Chính sách thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn nhằm phát triển thị trường vốn cho khởi nghiệp ở Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 -Tháng 5

Bài viết này tập trung phân tích, đánh giá chính sách thuế đối với chuyển nhượng vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay, chỉ ra những hạn chế, tồn tại làm cản trở các nhà đầu tư. Qua đó, nhóm tác giả đưa ra một số khuyến nghị, đề xuất nhằm cải thiện cơ chế, chính sách thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn hiện hành nhằm giúp việc đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp được thuận lợi hơn, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đặt vấn đề

Nhóm các nhà đầu tư (NĐT) cho khởi nghiệp là một trong ba chủ thể chính của hệ sinh thái khởi nghiệp, nắm giữ vai trò hết sức quan trọng và là điều kiện “đủ” để có thể phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành khá nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, những chính sách này thường tập trung vào phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) mà chưa quan tâm đúng mức đến các chính sách riêng biệt và cụ thể dành cho các NĐT khởi nghiệp. Theo tinh thần Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải xây dựng sàn giao dịch vốn dành riêng cho các DNKN. Vì vậy, cần có những quy định cụ thể về thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn đầu tư vào các DNKN, làm cơ sở cho việc phát triển sàn giao dịch vốn hiệu quả hơn.

Vốn và các nguồn vốn trong doanh nghiệp khởi nghiệp

DNKN đổi mới sáng tạo (ĐMST) thường có những đặc trưng cơ bản như: Có tính đột phá, sáng tạo; có tính tăng trưởng cao và việc phát triển thường gắn liền với yếu tố công nghệ... Tuy nhiên, hoạt động của các DNKN đổi mới sáng tạo (ĐMST) cũng thường có tính rủi ro cao, vì vậy, thường gặp phải nhiều trở ngại, từ năng lực quản trị kinh doanh, chấp hành các thủ tục hành chính; các vấn đề liên quan tới tiêu chuẩn, quyền sở hữu trí tuệ và trở ngại lớn nhất đó chính là thiếu vốn, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, bao gồm cả vốn đầu tư và vốn vay. Vốn trong các DNKN ĐMST giữ vai trò hết sức quan trọng, nếu không nói là sống còn trong sự phát triển của DN. Thiếu vốn sẽ dẫn tới các khó khăn trong tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, mua sắm cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới cũng như quảng bá, thương mại hóa sản phẩm. Vì vậy, dù rất giàu ý tưởng sáng tạo nhưng nếu không có vốn, nhà khởi nghiệp có thể sẽ không hiện thực hóa được các ý tưởng của mình, khó có thể tạo lập và phát triển được DNKN.

Để có được nguồn vốn cho hoạt động khởi nghiệp, các nhà khởi nghiệp có thể huy động từ rất nhiều kênh khác nhau. Các kênh huy động vốn cơ bản có thể kể đến là: (1) Các khoản tiết kiệm của bản thân và các khoản vay từ người thân, họ hàng; (2) Các khoản tín dụng từ ngân hàng thương mại thông qua các hợp đồng vay ngắn hạn hoặc dài hạn; (3) QuỹĐầu tư mạo hiểm. Đây lànhững quỹđầu tư được ủy thác đểquản lýtiền của các nhàđầu tư giàu cómong muốn đầu tư vào những DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa (DNNVV) nhưng cótiềm năng phát triển nhanh. QuỹĐầu tư mạo hiểm kiếm được lợi nhuận khi DN khởi nghiệp thành công vàphát hành cổphiếu lần đầu trên sàn giao dịch chứng khoán (IPO) hoặc khi DN khởi nghiệp trưởng thành vàbán lại cho một DN khác với giácao; (4) NĐT thiên thần. Những NĐT cá nhân cung cấp vốn đầu tư cho các DNKN dưới dạng khoản vay cóthểchuyển đổi thành cổphần hoặc mua cổ phần của DN; (5) QuỹĐầu tư gọi vốn từcộng đồng. Làhình thức gọi vốn cho phép các nhàđầu tư thiên thần cóthểđầu tư cho các dựán khởi nghiệp thông qua các quỹđầu tư online. Ngoài ra còn có kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu DN và kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, do đầu tư vào các DNKN ĐMST có độ rủi ro cao nên thường được xem là đầu tư mạo hiểm; vì vậy, việc huy động vốn cho DNKN từ vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu và thị trường chứng khoán thường ít khả thi. Vốn đầu tư cho các DNKN ĐMST, thường do các NĐT mạo hiểm hoặc NĐT thiên thần cung cấp. Trong nhiều trường hợp, NĐT có thể rút vốn hoặc chuyển nhượng vốn để bảo toàn vốn đầu tư, hoặc có thể thay đổi danh mục đầu tư, khi đó, sẽ phát sinh thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn.

Chính sách thuế chuyển nhượng vốn ở các nước trên thế giới và ở Việt Nam

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn và tài sản đều bị đánh thuế lãi vốn. Các quy định đánh vào thu nhập từ chuyển nhượng vốn và tài sản có thể được tách riêng thành một sắc thuế (ở Anh) hoặc gộp chung vào thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hoặc thu nhập DN (TNDN) (như Nhật Bản). Dù được tách riêng hay gộp chung thì thu nhập từ chuyển nhượng vốn và tài sản vẫn được tính riêng cho từng lần phát sinh thu nhập, sau đó được bù trừ với các khoản lỗ phát sinh từ các giao dịch chuyển nhượng khác trong năm tính thuế rồi mới áp dụng thuế suất cho từng loại thu nhập.

Ở Anh, thu nhập từ chuyển nhượng vốn và tài sản của DN được xác định khá phức tạp, có tính đến chỉ số giá cả để loại bỏ các yếu tố lạm phát. Đối với DN, thu nhập từ chuyển nhượng vốn được gộp chung vào tổng thu nhập chịu thuế và tính thuế với cùng một mức thuế suất như thuế TNDN (hiện tại là 19%). Đối với cá nhân, thu nhập từ chuyển nhượng vốn được quy định riêng thành một sắc thuế và áp dụng mức thuế suất riêng dựa trên biểu thuế suất lũy tiến của thuế TNCN (thuế suất 10% nếu thu nhập trong mức dưới 34.500 Bảng và 20% đối với thu nhập vượt trên mức trên).

Ở Việt Nam, hoạt động đầu tư và chuyển nhượng vốn áp dụng đối với các NĐT nói chung, các NĐT cho khởi nghiệp nói riêng hiện đang được thực hiện dựa trên Luật Đầu tư năm 2014, Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Khi các NĐT chuyển nhượng vốn sẽ phát sinh các khoản thu nhập và khi đó, các khoản thu nhập này sẽ chịu sự điều chỉnh của các Luật thuế. Cụ thể, nếu NĐT là DN thì thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn sẽ được coi là thu nhập khác và nộp thuế theo Luật Thuế TNDN (Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008 và các văn bản hướng dẫn thực hiện). Nếu NĐT là cá nhân thì thu nhập từ chuyển nhượng vốn sẽ là một khoản thu nhập chịu thuế và được xác định theo Luật Thuế TNCN (Luật Thuế TNCN số 04/2007/ QH12 ngày 21/11/2007 và các văn bản hướng dẫn thực hiện). Quy định cụ thể về thuế đối với chuyển nhượng vốn đầu tư từ các đối tượng như sau:

Thứ nhất, đối với người chuyển nhượng vốn là tổ chức: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ đi các chi phí (bao gồm giá mua của phần vốn chuyển nhượng và chi phí chuyển nhượng phát sinh). Thu nhập từ chuyển nhượng vốn của DN được coi là một khoản thu nhập khác, DN có thu nhập từ chuyển nhượng vốn có trách nhiệm xác định, kê khai số thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn vào tờ khai tạm tính theo quý và quyết toán theo năm và sẽ phải nộp thuế TNDN với thuế suất 20%. Cụ thể, quy định tại Điều 14, Thông tư số 78/2014/TT-BTC về thu nhập từ chuyển nhượng vốn và Mục 8, Điều 12, Thông tư số 156/2013/TT-BTC về kê khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

Thứ hai, đối với người chuyển nhượng vốn là cá nhân: Thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân cư trú và không cư trú có các quy định khác nhau, cụ thể:

- Cá nhân cư trú chuyển nhượng vốn thực hiện khai thuế theo từng lần chuyển nhượng. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn được chuyển nhượng và các chi phí liên quan. Cá nhân cư trú khi chuyển nhượng vốn sẽ nộp thuế TNCN đối với thu nhập nhận được từ chuyển nhượng vốn với mức thuế suất 20%. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán thuế TNCN được tính theo tỷ lệ 0,1% tính trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.

- Cá nhân không cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp tại Việt Nam không phải khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế mà tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng thực hiện khấu trừ thuế và khai thuế. Cá nhân không cư trú khi chuyển nhượng vốn hoặc chuyển nhượng chứng khoán sẽ nộp thuế TNCN với tỷ lệ 0,1% tính trên giá chuyển nhượng vốn hoặc chuyển nhượng chứng khoán theo từng lần phát sinh thu nhập (Điều 14, Thông tư số 78/2014/TT-BTC về thu nhập từ chuyển nhượng vốn và Mục 8, Điều 12, Thông tư số 156/2013/TT-BTC về kê khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn).

Một số vấn đề tồn tại

Với các quy định trong cơ chế, chính sách thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn hiện hành, nếu xem xét trên góc độ khuyến khích đầu tư, có thể thấy một số vấn đề sau:

Một là, chưa có quy định phân biệt hay ưu đãi về thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của NĐT vào DNKN so với đầu tư vào các đối tượng khác: Do đặc điểm của các DNKN ĐMST, việc đầu tư vào các DN này có độ rủi ro cao và các NĐT thường phải có những quyết định thoái vốn hay chuyển nhượng vốn để bảo toàn vốn đầu tư, hay có thể thay đổi danh mục đầu tư để tối ưu hóa vốn đầu tư của mình. Tuy nhiên, các quy định về cơ chế và chính sách thuế đối với các trường hợp này vẫn được thực hiện như đối với việc đầu tư vào các DN khác, chưa có bất kỳ ưu đãi nào nhằm khuyến khích đầu tư vào DNKN.

Hai là, kỳ tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của NĐT là DN và cá nhân hiện đang có sự khác biệt: Đối với DN, kỳ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn được thực hiện theo năm, trong khi thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân được tính theo từng lần phát sinh. Sự phân biệt này chưa đảm bảo công bằng cho các NĐT nói chung, đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp nói riêng và có thể làm hạn chế sự đầu tư của các NĐT cá nhân.

Ba là, chưa có quy định về bù trừ lỗ từ hoạt động chuyển nhượng vốn của DN, cũng như của các cá nhân khi phát sinh các khoản lỗ từ các hoạt động chuyển nhượng vốn nói chung, hoạt động chuyển nhượng vốn đầu tư vào DNKN nói riêng.

- Đối với DN: Khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn được tính vào thu nhập khác để tính thuế TNDN. Tuy nhiên, các văn bản chưa đề cập đến việc giảm trừ khi có các khoản lỗ từ chuyển nhượng vốn.

- Đối với cá nhân: Do thu nhập từ chuyển nhượng vốn được kê khai và nộp thuế theo từng lần phát sinh thu nhập. Vì vậy, đối với cá nhân cư trú, nếu phát sinh lãi, cá nhân sẽ phải nộp thuế TNCN ngay khi có thu nhập, còn nếu phát sinh lỗ thì cá nhân vẫn phải khai thuế nhưng không phải nộp thuế. Còn đối với cá nhân không cư trú thì tính thuế dựa trên giá chuyển nhượng nên việc chuyển nhượng lỗ hay lãi vẫn phải nộp thuế. Như vậy, chưa có quy định nào cho phép NĐT bù trừ lỗ từ việc chuyển nhượng vốn đầu tư với lãi từ các hoạt động chuyển nhượng vốn khác. Quy định chung cho tất cả các đối tượng như vậy sẽ không khuyến khích NĐT trong nước và nước ngoài đầu tư vào các DNKN vốn đã có độ rủi ro cao.

Khuyến nghị giải pháp

Thứ nhất, nghiên cứu và ban hành một số ưu đãi về thuế cho các khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn đầu tư vào DNKN. Cụ thể, có thể áp dụng cơ chế hoãn thuế toàn bộ hoặc một phần cho thu nhập từ chuyển nhượng vốn nếu NĐT tiếp tục sử dụng tiền để đầu tư vào một DNKN khác đủ điều kiện. Cơ chế này có thể được thực hiện như sau:

Bước 1: Người nộp thuế cần xác định thu nhập của từng lần phát sinh hoạt động chuyển nhượng vốn nếu những khoản vốn này đầu tư vào DNKN.

Bước 2: Nếu NĐT sử dụng số tiền thu được để tiếp tục đầu tư vào một DNKN khác đủ điều kiện thì sẽ được áp dụng cơ chế hoãn thuế. Số thuế được hoãn tùy thuộc vào số tiền mà NĐT sử dụng để tiếp tục đầu tư:

- Trường hợp 1: Nếu NĐT sử dụng toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động chuyển nhượng vốn để đầu tư vào một DNKN mới (đủ điều kiện hoặc đã được đăng ký trên sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp) thì NĐT chỉ cần kê khai mà chưa phải nộp thuế. Việc nộp thuế đối với khoản thu nhập này chỉ được thực hiện khi NĐT rút vốn không tiếp tục đầu tư cho DNKN nữa hoặc chuyển nhượng vốn cho đối tượng khác, không phải là các DNKN.

- Trường hợp 2: Nếu NĐT chỉ sử dụng một phần số tiền thu được từ việc chuyển nhượng vốn để đầu tư vào DNKN (đảm bảo đủ tiêu chuẩn) thì chênh lệch giữa số tiền thu được với số tiền đầu tư mới sẽ bị tính thuế. Phần thu nhập còn lại (thu nhập từ chuyển nhượng vốn sau khi trừ đi phần đã bị tính thuế) sẽ được hoãn nộp thuế cho đến khi NĐT rút vốn không tiếp tục đầu tư cho DNKN, hoặc chuyển nhượng vốn cho đối tượng khác, không phải là các DNKN như trường hợp 1...

Áp dụng cơ chế hoãn thuế thu nhập đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sẽ khuyến khích các NĐT bỏ vốn cho khởi nghiệp và tìm kiếm những cơ hội đầu tư khởi nghiệp mới. Đồng thời, nó cũng giúp cho các DNKN có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn vốn hơn. Tuy nhiên, để thực hiện cơ chế này đòi hỏi phải xem xét kỹ các vấn đề sau:

Thứ nhất, xác định rõ thế nào là một DNKN ĐMST. Điều này sẽ dễ dàng hơn khi sàn giao dịch vốn cho DNKN được thiết lập và vận hành.

Thứ hai, kiểm soát được thu nhập từ các lần chuyển nhượng vốn của các NĐT một cách chính xác.

Thứ ba, kỳ tính thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn đối với cá nhân được tính theo năm thay vì theo từng lần phát sinh như quy định hiện nay.

Quy định về cơ chế hoãn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn đầu tư vào các DNKN áp dụng cho cả trường hợp NĐT là DN hoặc cá nhân và có thể được mở rộng hơn bằng cách: (1) Miễn thuế thu nhập đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản nếu NĐT sử dụng toàn bộ số tiền bán tài sản đó để đầu tư vào một dự án khởi nghiệp mới; (2) Thực hiện hoãn thuế đối với thu nhập từ việc chuyển nhượng vốn đầu tư vào các DNNVV, nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu của Chính phủ trong từng thời kỳ nhất định. Ví dụ, chỉ cho phép hoãn tối đa 50% số thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn đầu tư vào các DNNVV thay vì 100% như cơ chế áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn đầu tư cho các DNKN. Hoặc chỉ áp dụng cơ chế hoãn thuế cho các DNNVV trong một số lĩnh vực nhất định cần khuyến khích.

Thứ tư, áp dụng kỳ tính thuế theo năm thay vì theo từng lần phát sinh cho khoản thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn của các NĐT cá nhân nhằm đảm bảo công bằng với các NĐT là DN.

Thứ năm, xem xét, sửa đổi để cho phép bù trừ số lỗ của việc chuyển nhượng vốn đầu tư cho khởi nghiệp với thu nhập từ chuyển nhượng vốn khác trong năm tính thuế để giảm bớt rủi ro cho các NĐT, khuyến khích các NĐT bỏ vốn cho DNKN. Việc bù trừ này chỉ thực hiện với các thu nhập từ chuyển nhượng vốn mà không bù trừ với các hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhằm đảm bảo giữ nguyên tính chất của khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Nếu sau khi bù trừ mà còn bị lỗ thì có thể chuyển số lỗ vào thu nhập từ chuyển nhượng vốn phát sinh trong năm tính thuế tiếp theo của người nộp thuế. Quy định này cũng phù hợp với các quy định mà hiện nay nhiều nước đang áp dụng. Ở Anh, khoản lỗ khi chuyển nhượng vốn trước tiên được bù trừ với thu nhập từ lãi vốn của năm tính thuế sau đó được chuyển sang năm tính thuế tiếp theo, không giới hạn số năm chuyển lỗ. Trong khi đó, tại Nhật Bản, khoản lỗ chuyển nhượng vốn được bù trừ với lãi kinh doanh trong năm và được chuyển lỗ tối đa 10 năm nếu DN được thành lập sau 1/4/2018.

Hỗ trợ vốn cho DNKN bao gồm cả hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn để khởi nghiệp là một trong những mục tiêu của các chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Song song với việc khuyến khích đầu tư cho DNKN, các cơ chế chính sách cũng cần phải tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho các NĐT khi chuyển nhượng hoặc rút vốn đầu tư, góp phần hình thành và phát triển thị trường vốn cho khởi nghiệp một cách bền vững và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2008), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008;
2. Quốc hội (2007), Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007;
3. Quốc hội (2014) Luật Đầu tư số 67/2014/QH13;
4. Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số: 04/2017/QH14;
5. Thủ tướng Chính phủ (2019), Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019;
6. ACCA Paper F6 Taxation Study Text (FA 2018), 2019, Kaplan Publishing UK;
7. Alexander Edwards Rotman, Maximilian Todtenhaupt, 2019, Capital Gains Taxation and Funding for Start-Ups;
8. Christian Keuschnigg, Soren Bo Nealsen 2002, Start – ups, venture capitalists, and the capital gain tax, Cesifo working paper N0. 742, catrgory 1: public finance;
9. Deloitte, 2019, International Tax - Japan highlights 2019;
10. Michito Kitamura, Kozo Kuromatsu and Hidenori Shibata Nishimura & Asahi,2016, Tax on corporate transactions in Japan: overview;
11. https://www.jurists.co.jp/sites/default/files/tractate_pdf/en/Tax_on_corporate_transactions_in_Japan_1516.pdf;
12. Kirtika Suneja, 2019, Capital gains tax relief likely for investors exiting startups.