Công nghiệp Khánh Hòa tăng trưởng ấn tượng


9 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá trị sản xuất công nghiệp của Khánh Hòa tăng hơn 12%. Đây là điểm sáng trong bối cảnh tăng trưởng công nghiệp của cả nước đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Sanest Khánh Hòa.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Sanest Khánh Hòa.

Tăng trưởng vượt bậc

Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp chung của cả nước vẫn gặp không ít khó khăn do kinh tế suy thoái, tình hình chính trị trên thế giới có nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn, truyền thống sụt giảm. Tuy nhiên, với việc tỉnh áp dụng nhiều giải pháp, tạo cơ chế chính sách phù hợp, cùng với nỗ lực phục hồi sản xuất của nhiều doanh nghiệp nên chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn tiếp tục giữ được nhịp tăng trưởng.

Tháng 9/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 9 tháng tăng 12,1%. Trong đó, với việc Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 bắt đầu vận hành đã góp phần đưa lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng trưởng ấn tượng với 115,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,5%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,9%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng, như: Điện sản xuất tăng gấp 3,6 lần; bia các loại tăng 5,7%; thuốc lá điếu tăng 19,5%; đường các loại tăng 8,7%. Đây thực sự là mức tăng vượt bậc khi so sánh quý I chỉ tăng 6%; quý II tăng 6,36; còn quý III đã có mức tăng gấp gần 2 lần.

Theo Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Trong 3 tháng cuối năm, tỉnh yêu cầu các sở, ngành tập trung thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất; khắc phục “thẻ vàng” của ngành thủy sản. Chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình để có các giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong thực hiện các chính sách, nhất là tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả vai trò của Ban Chỉ đạo xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa; ưu tiên xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. 

Ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa cho biết: “So với mức tăng trưởng bình quân của công nghiệp cả nước, rõ ràng Khánh Hòa đang có mức tăng đáng khích lệ. Bên cạnh yếu tố khách quan, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh Khánh Hòa đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đang triển khai, như: KCN Ninh Thủy, CCN Trảng É 2, CCN Diên Thọ giai đoạn 2, CCN Ninh Xuân; thực hiện thủ tục đầu tư đối với các KCN Dốc Đá Trắng và Nam Cam Ranh. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư thứ cấp vào các KCN, CCN đã được hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự phục hồi và phát triển mạnh; các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng”.

Bổ sung năng lực sản xuất mới cho ngành công nghiệp

Trong bối cảnh khó khăn, để đạt được mức tăng trưởng 12,1% là sự nỗ lực của tỉnh và các doanh nghiệp trong tỉnh. Trong 3 tháng cuối năm, khả năng công nghiệp Khánh Hòa sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn; qua đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Dự kiến, trong quý IV/2023, một số dự án công nghiệp hoàn thành và đi vào hoạt động, như: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 của Công ty TNHH Điện lực Vân Phong vận hành khai thác thương mại tổ máy số 2, Nhà máy chế biến lâm sản Ninh Thủy của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Vân Phong, Nhà máy Chế biến thực phẩm Sơn Thủy của Công ty TNHH Thực phẩm Sơn Thủy (công suất 4.800 tấn/năm)… sẽ góp phần bổ sung năng lực sản xuất mới cho ngành công nghiệp.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đã vận hành thương mại tổ máy số 1. Ảnh Đình Lâm
Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đã vận hành thương mại tổ máy số 1. Ảnh Đình Lâm

Ông Nguyễn Sanh Đương cho biết, để ngành công nghiệp tiếp tục có mức tăng trưởng cao hơn, trong những tháng cuối năm, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các dự án hạ tầng CCN;

Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị của chủ đầu tư để báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tháo gỡ kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Khi có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật CCN sẽ thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tạo động lực mới cho công nghiệp phát triển. Sở cũng cập nhật các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các bộ, ngành Trung ương và phổ biến, triển khai kịp thời đến các doanh nghiệp.

Cùng với đó, tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp phát triển, ứng dụng công nghiệp chế biến, chế tạo thông minh để tạo bước đột phá về năng lực sản xuất mới gắn với khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ việc ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất thông qua chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương.

Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hiệu quả, khai thác tối đa thị trường trong nước, sở cũng tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi các thị trường để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh, kịp thời các tiêu chuẩn mới của đối tác xuất khẩu đối với nhóm hàng chủ lực và các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo các đơn hàng mới, kích thích sản xuất công nghiệp.

Theo Đình Lâm/ Báo Khánh Hòa