Trực Tết và chế độ tiền trực cho người lao động

Theo H.Lê/nld.com.vn

Trong những ngày cuối năm 2019 Âm lịch này, điều mà người lao động quan tâm hàng đầu ngoài lương, thưởng Tết thì chính là việc có bắt buộc phải trực Tết. Nếu trực trong ngày Tết năm 2020, người lao động (NLĐ) được hưởng lương thế nào?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghỉ Tết nguyên đán là quyền lợi cơ bản của tất cả người lao động

Điều 115 Bộ Luật Lao động hiện nay nêu rõ, NLĐ được nghỉ làm, hưởng nguyên lương trong ngày Tết Âm lịch. Nếu ngày này trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì NLĐ được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Tại Công văn số 9087/VPCP-KGVX , Tết Âm lịch năm 2020, NLĐ làm việc tại cơ quan Nhà nước được nghỉ làm 7 ngày tính từ thứ Năm ngày 23-1-2020 đến hết thứ tư ngày 29-1-2020. Với những cơ quan, đơn vị không nghỉ cố định thứ bảy và chủ nhật hàng tuần sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ phù hợp.

Người lao động đi làm ngày Tết Âm lịch, người sử dụng lao động phải trả tiền làm thêm giờ bằng 400% tiền lương ngày bình thường
Người lao động đi làm ngày Tết Âm lịch, người sử dụng lao động phải trả tiền làm thêm giờ bằng 400% tiền lương ngày bình thường

Do đó, thời gian nghỉ Tết nguyên đán năm 2020 là thời gian NLĐ được phép nghỉ theo quy định của pháp luật. Đây chính là quyền lợi cơ bản của mỗi NLĐ.

Trong trường hợp vì tính chất đặc thù của công việc hoặc do sắp xếp, nhu cầu của công ty, NLĐ phải trực trong những ngày này thì được xác định là làm thêm giờ và được trả lương tương ứng.

Đồng thời, khoản 2, điều 106 Bộ Luật Lao động năm 2012 cũng nêu rõ: Người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi được sự đồng ý của NLĐ…

Như vậy, việc được nghỉ làm trong những ngày Tết nguyên đán là quyền lợi cơ bản của tất cả NLĐ. Do đó, NLĐ không bắt buộc phải trực Tết trong những ngày này.

Nếu người sử dụng lao động nào ép buộc nhân viên của mình phải đi trực Tết mà không được sự đồng ý của họ thì có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng và doanh nghiệp có thể bị đình chỉ hoạt động từ 1- 3 tháng (điều 14 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ).

Chế độ tiền trực Tết

Ngày Tết là ngày NLĐ trên cả nước được nghỉ làm và hưởng nguyên lương. Tuy nhiên, không thiếu các công ty vì tính chất công việc mà bắt buộc phải có người trực liên tục trong những ngày này. Nếu đồng ý, NLĐ có thể đi làm và được tính là làm thêm giờ vào ngày nghỉ, lễ. Đồng thời, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả tiền làm thêm giờ cho nhân viên của mình.

Tiền lương làm thêm giờ trong những ngày Tết nguyên đán Canh tý năm 2020 được tính theo quy định tại điều 97 Bộ Luật Lao động năm 2012: Ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương.

Do đó, nếu NLĐ làm thêm giờ trong ngày Tết Âm lịch sắp tới, tính cả tiền lương của ngày hôm đó thì NLĐ làm việc ban ngày sẽ được hưởng 400% tiền lương của ngày làm việc bình thường.

Đồng thời, đối với người làm thêm vào ban đêm những ngày Tết này, tiền làm thêm được tính theo quy định tại khoản 2 và khoản 3, điều 97 Bộ luật trên như sau: NLĐ làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường. Trường hợp làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo thời gian làm việc thực tế, tiền lương làm thêm giờ, NLĐ còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

Căn cứ quy định trên, nếu tính cả tiền lương của ngày Tết thì NLĐ sẽ được hưởng 490% tiền lương của ngày làm việc bình thường.

Do đó, chỉ khi NLĐ đồng ý, người sử dụng lao động mới được yêu cầu nhân viên của mình đi làm ngày Tết Âm lịch sắp tới và phải trả tiền làm thêm giờ bằng 400% tiền lương ngày bình thường nếu làm ban ngày và 490% tiền lương nếu làm thêm vào ban đêm cho NLĐ.