Điểm mới về quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ

N. Ánh

Ngày 30/12/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân vừa ký kết ban hành Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC với những đổi mới về cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ góp phần hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của đất nước.

Theo đó, cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN quy định tại Thông tư liên tịch có một số điểm mới nổi bật sau:

02 phương thức khoán chi

Thông tư quy định, nhiệm vụ KH&CN được khoán chi theo một trong hai phương thức là khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và khoán chi từng phần.

Phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng được áp dụng đối với các nhiệm vụ được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được; số lượng quy mô sản phẩm tạo ra; địa chỉ ứng dụng; có tổng dự toán các khoản chi sửa chữa, mua sắm tài sản, đoàn ra không quá 1 tỷ đồng.

Phương thức khoán chi từng phần được áp dụng đối với các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Trong khoán chi từng phần, cơ bản các nội dung kinh phí được thực hiện khoán chi (tiền công, hội thảo, công tác trong nước...). Chỉ không khoán chi đối với các nội dung mua nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng chưa được ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; sửa chữa, mua sắm tài sản cố định, đoàn ra.

Sử dụng kinh phí khoán

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì được chủ động thực hiện các khoản chi theo thực tế phát sinh để đáp ứng yêu cầu khoa học của nhiệm vụ, không phụ thuộc vào định mức chi và dự toán của từng nội dung chi được duyệt trong tổng số các nội dung chi được giao khoán. Kinh phí giao khoán tiết kiệm do không chi hết được để lại cho tổ chức chủ trì quyết định phương án sử dụng.

Thanh toán, tạm ứng kinh phí

Thông tư quy định, tạm ứng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ được thực hiện theo tiến độ hợp đồng nghiên cứu và phát triển KH&CN; thanh toán tạm ứng được căn cứ vào bảng kê khối lượng công việc đã thực hiện; kho bạc nhà nước không kiểm soát chứng từ chi tiết.

Quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ

Theo Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC, kinh phí thực hiện nhiệm vụ được quyết toán một lần sau khi hoàn thành và các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng. Đối với nhiệm vụ thực hiện trong nhiều năm, hàng năm chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì chỉ cần gửi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về số kinh phí thực nhận, thực chi.

Cùng với Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT/BTC-BKHCN của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ ngày 22/4/2015 hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước, Thông tư liên tịch số 27 sẽ đảm bảo đồng bộ quy trình quản lý kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ KH&CN bao gồm: lập dự toán và quản lý sử dụng (giao khoán, kiểm soát chi, tạm ứng và thanh toán tạm ứng, kiểm tra, thanh quyết toán).

Thông tư này có hiệu lực ngày 15/2/2016 và sẽ thay thế các nội dung đã quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 4/10/2006 của Bộ Tài chính và Bộ KH&CN hướng dẫn chế độ khoán chi phí của đề tài, dự án KH&CN đã ban hành và triển khai rộng rãi trong 10 năm qua.