Đánh giá sự hài lòng của Khách hàng Cá nhân về chất lượng dịch vụ cho vay tại Vietcombank Trà Vinh

Nguyễn Hồng Hà - Trường Kinh tế, Luật Trường Đại học Trà Vinh; Ngô Thanh Hào - Vietcombank Trà Vinh

Nghiên cứu này được thực hiện bằng phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp từ 300 khách hàng cá nhân đã và đang vay vốn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Trà Vinh (Vietcombank Trà Vinh). Kế thừa các nghiên cứu có liên quan và mô hình hồi quy đa biến, nghiên cứu đã tìm ra được 5 nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng cá nhân là: Độ tin cậy và trang thiết bị; Lãi suất, phí và thủ tục; Sự đồng cảm; Sự đáp ứng; Tính chuyên nghiệp. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất các hàm ý quản trị giúp nâng cao hơn nữa sự hài lòng của khách hàng cá nhân vay vốn tại Vietcombank Trà Vinh thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giới thiệu

Đối với lĩnh vực ngân hàng hiện nay tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho các ngân hàng thương mại (NHTM) nói chung và của ngân hàng Vietcombank nói riêng đến từ mảng tín dụng. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng hiện nay mà đặc biệt là cho vay khách hàng cá nhân có sự cạnh tranh rất gay gắt và quyết liệt giữa các NHTM trong nước và ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (Nguyễn Thị Cẩm Tú, 2017).

Chính thức có mặt và hoạt động tại Trà Vinh từ năm 2008, Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Trà Vinh (VCB Trà Vinh) trong thời gian qua đã đạt kết quả khá tốt và đóng góp một phần vào sự thành công chung của hệ thống Vietcombank. Ngay từ những ngày đầu hoạt động, VCB Trà Vinh đã xác định khách hàng cá nhân là đối tượng khách hàng mục tiêu trong định hướng phát triển của Chi nhánh. Theo Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của VCB Trà Vinh năm 2021, hoạt động cho vay khách hàng cá nhân của VCB Trà Vinh đạt được những kết quả khả quan, dư nợ cho vay cá nhân tăng trưởng mạnh mẽ và chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ cho vay của VCB Trà Vinh (Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Vietcombank Trà Vinh, 2022)

Tuy nhiên, với môi trường cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ như hiện nay khách hàng là nhân tố quyết định sự tồn tại của các ngân hàng, có thể nói ngân hàng nào thu hút được nhiều khách hàng và giữ được khách hàng thì ngân hàng đó sẽ có rất nhiều lợi thế và ngày càng phát triển. Do đó, làm thế nào để mang đến cho khách hàng sự hài lòng và trải nghiệm tốt nhất đã trở thành một vấn đề mà các ngân hàng hiện nay rất quan tâm và từ đó đưa ra các chiến lược kinh doanh nhằm mục tiêu thu hút đối với khách hàng này.

Lược khảo tài liệu nghiên cứu

Aymn (2013) cho rằng, các yếu tố tác động đến sự hài lòng khách hàng gồm: phương tiện hữu hình, độ tin cậy, sự đáp ứng, sự đảm bảo và lòng cảm thông. Nghiên cứu thu thập dữ liệu sơ cấp 400 khách hàng. Bằng cách sử dụng phương pháp mô tả, phân tích cộng với sự hỗ trợ của phần mềm SPSS 10, nghiên cứu đã đưa ra nhận định rằng, yếu tố phương tiện hữu hình, độ tin cậy, sự đáp ứng, sự đảm bảo, sự cảm thông thật sự có ảnh hưởng đến sự hài lòng khách hàng phù hợp với Razak (2013).

Mosahab (2010) đã sử dụng mô hình gốc là SERVQUAL để thực hiện nghiên cứu sự tác động chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng đến mức độ trung thành của khách hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa chất lượng dịch vụ, sự hài lòng và trung thành của khách hàng bằng những con số dẫn chứng tuyệt đối.

Morales và cộng sự (2011) nghiên cứu chất lượng dịch vụ ngân hàng ở Canada và Tunisia. Nghiên cứu nhằm so sánh nhận thức về chất lượng dịch vụ ngân hàng của các khách hàng Tunisia và Canada. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người Canada nhận thức về chất lượng dịch vụ cao hơn so với người Tunisia. Ở Canada, sự đồng cảm và độ tin cậy là các yếu tố quan trọng nhất của sự hài lòng và lòng trung thành, trong khi ở Tunisia, độ tin cậy và sự đáp ứng là các yếu tố quan trọng nhất của sự hài lòng và lòng trung thành.

Nguyễn Thị Cẩm Tú (2017) đã khảo sát 300 khách hàng về dịch vụ tín dụng thể nhân tại VCB Chi nhánh Bình Thuận. Ứng dụng mô hình hồi quy, kết quả nghiên cứu đã được xác định các yếu tố ảnh hưởng đến dịch vụ tín dụng thể nhân gồm: sự đáp ứng, độ tin cậy, lãi suất và sự cảm thông, tính chuyên nghiệp, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, Lê Mỹ Linh (2014) điều tra từ 333 khách hàng, kết quả cho thấy sự đồng cảm là một trong những những yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự hài lòng của khách hàng, tồn tại liên kết dương giữa sự hài lòng và trung thành và liên kết âm giữa hài lòng và phàn nàn. Một số tác động điều tiết mối quan hệ hài lòng – trung thành cũng đã được tiết lộ.

Ngoài ra, Nguyễn Bùi Thiên Lý (2015) đã khảo sát 253 khách hàng sử dụng dịch vụ tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy 6 thành phần: độ tin cậy, phương tiện hữu hình, năng lực phục vụ, đồng cảm, đáp ứng, chi phí hợp lý ảnh hưởng cùng chiều đến sự hài lòng của khách hàng. Riêng Nguyễn Thị Gấm (2011) cho rằng có mối quan hệ cùng chiều giữa mức độ thoả mãn của khách hàng với các yếu tố về độ tin cậy, độ phản hồi, độ tiếp cận, năng lực phục vụ và chất lượng sản phẩm dịch vụ.

Phương pháp nghiên cứu

Kế thừa các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, ứng dụng mô hình nghiên cứu và sự hài lòng của Parasuraman (1988), nhóm tác giả tổng hợp và xây dựng mô hình nghiên cứu đề xuất trong nghiên cứu này.

Y= β0 + β1X1 + …++εi βiXi

Trong đó:

Y là sự hài lòng của khách hàng.

Các biến X là các biến độc lập (biến giải thích). Các biến này được định nghĩa và diễn giải chi tiết trong Bảng 1.

Bảng 1: Ý nghĩa của các biến độc lập và kỳ vọng về dấu

STT

Mã biến

Tên biến

Dấu kỳ vọng

Cơ sở chọn biến

1

X1

Cơ sở vật chất

+

Aymn (2013), Razak (2013), Mosahab (2010), Morales và cộng sự (2011), Nguyễn Thị Cẩm Tú (2017), Nguyễn Bùi Thiên Lý (2015) và Trương Thị Quỳnh Trang (2021)

2

X2

Độ tin cậy & trang thiết bị

+

Aymn (2013), Razak (2013), Mosahab (2010), Morales và cộng sự (2011), Nguyễn Thị Cẩm Tú (2017), Nguyễn Bùi Thiên Lý (2015), Nguyễn Thị Gấm (2011), Trần Thị Thanh Huyền (2012) và Trương Thị Quỳnh Trang (2021)

3

X3

Sự đáp ứng

+

Mosahab (2010), Morales và cộng sự (2011), Nguyễn Thị Cẩm Tú (2017), Lê Mỹ Linh (2014), Nguyễn Thị Gấm (2011), Trần Thị Thanh Huyền (2012) và Trương Thị Quỳnh Trang (2021)

4

X4

Sự đồng cảm

+

Aymn (2013), Razak (2013), Mosahab (2010), Morales và cộng sự (2011), Nguyễn Thị Cẩm Tú (2017), Lê Mỹ Linh (2014), Nguyễn Bùi Thiên Lý (2015), Trần Thị Thanh Huyền (2012) và Trương Thị Quỳnh Trang (2021)

5

X5

Tính chuyên nghiệp

+

Nguyễn Thị Cẩm Tú (2017), Lê Mỹ Linh (2014), Nguyễn Bùi Thiên Lý (2015), Trần Thị Thanh Huyền (2012) và Trương Thị Quỳnh Trang (2021)

6

X6

Lãi suất, phí và thủ tục

 

Nguyễn Thị Cẩm Tú (2017), Lê Mỹ Linh (2014) và Nguyễn Bùi Thiên Lý (2015)

13

Y

Sự hài lòng của khách hàng.

(+)/(-)

Tổng hợp các nghiên cứu lược khảo

Nguồn: Tổng hợp từ các nghiên cứu lược khảo, 2023

Nhóm tác giả phỏng vấn 300 mẫu là khách hàng cá nhân đang vay vốn tại VCB Trà Vinh. Phân tích hồi quy ước lượng hay dự đoán giá trị trung bình của biến phụ thuộc trên cơ sở đã biết của biến độc lập để đánh giá được sự hài lòng của khách hàng tại Vietcombank Trà Vinh.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Kết quả phân tích ANOVA cho thấy, hệ số kiểm định F = 73,412 và có hệ số Sig. = 0,001 nên với mức ý nghĩa 1% có thể kết luận mô hình và kết quả hồi quy ở bảng 2 được xây dựng là hoàn toàn phù hợp với dữ liệu và có thể sử dụng để đánh giá mô hình nghiên cứu.

Bảng 2: Kết quả phân tích hồi quy đa biến

Biến số

Hệ số hồi quy chuẩn hoá

Thống kê t

Mức ý nghĩa

VIF

Độ chấp nhận

Mức độ quan trọng

(Hằng số)

           

Sự đáp ứng (X3)

0,258

6,781

0,000

0,969

1,032

4

Lãi suất, phí và thủ tục (X6)

0,315

7,894

0,000

0,880

1,136

2

Sự đồng cảm (4)

0,313

7,531

0,000

0,814

1,229

3

Tính chuyên nghiệp (X5)

0,240

6,146

0,000

0,923

1,083

5

Độ tin cậy và trang thiết bị (X2)

0,513

11,623

0,000

0,723

1,384

1

Cơ sở vật chất (X1)

0,065

1,662

0,098

0,928

1,078

ns

R2 điều chỉnh

0,611

         

Giá trị F

73,412

         

Mức ý nghĩa của mô hình

0,001

         

Hệ số Durbin Watson

2,011

         

Nguồn: Kết quả xử lý SPSS từ dữ liệu khảo sát 278 khách hàng

Kết quả phân tích ANOVA cho thấy, hệ số kiểm định F = 73,412 và có hệ số Sig. = 0,001 nên với mức ý nghĩa 1% có thể kết luận mô hình hồi quy được xây dựng là hoàn toàn phù hợp với dữ liệu và có thể sử dụng để đánh giá mô hình nghiên cứu. Hệ số phóng đại phương sai (VIF) là một chỉ số đánh giá hiện tượng cộng tuyến trong mô hình hồi quy. VIF càng nhỏ, càng ít khả năng xảy ra đa cộng tuyến theo Hair và cộng sự (2009).

Nhân tố tác động mạnh nhất đến sự hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ cho vay khách hàng cá nhân là “Độ tin cậy và trang thiết bị” với hệ số β = 0,513. Nhân tố tác động mạnh thứ hai là nhân tố “Lãi suất và phí thủ tục” với hệ số β = 0,315. Nhân tố tác động mạnh thứ ba đến sự hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ cho vay là “Mức độ đồng cảm” với hệ số β = 0,313. Nhân tố tác động mạnh thứ tư đến sự hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ cho vay là “Mức độ đáp ứng” với hệ số β = 0,258. Nhân tố tác động cuối đến sự hài lòng của khách hàng là “Tính chuyên nghiệp” với hệ số β = 0,240.

Hàm ý quản trị

Với các kết quả nghiên cứu nêu trên, để nâng cao sự hài lòng của khách hàng cá nhân về chất lượng dịch vụ tín dụng tại VCB Trà Vinh, các giải pháp cần quan tâm thực hiện gồm:

Chú trọng độ tin cậy và trang thiết bị

Ngân hàng Vietcombank Trà Vinh cần xem lại các trang thiết bị hiện tại của Ngân hàng xem có đang bị xuống cấp hay không. Nếu có thì nên tiến hành đề xuất thay mới để khách hàng có những nhận định tốt hơn về tiêu chí này.

Đối với các dịch vụ tín dụng, Ngân hàng cần đánh giá định kỳ các thông số xử lý hồ sơ như thời gian duyệt hồ sơ, thời gian đi công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo, thời gian giải ngân… từ đó, xem xét các chỉ tiêu này có phù hợp chưa. Nếu chưa thì tiến hành rút ngắn để đáp ứng được mức độ tin cậy mà khách hàng kỳ vọng.

Ngoài ra, Ngân hàng cũng cần quan tâm đến quy trình dịch vụ cho vay mà nhân viên ngân hàng đã thực hiện có đúng và phù hợp với nhu cầu của khách hàng hay không. Đặc biệt, Ngân hàng cần lưu tâm đến việc bảo mật thông tin khách hàng vay.

Linh hoạt lãi suất và phí, thủ tục

Về lãi suất cho vay, Ngân hàng tiếp tục duy trì mức lãi suất cạnh tranh của thị trường. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng cần thường xuyên theo dõi thị trường lãi suất của các ngân hàng khác để có những điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tương tự, Ngân hàng cũng xem xét các loại phí thủ tục, chi phí phát sinh cho vay là có phù hợp hay không để điều chỉnh.

Tăng cường sự đồng cảm

Vietcombank Trà Vinh cần tổ chức các khoá đào tạo để nhận thức được trọng tâm của vấn đề “khách hàng là người trả lương cho chúng ta”. Từ đó, đội ngũ nhân viên có những tác phong làm việc phục vụ “thượng đế”. Khi “thượng đế” đến giao dịch thì nhân viên phải nhận diện được khách hàng thông qua ngoại hình hoặc ngay cả khách hàng đang mang khẩu trang. Nhân viên ngân hàng dễ dàng nhận diện khách hàng thông qua tên và địa chỉ của khách hàng.

Nhân viên ngân hàng cần phải linh hoạt trong công việc bằng những sự thấu hiểu khách hàng và nhận diện được cái khó của khách hàng thông qua việc đặt mình vào vị trí của khách hàng. Điều này, Ngân hàng có thể tổ chức các cuộc thi hoặc đưa tiêu chí này vào để đánh giá mức độ hoàn thành của nhân viên ngân hàng.

Ngân hàng cần chú trọng sự đáp ứng

Về thủ tục cho vay, Ngân hàng Vietcombank cần xem lại các thủ tục này có còn phù hợp với thực tế hay không. Vì theo đánh giá của khách hàng thì thủ tục cho vay vẫn còn nhiều vướng mắc. Điều này dẫn đến khách hàng nghĩ đến việc vay tại các ngân hàng tư nhân hoặc công ty tài chính sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với ngân hàng Vietcombank.

Đối với sản phẩm cho vay, Ngân hàng tiếp tục cải tiến và đa dạng các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu cho khách hàng ngày càng tốt hơn. Về thời gian thẩm định hồ sơ vay ngắn, Ngân hàng cần kết hợp thông số này vào chỉ tiêu để đo lường chung với độ tin cậy. Về quy trình xử lý khiếu nại, Ngân hàng tiếp tục hoàn chỉnh quy trình bằng cách thông báo, hướng dẫn cụ thể kết quả giải quyết khiếu nại theo cách tư vấn một hướng khác thay vì từ chối thẳng thừng.

Chú trọng tính chuyên nghiệp của nhân viên

Vietcombank Trà Vinh cần tổ chức nhiều các khoá đào tạo ngắn hạn để đào tạo chuyên môn cũng như các kỹ năng giao tiếp với khách hàng bằng những tình huống thực tế cho thấy phong cách lịch sự và chuyên nghiệp.

Một điều cần lưu ý nữa, đó là quá trình giao tiếp với khách hàng hạn chế tối đa việc sử dụng các từ ngữ chuyên ngành của tài chính ngân hàng như “tất toán”, “phi tài chính”,... hoặc các từ ngữ tiếng Anh xen lẫn vì những từ ngữ này có thể khiến khách hàng không hiểu mà có thể thay vào đó là những diễn giải cụ thể.

Tài liệu tham khảo:

  1. Phan Chí Anh và cộng sự (2013)., Nghiên cứu các mô hình đánh giá chất lượng dịch vụ, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, trang 11 – 22;
  2. Nguyễn Thị Gấm (2011), Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự thỏa mãn của khách hàng cá nhân đối với ngân hàng TMCP Công thương Chi nhánh Đông Hà Nội, Tạp chí Khoa học & Công nghệ, số 81, trang 33-40;
  3. Lưu Thanh Đức Hải (2007), Bài giảng nghiên cứu Marketing, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ;
  4. Đinh Phi Hổ (2009), Mô hình định lượng đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng ứng dụng cho hệ thống NHTM, Tạp chí Quản lý kinh tế, 26, trang 7 – 12;
  5. Trần Thị Thanh Huyền (2012), đề tài nghiên cứu “Số nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cho vay cá nhân tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Long An, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh;
  6. Nguyễn Minh Kiều (2009), Tín dụng và thẩm định tín dụng ngân hàng. NXB Thống kê;
  7. Lê Mỹ Linh (2014), Nghiên cứu sự hài lòng và trung thành của khách hàng đối với dịch vụ ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Báo Khoa học Xã hội và nhân văn, số 12, trang 34 – 41;
  8. Nguyễn Bùi Thiên Lý (2015), Nâng cao chất lượng dịch vụ tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh;
  9. Hair, J. B. (2009), Multivariate Data Analysis, 6th edition. Person Prentice Hall;
  10. Aymn Sulieman (2013), Basic dimensions of the (SERVQUAL model) and its impact on the level of customer satisfaction: An empirical study of the Housing Bank in Karak, Jordan, European Scientific Journal, 9 (1), p21 – 34.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 số tháng 6/2023