Cần hiểu đúng phương pháp xác định trị giá tính thuế

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Thời gian qua, Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã phải giải quyết một khối lượng lớn các khiếu nại của doanh nghiệp (DN) liên quan tới việc khai báo trị giá tính thuế hàng NK. Đơn cử như vừa qua, Công ty ô tô Toyota Việt Nam gửi đơn khiếu nại đến cấp Tổng cục Hải quan về việc xác định trị giá tính thuế đối với loại xe ô tô khách Toyota Hiace Commuter…

 Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu cho rằng, khi Hải quan và DN không có sự thống nhất trong xác định trị giá tính thuế thì rất dễ dẫn đến việc khiếu nại.

Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, trước đây, cơ sở dữ liệu của cơ quan Hải quan thông tin chưa phong phú, vì vậy mà việc khai báo trị giá của DN dễ dàng được cơ quan Hải quan chấp nhận. Tuy nhiên, đến nay, cơ sở dữ liệu về giá đã dần được hoàn thiện, phong phú hơn, đầy đủ hơn. Vì vậy, những khai báo không đúng của DN sẽ bị cơ quan Hải quan bác bỏ.

Ông Lưu Mạnh Tưởng cũng cho biết, cơ sở dữ liệu về giá của Hải quan được lấy từ nhiều nguồn: điều tra chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, quản lý thị trường, các cơ quan quản lý về giá, từ thực tế hoạt động kinh doanh và từ những khai báo của DN và cả thu thập từ thông tin ở nước ngoài… Tuy nhiên, cơ sở về nguồn khai báo của DN chỉ là những dữ liệu rất nhỏ. Từ những nguồn dữ liệu này, trên cơ sở phân tích, so sánh cơ quan Hải quan sẽ đưa ra cơ sở dữ liệu của mình.

Thời gian qua, có một số DN vẫn cho rằng, mua giá nào thì khai giá đó, mua rẻ khai rẻ, mua đắt thì khai đắt. Tuy nhiên, theo ông Lưu Mạnh Tưởng thì không phải DN mua giá bao nhiêu thì khai bấy nhiêu, bởi thực tế, có những công ty con mua hàng của công ty mẹ, hay nhờ những mối quan hệ quen biết mà DN mua được giá rẻ hơn thực tế. Trong những trường hợp này, mức giá mà DN khai báo không phản ánh đúng bản chất hàng hóa và cơ quan Hải quan không thể đồng ý với khai báo của DN.

Theo quy định hiện hành, việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu được xác định bằng cách áp dụng tuần tự sáu phương pháp xác định trị giá tính thuế, cụ thể các phương pháp: trị giá giao dịch; trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu giống hệt; trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu tương tự; trị giá khấu trừ; trị giá tính toán và phương pháp suy luận.

Ở mỗi phương pháp này đều có những điều kiện riêng, đơn cử như các khoản điều chỉnh. Chỉ điều chỉnh cộng khi có đầy đủ các điều kiện: do người mua thanh toán và chưa được tính trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán, phải liên quan đến hàng hoá nhập khẩu, có số liệu khách quan, định lượng được phù hợp với các chứng từ hợp pháp có liên quan. Trường hợp lô hàng nhập khẩu có các khoản điều chỉnh cộng nhưng không có các số liệu khách quan, định lượng được để xác định trị giá tính thuế thì không xác định theo trị giá giao dịch và phải chuyển sang phương pháp tiếp theo….

Ông Lưu Mạnh Tưởng nhấn mạnh, với cơ sở dữ liệu của mình, cơ quan Hải quan rất dễ phát hiện được những trường hợp DN khai báo trị giá tính thuế không đúng. Tuy nhiên DN có quyền khiếu nại và nếu DN có đủ cơ sở, hồ sơ chứng minh được trị giá khai báo là đúng thì cơ quan Hải quan cũng sẽ chấp nhận trị giá khai báo đó của DN. Vấn đề quan trọng là DN cần hiểu đúng phương pháp xác định trị giá tính thuế.