Đang đấu giá tài sản, phát hiện bất thường thì phải làm gì?


Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nhận xét, khi hành vi của các chủ thể trong diễn biến của các phiên đấu giá đã cho thấy sự không bình thường hoặc vô lý thì chưa thấy dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) có quy định phải làm gì: hoãn, hay dừng phiên đấu giá để phân tích, đánh giá tình hình?

Nhất trí sửa Luật

Tại phiên họp tổ chiều 8/11 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định (Tổ 8), đa số ý kiến cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản là cần thiết. 

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu trong phiên họp tổ chiều 8/11. Ảnh: H.Lan
Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu trong phiên họp tổ chiều 8/11. Ảnh: H.Lan

Theo đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, việc ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ giúp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản; góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, hiệu quả của hệ thống pháp luật.

Cũng đồng tình với việc sửa Luật, đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, dù mới thi hành Luật này được 5 năm, đạt được một số kết quả nhưng công tác này hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ nêu trong Tờ trình dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi),

Cụ thể, theo Tờ trình của Chính phủ, trong 5 năm thực hiện Luật Đấu giá tài sản, đội ngũ đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản ngày càng trưởng thành, lớn mạnh với hơn 1.200 đấu giá viên và gần 600 tổ chức đấu giá tài sản.

Số lượng cuộc đấu giá ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn.

Từ tháng 7/2017 đến tháng 12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể là chất lượng của đội ngũ đấu giá viên vẫn còn một số hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề.

Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu trong phiên họp tổ chiều 8/11. Ảnh: H.Lan
Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu trong phiên họp tổ chiều 8/11. Ảnh: H.Lan

Một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn phát sinh; chưa có quy định riêng đối với một số tài sản đặc thù; tình trạng tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản diễn ra ngày càng phức tạp; cơ chế hủy kết quả đấu giá trong một số trường hợp còn vướng mắc.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản còn hạn chế nhất định; cơ chế kiểm soát hoạt động đấu giá bộc lộ thiếu sót. Một số cơ quan, người có tài sản đấu giá còn thiếu trách nhiệm trong việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá dẫn đến việc phát hiện, xử lý sai phạm chưa kịp thời.

Chưa quy định rõ về đấu giá tài sản hình thành trong tương lai

Góp ý vào các nội dung cụ thể, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện,...

"Tuy nhiên, có lẽ dự án Luật chưa quy định rõ ràng về đấu giá tài sản hình thành trong tương lai, dự án bất động sản là các căn hộ, nhà ở… mà người mua đã đặt cọc, hay thanh toán một phần giá trị tài sản theo hợp đồng; hay đấu giá về quyền sở hữu trí tuệ, phát minh, sáng chế, giải pháp, phần mềm, công nghệ…", đại biểu Tạ Thị Yên nhận xét.

Nhằm ngăn chặn hiện tượng thao túng giá khởi điểm, bỏ giá rất cao rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo nhằm thu lợi, tạo nên cơn sốt đất ảo…, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng: quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá bảo đảm khả thi, phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá.

"Tôi rất đồng tình với quy định này", đại biểu Tạ Thị Yên cho biết. Tuy nhiên, theo đại biểu, trong thực tế, khi hành vi của các chủ thể trong diễn biến của các phiên đấu giá đã cho thấy sự không bình thường, hoặc quá vô lý thì chưa thấy có quy định phải làm gì, hay hoãn, hoặc dừng phiên đấu giá để phân tích, đánh giá tình hình?

Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị quy định chi tiết hơn về năng lực bộ máy, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ có liên quan đến xử lý, đấu giá tài sản công, tài sản doanh nghiệp nhà nước trong những trường hợp tương tự. "Điều này nhằm bảo đảm cho cuộc đấu giá được công khai, minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội".

Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long phát biểu trong phiên họp tổ. Ảnh: H.Lan
Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long phát biểu trong phiên họp tổ. Ảnh: H.Lan

Góp ý vào Điều 4 về tài sản đấu giá, đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng không nên sử dụng phương pháp liệt kê như dự thảo Luật đang quy định.

Lý do là điều này dễ dẫn đến trùng lặp hoặc gây chồng chéo, mâu thuẫn khi luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành - ví dụ như đất đai, viễn thông, tần số vô tuyến điện, khoáng sản..., sẽ phải sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, khó dự liệu hết những loại tài sản mới sẽ phát sinh trong tương lai (ví dụ như các tài sản, quyền tài sản của trí tuệ nhân tạo (AI) nếu được công nhận trong tương lai).

Đại biểu Trịnh Minh Bình cũng nhất trí với việc bổ sung quy định về Cổng đấu giá tài sản quốc gia tại dự thảo Luật nhằm phù hợp với yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia trong việc bảo mật, lưu trữ thông tin và bảo đảm Cổng vận hành thông suốt,  hiệu quả.

Ngoài ra, đại biểu Trịnh Minh Bình cũng đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kinh phí để bảo đảm thi hành Luật. Ví dụ, việc xây dựng, vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia cũng cần kinh phí. 

Theo dự kiến, dự án Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp này và xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2024.

Theo báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn