Công khai, minh bạch trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

PV. (Tổng hợp)

Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là chống thất thoát tài sản nhà nước; chú trọng tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện cổ phần hóa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vấn đề này được Bộ Tài chính trả lời cụ thể tại Công văn số1480/BTC-TCDN ngày 06/02/2017 như sau:

Thời gian qua, công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo thực hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó cổ phần hóa DNNN được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN.

Kể từ thời điểm Việt Nam bắt đầu thí điểm cổ phần hóa năm 1992 đến nay đã trên 20 năm, Đảng và Chính phủ luôn xác định mục tiêu của công tác cổ phần hóa là:

Một là, chuyển đổi những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu; huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hai là, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Ba là, thực hiện công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường; khắc phục tình trạng cổ phần hóa khép kín trong nội bộ doanh nghiệp; gắn với phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Đồng thời, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế trong giai đoạn 2011 - 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”.

Trong giai đoạn 2011 – 2016, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện có kết quả công tác tái cơ cấu DNNN, đề ra chương trình hành động và kế hoạch cụ thể, chỉ đạo quyết liệt, định kỳ giao ban, sơ kết, tổng kết toàn diện.

Trên cơ sở kết quả triển khai tái cơ cấu của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, ngày 06/12/2016, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã tổ chức Hội nghị Toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016 - 2020, theo đó kết quả sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 – 2015 như sau:

DNNN đã giảm mạnh về số lượng, từ 1.369 DNNN năm 2011 thì đến năm 2016 còn 652 DNNN chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế, công ích, an ninh, quốc phòng.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của DNNN: Tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 của các DNNN đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại báo cáo số 428/BC-CP ngày 17/10/2016 cho thấy hầu hết các DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể: Tổng tài sản của 652 doanh nghiệp là 3.043.687 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 1.376.236 tỷ đồng; tổng doanh thu đạt 1.588.326 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 161.431 tỷ đồng; tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước là 246.038 tỷ đồng.

Về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên, theo số liệu báo cáo của các DNNN đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015, kết quả hoạt động kinh doanh của năm 2015 đều tăng hơn so với năm trước khi cổ phần hóa.

Cụ thể: vốn điều lệ tăng 72%; tổng tài sản tăng 39%; vốn chủ sở hữu tăng 60%; doanh thu tăng 29%; lợi nhuận trước thuế tăng 49%; nộp ngân sách tăng 27%; thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.

Các DNNN sau cổ phần hóa hoạt động hiệu quả có nhiều tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: Tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường tài chính phát triển, đổi mới cơ bản về quản trị doanh nghiệp. Hiện nay, đa số các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán là các công ty cổ phần được chuyển đổi từ DNNN (khoảng 450/700 doanh nghiệp niêm yết).

Về cơ chế, chính sách đối với DNNN được sửa đổi, bổ sung đầy đủ đồng bộ, trong đó cơ chế quản lý, giám sát DNNN ngày càng chặt chẽ hơn. Giai đoạn 2011 – 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 69 Nghị định, Nghị quyết, quyết định, chỉ thị.

Trong đó có 21 văn bản về đổi mới tổ chức, quản lý đối với DNNN; 34 văn bản về sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; 14 điều lệ tổ chức, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty. Các Bộ đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách nêu trên.

Đặc biệt, DNNN hoạt động trong môi trường kinh doanh được bình đẳng với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích của doanh nghiệp đã chuyển từ cơ chế Nhà nước cấp vốn, giao nhiệm vụ kế hoạch sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng. Chính phủ đã ban hành Nghị định phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Về công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN có nhiều kết quả đạt được. Cụ thể:

Trong giai đoạn 2011 – 2015, cả nước đã sắp xếp được 591 DNNN. Trong đó cổ phần hóa 499 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp; sáp nhập, hợp nhất 48 doanh nghiệp; giải thể 17 doanh nghiệp; phá sản 08 doanh nghiệp; bán, giao 10 doanh nghiệp; chuyển thành công ty TNHH nhiều thành viên 08 doanh nghiệp.

Về thoái vốn, cả nước đã thoái được 26.222 tỷ đồng (giá sổ sách), thu về 36.537 tỷ đồng, bằng 1,4 lần giá trị sổ sách. Trong đó thoái vốn đầu tư ngoài ngành 9.835 tỷ đồng, thu về 11.086 tỷ đồng; thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ 16.387 tỷ đồng, thu về 25.451 tỷ đồng.

Tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty được tiến hành một cách toàn diện trên nhiều mặt như rà soát, xác định ngành nghề kinh doanh chính, xây dựng và triển khai chiến lược , kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2015; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp thành viên; từng bước áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế; chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng, đầu tư đổi mới công nghệ...

Giải quyết tốt chính sách đối với người lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN. Chính sách lao động dôi dư đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh. Việc giải quyết chính sách lao động dôi dư được thực hiện chặt chẽ; đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ; bảo đảm ổn định xã hội; tạo điều kiện cho người lao động nâng cao tay nghề. Chuyển đổi nghề nghiệp mới và ổn định cuộc sống cho những người thôi việc.

Việc xử lý đất đai trong quá trình cổ phần hóa DNNN được chú ý. Việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.

Hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ Việt Nam đã đóng góp tích cực vào quá trình sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu thời gian qua cũng bộc lộ một số bất cập như:

Thứ nhất, một số Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa tích cực, chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN. Tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá đã được các Bộ, địa phương đẩy mạnh nhưng vẫn còn một số Bộ, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra.

Tỷ lệ vốn Nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Mặt khác, số lượng doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi cổ phần hóa còn lớn nên làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp.

Thứ hai, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa phát huy vai trò nòng cốt của DNNN trong khu vực kinh tế Nhà nước, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp; một số DNNN, tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ; cơ chế quản trị chưa đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN còn hạn chế, bất cập.

Thứ ba, việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC còn chậm; việc thoái vốn, giảm tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp theo tiêu chí phân loại DNNN chậm được triển khai. Việc thoái vốn khỏi ngành nghề kinh doanh chính và bán hết vốn trong những ngành và lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa chưa được triển khai nghiêm túc, còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định.

Thứ tư, nhiều doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại, cổ phần hóa, chuyển đổi sang công ty TNHH một thành viên chưa có sự đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh.

Thứ năm, chưa tách bạch được rõ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương với nhiệm vụ thực hiện quyền chủ sở hữu đối với các DNNN, quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp chưa được thực hiện tập trung và thống nhất, bị chia cắt, chưa chuyên trách vừa làm giảm hiệu lực quản lý, vừa không rõ trách nhiệm giải trình gây khó khăn đổi mới quản trị DNNN.

Để đẩy nhanh công tác cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn tới, ngày 28/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp theo Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020.

Để gắn quá trình cổ phần hóa DNNN với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm tăng cường công khai, minh bạch trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Chứng khoán và Luật chứng khoán sửa đổi, theo đó, quy định bắt buộc các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải thực hiện việc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Trong đó, quy định khi doanh nghiệp cổ phần hóa đăng ký bán đấu giá cổ phần lần đầu qua Sở Giao dịch chứng khoán phải đồng thời thực hiện việc đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch cổ phần. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch theo đúng thời hạn quy định.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 và Quốc hội tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 – 2020, trong đó xác định mục tiêu tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 – 2020 là:

Doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh, tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp kinh doanh. Thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng miền.

Doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ; hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mang tầm chiến lược, có tính dẫn dắt, định hướng xây dựng nền kinh tế tri thức, có hàm lượng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.

Các doanh nghiệp nhà nước thực hiện kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý và năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế; hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phải được quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.