Hướng dẫn thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu

PV. (Tổng hợp)

(Tài chính) Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp (DN) thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu.

Câu 1. (Công ty TNHH Sai Gon Precision)

Nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng từ Nhật Bản:

Hiện tại Công ty chúng tôi muốn nhập khẩu một số máy móc thiết bị đã qua sử dụng từ Nhật Bản để làm tài sản cố định cho Công ty, cụ thể:

1. Máy mài sắt được sản xuất năm 1989, xuất xử Nhật Bản, nặng 5 tấn, kích thước 1,9 x 3,4 x 2,0 m.

2. Máy dập sắt được sản xuất năm 1980, xuất xứ Nhật Bản, nặng 2 tấn, kích thước 1,3 x 1,4 x 2,5 m.

Căn cứ theo Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/8/2013 và mục c, khoản 3 Công văn số 3016/BKHCN-ĐTG của Bộ Khoa học Công nghệ ngày 24/9/2013, DN có thể nhập khẩu được những máy móc thiết bị này nếu có văn bản cam kết những máy móc, thiết bị đó đảm bảo các yêu cầu về an toàn và đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường khi khai báo hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, Chi cục Hải quan khu chế xuất Linh Trung không chấp thuận cho làm thủ tục hải quan kể cả khi có cam kết này.

Vậy theo qui định thì đối với trường hợp này chúng tôi có được nhập khẩu không? Nếu được, chúng tôi cần phải cung cấp cho cơ quan Hải quan những hồ sơ tài liệu gì?

Liên quan tới vướng mắc trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng xuất xứ Nhật Bản, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Về hồ sơ hải quan: đề nghị Công ty căn cứ theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính và mục c, khoản 3 Công văn số 3016/BKHCN-ĐTG ngày 24/9/2013 của Bộ Khoa học Công nghệ.

Trường hợp vướng mắc, đề nghị gửi đầy đủ hồ sơ tới Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh để được hướng dẫn.

Câu 2. (Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành)

Điều 42 Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 tất cả hàng hóa nhập khẩu đều phải nộp thuế ngay, ngoại trừ nguyên liệu nhập khẩu theo loại hình nhập khẩu/sản xuất kinh doanh được ân hạn tới 275 ngày.

Căn cứ tại Điều 55 của Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/09/2013 thì đối với “hàng tái nhập để tái chế thì thời hạn tái chế do DN đăng ký với cơ quan Hải quan nhưng không quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập”.

Với loại hình này theo Luật Quản lý thuế thì phải nộp thuế ngay, còn Thông tư 128/2013/TT-BTC cho DN được có thời hạn tái chế là 275 ngày. Như vậy, khi DN tái nhập hàng về sửa chữa phải nộp thuế ngay rồi đưa hàng về sửa chữa, sau khi tái xuất được hoàn lại tiền thuế đã nộp, theo đó sẽ phát sinh mâu thuẫn và thời gian cho DN, trong khi DN mất số tiền phải nộp vào rồi hoàn lại

Đề nghị đối với loại hình nhập tái chế thì thời gian nộp thuế đi theo thời gian DN đăng ký sửa chữa, nếu đến thời điểm đó DN không tái xuất thì DN phải nộp thuế và nộp phạt vi phạm là hợp lý.

Vấn đề Công ty nêu đã được hướng dẫn cụ thể tại điểm c, d khoản 4 Điều 55 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/09/2013 của Bộ Tài chính, theo đó:

“c) Cơ quan Hải quan ra quyết định không thu thuế đối với hàng hóa tái nhập quy định tại khoản 1 Điều này, nếu tại thời điểm làm thủ tục tái nhập người khai hải quan nộp đủ bộ hồ sơ không thu thuế theo hướng dẫn tại Điều 119 Thông tư này và cơ quan Hải quan có đủ cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu là hàng đã xuất khẩu trước đây; các trường hợp khác thực hiện thu đủ các loại thuế theo quy định.

d) Đối với hàng hoá tái nhập để tái chế thì thời hạn tái chế do DN đăng ký với cơ quan Hải quan nhưng không quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập.”