Phí sử dụng đường bộ thấp hơn dự kiến, miễn thu phí đối với xe máy của hộ nghèo

PV.

(Tài chính) Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ, trong đó, có quy định về thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, thay thế phương thức thu phí qua các trạm thu phí nộp NSNN hiện hành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2012 song do kinh tế-xã hội năm 2012 còn nhiều khó khăn nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo được lùi tới ngày 01/01/2013. Điều đáng chú ý là ngoài việc quy định các mức thu thấp hơn dự kiến, Bộ Tài chính cũng bổ sung thêm quy định không thu phí đối với xe máy điện và miễn thu phí đối với xe máy của các hộ nghèo.

Khi thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện sẽ bãi bỏ thu phí qua các trạm thu phí nộp NSNN
Khi thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện sẽ bãi bỏ thu phí qua các trạm thu phí nộp NSNN
Theo đó, dựa trên đề xuất phương án thu phí của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ GTVT nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Trong quá trình soạn thảo Thông tư, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các bộ ngành, địa phương liên quan.

Do phạm vi tác động và đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự thảo Thông tư khá rộng (khoảng 35 triệu xe mô tô và 1,5 triệu xe ô tô), Bộ Tài chính cũng đã có công văn số 12410/BTC-CST ngày 14/9/2012 báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về những vấn đề cơ bản của dự thảo Thông tư. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 8453/VPCP ngày 24/10/2012, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Thông tư và gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam...

Sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã tổ chức họp với Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số đơn vị liên quan để thống nhất về việc tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Thông tư. Cụ thể, theo Thông tư số 197/2012/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện vừa được Bộ Tài chính ban hành, mức thu đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký tên cá nhân sẽ là 130.000 đồng/tháng, thấp hơn 50.000 đồng/tháng so với mức dự kiến nêu tại bản dự thảo. Đây cũng là mức thu thấp nhất đối với loại hình phương tiện ôtô.

Ở trường hợp khác, xe tải và xe chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên, nếu như mức thu dự kiến là 1,44 triệu đồng/tháng hoặc 16,76 triệu đồng/năm thì mức thu thực tế phải chịu kể từ năm sau chỉ còn 1,04 triệu đồng/tháng hoặc 12,48 triệu đồng/năm.

Theo nội dung Thông tư nêu trên, các mức thu sẽ giảm dần sau mỗi một năm. Chẳng hạn mức thu của 1 tháng năm thứ 2 (từ tháng thứ 13 đến tháng thứ 24 tính từ khi đăng kiểm và nộp phí) bằng 92% mức phí của 1 tháng năm thứ nhất; mức thu của 1 tháng năm thứ 3 (từ tháng thứ 25 đến tháng thứ 30 tính từ khi đăng kiểm và nộp phí) bằng 85% mức phí của 1 tháng năm thứ nhất.

Về phương thức thu - nộp, chủ xe ôtô sẽ nộp phí theo các chu kỳ đăng kiểm tại cơ quan đăng kiểm. Sau khi nộp phí, cơ quan đăng kiểm sẽ dán tem nộp phí tương ứng với thời gian nộp.

Riêng đối với xe ôtô của lực lượng an ninh, quốc phòng sẽ thu theo hình thức vé, mức cụ thể là 1 triệu đồng hoặc 1,5 triệu đồng/vé/năm tùy theo loại hình phương tiện.

Tương tự ôtô, các mức thu đối với xe máy cũng thấp hơn dự kiến. Cụ thể, mức dự kiến với xe máy có dung tích xi-lanh từ 100 cm3 trở xuống là 80.000 - 120.000 đồng/xe/năm thì mức thu thực tế là 50.000 - 100.000 đồng/xe/năm; mức dự kiến với xe có dung tích xi-lanh trên 100 cm3 là 120.000 - 180.000 đồng/xe/năm thì mức thực thu là trên 100.000 đồng đến 150.000 đồng/xe/năm.

Với loại hình môtô, xe gắn máy, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh sẽ quy định mức thu cụ thể nằm trong khung nêu trên nhằm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Riêng xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xi-lanh chịu một mức thu duy nhất là 2,16 triệu đồng/xe/năm.

Ngoài việc quy định các mức thu thấp hơn dự kiến sau khi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, Bộ Tài chính cũng bổ sung thêm quy định không thu phí đối với xe máy điện và miễn thu phí đối với xe máy của các hộ nghèo.

MỨC THU PHÍ ĐỐI VỚI Ô TÔ

Số TT

Loại phương tiện chịu phí

1 tháng

1 năm

1

Xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân

130

1.560

2

Xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe đăng ký tên cá nhân); xe tải, rơ moóc và xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ dưới 4.000 kg

 

180

 

 

 

2.160

 

 

3

Rơ moóc có trọng lượng toàn bộ từ 4.000 kg đến dưới 13.000 kg

230

2.760

4

Xe chở người từ 10 chỗ đến dưới 25 chỗ; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 4.000 kg đến dưới 8.500 kg; xe đầu kéo có trọng lượng bản thân dưới 8.500 kg.

270

3.240

5

Rơ moóc có trọng lượng toàn bộ từ 13.000 kg đến dưới 19.000 kg

350

4.200

6

Xe chở người từ 25 chỗ đến dưới 40 chỗ; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 8.500 kg đến dưới 13.000 kg; xe đầu kéo có trọng lượng từ 8.500 kg trở lên

390

4.680

7

Rơ moóc có trọng lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg; Sơ mi rơ moóc có trọng lượng toàn bộ dưới 27.000 kg

430

5.160

8

Xe chở người từ 40 chỗ trở lên; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 13.000kg đến dưới 19.000 kg

590

7.080

9

Rơ moóc, sơ mi rơ moóc có trọng lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên

620

7.740

10

Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg

720

8.640

11

Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên

1.040

12.480

MỨC PHÍ ĐỐI VỚI XE MÔ TÔ (KHÔNG BAO GỒM XE MÁY ĐIỆN)

TT

Loại phương tiện chịu phí

Mức thu

(nghìn đồng/năm)

1

Loại có dung tích xy lanh đến 100 cm3

Từ 50  đến 100

2

Loại có dung tích xy lanh trên 100 cm3

Từ trên 100 đến 150

3

Xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh

2.160