Quản lý sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh

PV.

Ngày 05/02/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/2016/QĐ-TTg về việc quản lý sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2016 - 2020, cùng với yêu cầu cần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Quyết định số 05/2016/QĐ-TTg, số tiền thu được từ phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh được phân bổ như sau: Trích 40% để đưa vào Quỹ tích lũy trả nợ; Số tiền 60% còn lại được sử dụng để bổ sung kinh phí cho đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài chính (ngoài phần ngân sách nhà nước cấp bảo đảm hoạt động thường xuyên theo quy định hiện hành) cho các mục đích quy định về sử dụng kinh phí.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, không trùng lắp với dự toán chi thường xuyên được ngân sách nhà nước đảm bảo.

Hàng năm, ngoài dự toán ngân sách đảm bảo hoạt động thường xuyên theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính giao đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nợ công quản lý sử dụng kinh phí được phân bổ, tức số tiền 60% từ phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh như vừa đề cập để hỗ trợ cho các nội dung chi sau đây:

Một là, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nợ công. Theo đó, xây dựng, duy trì, nâng cấp cơ sở dữ liệu nợ công và các phần mềm phục vụ quản lý nợ công và quản lý viện trợ không hoàn lại. Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý nợ công và viện trợ không hoàn lại; Xây dựng, duy trì hoạt động của Trang thông tin điện tử về quản lý nợ công; Xuất bản Bản tin nợ công và các ấn phẩm có liên quan đến công tác quản lý nợ công. Trang bị cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác quản lý nợ công và quản lý viện trợ không hoàn lại.

Hoạt động nghiệp vụ quản lý nợ công theo hướng dẫn của Bộ Tài chính như thuê Chuyên gia tư vấn pháp luật, hỗ trợ thực hiện các nghiệp vụ quản lý nợ công; Chi cho hoạt động tư vấn và hỗ trợ pháp lý; Kiểm tra, giám sát dự án; hội thảo, hội nghị; Đào tạo bồi dưỡng cán bộ; Nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm ở trong nước và nước ngoài; Chi nghiên cứu khoa học, thực hiện các chuyên đề, đề án cơ chế chính sách và chuyên môn về quản lý nợ công và viện trợ không hoàn lại.

Bổ sung tiền lương tối đa không quá 1 lần mức lương do Nhà nước quy định đối với cán bộ, công chức do Nhà nước quy định (lương ngạch, bậc và các loại phụ cấp, trừ chế độ trảlương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ). Nội dung chi này sẽ chấm dứt khi thực hiện chế độ tiền lương mới.

Các nội dung chi quy định trên thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, ban hành định mức chi nghiệp vụ quản lý nợ công đặc thù trên cơ sở vận dụng các tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định hiện hành, phù hợp với tình hình và khả năng nguồn kinh phí.

Hai là, chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân ngoài đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài chính có thành tích đóng góp trực tiếp cho hoạt động quản lý nợ công. Tổng mức chi tối đa bằng 01 tháng tiền lương thực tế trong năm của đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nợ công.

Ba là, sau khi hoàn thành các nhiệm vụ chi nêu trên, kinh phí tiết kiệm được (nếu có), đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài chính được sử dụng cho các mục đích chi theo quy định tại các Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan quản lý nhà nước, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan.

Bốn là, số kinh phí còn lại sau khi đã sử dụng cho các nội dung trên đây được chuyển sang năm sau để sử dụng theo quy định tại Quyết định này.

Trong Quyết định số 05/2016/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc quản lý và nội dung sử dụng các khoản kinh phí theo quy định tại Quyết định này. Phần kinh phí chưa sử dụng hết của giai đoạn thực hiện quản lý sử dụng phí theo Quyết định số 46/2012/QĐ-TTg ngày 29/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ được chuyển thành nguồn thu để sử dụng cho các mục đích chi theo quy định tại Quyết định này.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nợ công tổ chức triển khai thực hiện; Định kỳ đánh giá tình hình và kiểm tra việc thực hiện, đảmbảo công khai, minh bạch, sử dụng kinh phí đúng mục đích quy định tại Quyết định này.

Đồng thời, đến quý III/2020, Bộ Tài chính tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý sử dụng kinh phí tại đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nợ công, trên cơ sở đó phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cơ chế quản lý sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh cho giai đoạn tiếp theo.

Quyết định số 05/2016/QĐ-TTg bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 25/3/2016, thay thế Quyết định số 46/2012/QĐ-TTg ngày 29/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2012 - 2015 và được áp dụng cho các năm ngân sách từ năm 2016 đến năm 2020. Trong thời gian thực hiện, trường hợp Luật quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn thay đổi thì thực hiện theo quy định mới.

Việc quản lý sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh được tập trung cho mục tiêu tổ chức huy động vốn vay với chi phí và mức độ rủi ro phù hợp, đáp ứng yêu cầu cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ; phân bổ vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ; duy trì các chỉ số nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, không trùng lắp với dự toán chi thường xuyên được ngân sách nhà nước đảm bảo.