Quy định về sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thanh toán dự án BT
Ngày 15/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT. So với quy định hiện hành, ngoài cơ chế thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT, Nghị định số 69/2019/NĐ-CP bổ sung thêm việc sử dụng một số loại tài sản công khác để thanh toán.
Sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thanh toán dự án BT
Theo đó, các tài sản công được sử dụng để thanh toán gồm quỹ đất; đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các loại tài sản công khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Việc sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng và các loại tài sản công khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được quy định như sau:
Về xác định giá trị tài sản kết cấu hạ tầng. Giá trị tài sản kết cấu hạ tầng thanh toán Dự án BT là giá trị quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng và pháp luật có liên quan.
Giá trị tài sản kết cấu hạ tầng thanh toán Dự án BT được xác định tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao tài sản cho nhà đầu tư và không thay đổi kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định; Trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định rõ thẩm quyền sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán Dự án BT. Tương tự đối với trường hợp sử dụng trụ sở làm việc để thanh toán Dự án BT, tài sản kết cấu hạ tầng là loại tài sản công có giá trị lớn.
Do đó, để thống nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công, tại Nghị định này quy định việc sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán Dự án BT thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng, pháp luật có liên quan và được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán; cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ ký kết và thực hiện Hợp đồng BT; cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thực hiện các thủ tục đầu tư và ký kết hợp đồng thực hiện dự án theo quy định của pháp luật).
Phân cấp trong triển khai thực hiện
Một là, đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc trung ương quản lý, Chính phủ quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng lập hồ sơ đề nghị sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán Dự án BT theo quy định trình bộ, cơ quan trung ương để xem xét, có văn bản gửi Bộ Tài chính để có ý kiến về sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán Dự án BT và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi có tài sản kết cấu hạ tầng) để có ý kiến về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Bộ, cơ quan trung ương tổng hợp, hoàn thiện và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán Dự án BT.
Nghị định số 69/2019/NĐ-CP được ban hành kỳ vọng khắc phục triệt để các sai phạm trong việc sử dụng đất công để đổi lấy hạ tầng trước kia. Việc thanh toán dự án BT phải đảm bảo theo nguyên tắc thị trường.
Ông La Văn Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính
Hai là, đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc địa phương quản lý, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng lập hồ sơ đề nghị sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán Dự án BT theo quy định trình cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để xem xét, có văn bản gửi Sở Tài chính để có ý kiến về sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán Dự án BT.
Trên cơ sở ý kiến của Sở Tài chính; cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng tổng hợp, hoàn thiện và có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán Dự án BT.
Ba là, hồ sơ về sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán Dự án BT (áp dụng cho cả hường hợp tài sản kết cấu hạ tầng thuộc trung ương quản lý và tài sản kết cấu hạ tầng thuộc địa phương quản lý) gồm: Văn bản về nhu cầu, sự cần thiết thực hiện Dự án BT đầu tư xây dựng công trình tại vị trí mới và sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán; Giá trị Dự án BT tạm tính và giá trị tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán Dự án BT được xác định theo quy định tại Nghị định này; Các hồ sơ liên quan đến Dự án BT và tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán Dự án BT.
Bốn là, căn cứ văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan liên quan thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của pháp luật về đấu thầu, ký Hợp đồng BT và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ, cơ quan trung ương (đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc địa phương quản lý) ban hành quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng phù hợp với thời điểm quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định này.
Năm là, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có trách nhiệm tổ chức xác định giá trị tài sản kết cấu hạ tầng thanh toán Dự án BT gửi: Bộ, cơ quan trung ương phê duyệt giá trị tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán Dự án BT (đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc trung ương quản lý); Sở Tài chính để chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng và các cơ quan có liên quan thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt giá trị tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán Dự án BT (đối với tài sản kết cấu hạ tầng thuộc địa phương quản lý).
Bên cạnh đó, Chính phủ quy định rõ về thời điểm thanh toán dự án BT, đối với trường hợp thanh toán bằng tài sản kết cấu hạ tầng và các loại tài sản công khác là thời điểm cơ quan nhà nước ban hành quyết định giao tài sản cho nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ giao tài sản công là đất, tài sản trên đất... để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi dự án BT đã hoàn thành hoặc giao đồng thời theo tiến độ công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 69/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2019; Đồng thời bãi bỏ Quyết định số 23/2015/QĐ-TTG ngày 26/6/2015 quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đấy cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng không Chuyển giao.