế chênh lệch. Trường hợp mức thuế chống bán phá giá chính thức cao hơn mức thuế chống bán phá giá tạm thời thì doanh nghiệp không phải nộp bổ sung khoản thuế chênh lệch.

Trước đó, vào tháng 1/2019, Bộ Công Thương đã tiền hành điều tra thị trường và kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước, trong đó có 16 công ty, nhà sản xuất Trung Quốc.

 Kết quả cho thấy, ngành sản xuất nhôm trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề thời gian qua, với hầu hết doanh nghiệp đều thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động. Ngoài ra, số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhôm Trung Quốc đang được bán phá giá với biên độ từ 2,49% đến 35,58%. Trong một số trường hợp, giá bán còn thấp hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất. Đây là các sản phẩm đã bị nhiều nước ngăn chặn bằng các rào cản thương mại, kể cả các biện pháp chống bán phá giá.

Kết quả này đáp ứng các điều kiện bắt buộc theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan để áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Từ đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm nhôm nêu trên để giảm thiểu thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước vốn đang bên bờ vực thua lỗ, phá sản.

Theo Bộ Công Thương, năm 2018, lượng nhôm thanh đùn ép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam lên tới 62.000 tấn, gần gấp đôi năm 2017. Số này chưa bao gồm lượng lớn nhôm nhập khẩu vào Việt Nam được đưa vào các khu chế xuất để sản xuất hàng xuất khẩu. Ngược lại, lượng nhập khẩu từ các nước còn lại liên tục giảm qua các năm và đến 2018 chỉ còn chưa đến 5.000 tấn.

Cũng theo Bộ Công Thương, trong năm 2018, Mỹ đã tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam. Kết luận cho thấy, sản phẩm nhôm đùn ép của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đang lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đã áp với hàng Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ tuyên bố áp thuế suất lên tới 374,15% đối với các sản phẩm này của Việt Nam.

Đáng lưu ý, trong số các sản phẩm nhôm đùn xuất xứ từ Việt Nam bị kết luận là lẩn tránh thuế có một số mã HS thuộc phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo Quyết định 2942/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.