Đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Hà Tĩnh và một số giải pháp đề xuất

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2021

Bài viết đánh giá tốc độ tăng GRDP tại tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn 2017-2019, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh giá trị mới tăng thêm của hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trên địa bàn tỉnh/thành phố trong một thời gian nhất định (6 tháng hoặc một năm). Trong những năm qua, kinh tế Hà Tĩnh đạt tốc độ tăng trưởng cao nhờ hoạt động sản xuất công nghiệp (chủ yếu là Công ty Formosa và Bia Sài Gòn). Đặc biệt, về tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Tĩnh đã đạt 20,65% năm 2018. Tuy nhiên, đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng Hà Tĩnh ước chỉ đạt 0,1%, thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ.

Khái quát về tổng sản phẩm trên địa bàn

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): Là toàn bộ kết quả cuối cùng của các hoạt động sản xuất của tất cả các đơn vị thường trú trong nền kinh tế của tỉnh trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm); phản ánh các mối quan hệ trong quá trình sản xuất, phân phối thu nhập, sử dụng cuối cùng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế địa phương.

GRDP theo giá thực tế thường được dùng để nghiên cứu về cơ cấu và sự biến động về cơ cấu kinh tế theo các ngành, các nhóm ngành, theo loại hình kinh tế, mối quan hệ giữa kết quả sản xuất với phần huy động vào ngân sách nhà nước và phúc lợi xã hội. Cùng với đó, GRDP theo giá so sánh dùng để đánh giá tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế địa phương, của các ngành, các loại hình, các khu vực, nghiên cứu sự thay đổi về khối lượng hàng hóa và dịch vụ mới được tạo ra theo thời gian.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP tính toán cho phạm vi cấp tỉnh) là chỉ tiêu đánh giá đúng đắn nhất, tổng hợp quan trọng phản ánh kết quả sản xuất cuối cùng của tỉnh trong một năm. GRDP còn là chỉ tiêu được dùng để đánh giá sự phát triển kinh tế theo thời gian và so sánh quốc tế.

Theo Tổng cục Thống kê, 02 loại tính GRDP bao gồm: tính GRDP theo giá hiện hành và theo giá so sánh. Tình hình hiện tại của Việt Nam thì giá hiện hành được chọn từ tỷ giá ngoại tệ hằng năm, chủ yếu với USD. Về giá so sánh thì được so sánh với giá năm 2010. GRDP theo giá hiện hành thường được dùng để nghiên cứu cơ cấu kinh tế, mối quan hệ tỷ lệ giữa các ngành trong sản xuất, mối quan hệ giữa kết quả sản xuất với phần huy động vào ngân sách. Dưới các góc độ khác nhau, GRDP được xác định theo 3 phương pháp sau:

Đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Hà Tĩnh và một số giải pháp đề xuất - Ảnh 1

- Xét về góc độ sử dụng (nhu cầu tiêu dùng): GRDP là tổng cầu của nền kinh tế bao gồm: Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, tiêu dùng cuối cùng của các cơ quan, tích luỹ tài sản và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.

- Xét về góc độ thu nhập, GRDP gồm: Thu nhập của người lao động, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất và giá trị thặng dư sản xuất trong kỳ.

- Xét về góc độ sản xuất: GRDP bằng giá trị sản xuất trừ đi chi phí trung gian cộng thuế sản xuất trừ trợ cấp sản xuất (nếu có).

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay thì phương pháp sản xuất được áp dụng chủ yếu cho việc tính tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh/thành phố. Ngoài ra, theo giá so sánh thì GRDP được tính qua những bước trung gian. Nó được tính bằng giá trị sản xuất trừ đi chi phí trung gian.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm của Hà Tĩnh giai đoạn 2017-2019

GRDP năm 2017 theo giá so sánh năm 2010 đạt 36.097,05 tỷ đồng, tăng 13,15 % so với năm 2016. Năm 2017, Hà Tĩnh phục hồi đà tăng trưởng, với sự phục hồi tăng ở ngành sản xuất nông nghiệp và ngành xây dựng và ngành dịch vụ. Đối với ngành công nghiệp và xây dựng, năm 2017 tăng từ 10.734,5 tỷ đồng lên 12.025,87 tỷ đồng, tăng 12,03 % so với năm 2016, đây chính là nhân tố tác động tích cực đến đà tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Tỉnh. Bên cạnh sự bứt phá của ngành công nghiệp và xây dựng thì kết quả hoạt động của ngành dịch vụ năm 2017 cũng tăng mạnh từ 11.515,9 tỷ đồng lên 14.407,62 tỷ đồng, tăng 25,11% so với năm 2016.

Đến năm 2018, GRDP theo giá so sánh năm 2010 của tỉnh Hà Tĩnh đạt 43.621,75 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 20,85% so với cùng kỳ năm 2017 (tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, đóng góp vào thu ngân sách của Tỉnh khoảng 12.000 tỷ đồng). Nguyên nhân chính GRDP năm 2018 của Tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao là do ngành công nghiệp phát triển mạnh. 

Sản phẩm thép của dự án Fomosa vào tăng trưởng GRDP của Tỉnh năm 2018 là đóng góp rất lớn. Thời gian tới, khi dự án Fomosa vận hành sản xuất lò cao số 2 sẽ tiếp tục tạo ra sự tăng trưởng mạnh đối với chỉ tiêu GRDP của Hà Tĩnh.

Đến năm 2019, GRDP theo giá so sánh năm 2010 đạt 47.740,21 tỷ đồng, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 9,44 % so với cùng kỳ năm 2018, là tỉnh có tốc độ tăng cao thứ 5 trên 63 tỉnh, thành phố. Nguyên nhân chính làm cho GRDP năm 2019 có tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu là do ngành công nghiệp tăng mạnh. Đối với ngành công nghiệp, năm 2019 đạt 17079,57 tỷ đồng, tăng 24,03 % so với năm 2018, đây chính là nhân tố tác động chính vào tăng trưởng năm 2019.

Bên cạnh sự phát triển mạnh của ngành công nghiệp thì kết quả hoạt động của ngành xây dựng năm 2019 bắt đầu giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tăng trưởng của ngành xây dựng năm 2019 của Hà Tĩnh giảm 0,9 % so với cùng kỳ. Như vậy, mặc dù kết quả sản xuất ngành xây dựng có giảm nhẹ nhưng tác động không nhiều đến tăng trưởng chung. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 trên địa bàn Hà Tĩnh đạt mức tăng khá (tăng 9,44 %). Khi mà dự án Fomosa đi vào sản xuất ổn định với sản lượng tăng lên thì sẽ có sự tác động lớn đối với chỉ tiêu GRDP. Như vậy, đóng góp từ sản phẩm thép của dự án Fomosa vào tăng trưởng GRDP, năm 2019 là rất lớn. Thời gian tới, cùng với việc tiêp tục duy trì và phát triển sản xuất của dự án Fomosa thì cũng cần phải quan tâm phát triển các ngành và lĩnh vực sản xuất khác, tránh việc tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà phụ thuộc nhiều vào dự án này.

Nhìn chung, giai đoạn 2017-2019 Hà Tĩnh đã có nhiều thay đổi trong tăng trưởng kinh tế, trong giai đoạn này tăng trưởng của Hà Tĩnh phụ thuốc rất lớn vào dự án gang thép Hưng Nghiệp Formosa. Khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng là thành tố quan trọng đóng góp cho sự cải thiện về tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả giai đoạn. Hoạt động sản xuất ổn định của Dự án Fomosa đóng vai trò rất lớn cho sự phát triển mạnh mẽ ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh, tạo tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế cho những năm tiếp theo và tạo tiền đề cho bước đột phá mới.

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Hà Tĩnh

Trong thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững cần tập trung một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.

Chuyển dần từ tăng chủ yếu dựa vào đầu tư, lao động phổ thông sang tăng trưởng dựa vào năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đổi mới quản lý; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực; khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh; mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng.

Giai đoạn 2017-2019, Hà Tĩnh có nhiều thay đổi trong tăng trưởng kinh tế, trong giai đoạn này tăng trưởng của Tỉnh phụ thuốc rất lớn vào dự án gang thép Hưng Nghiệp Formosa. Hoạt động sản xuất ổn định của Dự án Fomosa đóng vai trò rất lớn cho sự phát triển mạnh mẽ ngành sản xuất công nghiệp, tạo tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế cho những năm tiếp theo và tạo tiền đề cho bước đột phá mới.

Đồng thời, cần đẩy mạnh làng nghề truyền thống phát triển theo hướng hình thành các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp chủ lực theo từng vùng, cụm, huyện gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của nghề và làng nghề truyền thống. Cần mạnh dạn xóa bỏ, thay thế bằng các nghề có giá trị mà sản phẩm sản xuất ra thích ứng với thị trường. Tạo và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho các làng nghề truyền thống; tìm kiếm thị trường cho làng nghề truyền thống theo phương châm các sản phẩm làm ra phải kết hợp giữa công nghệ truyền thống và công nghệ hiện đại, đồng thời phải kế thừa những tri thức dân gian. 

Thứ hai, tiếp tục thu hút đầu tư, thực hiện tốt công tác quản lý tại các khu kinh tế.

Trong thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh luôn xác định phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp là trọng tâm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đến hết năm 2020 có tác dụng quyết định tỷ trọng công nghiệp trên 56%, thương mại, dịch vụ trên 34%, kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD và là động lực chính thực hiện chỉ tiêu ngân sách 46.000 tỷ đồng. Để thực hiện được mục tiêu đó, thời gian tới Tỉnh cần tiếp tục giữ vững định hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, thực hiện xúc tiến đầu tư có trọng điểm, hướng tới các nhà đầu tư lớn của các nước phát triển để khai thác công nghệ tiên tiến, tính chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất, tính khoa học trong quản lý doanh nghiệp… nhằm tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học cao.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng khu kinh tế Vũng Áng trở thành một cực tăng trưởng chính thức đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững với 3 trụ cột: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo; trung tâm logistic và dịch vụ cảng biển; phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại; trong đó dự án Khu liên hiệp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Fomosa Hà Tĩnh đóng vai trò hạt nhân.

Thứ ba, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kĩ năng, trình độ kỹ thuật cao.

- Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kĩ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo.

- Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

- Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh và sức mạnh toàn dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số; phòng, chống dịch bệnh; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội.             

Tài liệu tham khảo:

 Từ Quang Phương, (2013), Giáo trình Kinh tế đầu tư, NXB Kinh tế quốc dân;

Vũ Kim Dũng, Nguyễn Văn Công (2012), Giáo trình Kinh tế học (tập II), NXB Kinh tế quốc dân;

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh các năm 2016, 2017, 2018, 2019, 6 tháng đầu năm 2020, Cục Thống kê Hà Tĩnh;

http://thongkehatinh.gov.vn/aspx?id=107&&parentpage=TinTuc.aspx;

http://thongkehatinh.gov.vn/aspx?id=351&&parentpage=TinTuc.aspx.