Đầu tư ngân sách nhà nước phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Đồng bằng sông Hồng

ThS. Vũ Thị Thuý Hằng - Trường Đại học Lâm nghiệp

Nông nghiệp công nghệ cao được coi là bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản nhờ ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất. Đây là định hướng phát triển nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Bài viết nghiên cứu đầu tư ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Đồng bằng sông Hồng nhằm hỗ trợ, thúc đẩy, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đầu tư nghiên cứu khoa học phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hiện nay, ở Việt Nam hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) phần lớn được đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN). Điều này được quy định tại Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN).

Bình quân hàng năm, đầu tư NSNN cho hoạt động khoa học và công nghệ với mức kinh phí vào khoảng 1,4%-1,85% tổng chi NSNN, chiếm từ 0,4 đến 0,6 GDP. Trong tổng đầu tư cho KHCN chủ yếu đầu tư tập trung vào: Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật, các nhiệm vụ Nhà nước 50%; Con người chiếm 20%; Đầu tư để hỗ trợ đề tài cấp bộ, ngành 15%; Đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất chiếm 15%.

Đầu tư từ NSNN để phát triển KHCN được phân cấp: Ngân sách trung ương thường chiếm tỷ trọng từ 70%-75% và ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng 25%-30%.

Hiện nay, hoạt động KHCN phần lớn được đầu tư từ NSNN với mức kinh phí dưới 2% tổng chi NSNN hàng năm. Tuy nhiên, tỷ lệ chi cho KHCN trong NSNN có xu hướng giảm dần trong 13 năm qua (năm 2008 là 1,69% và đến 2022 còn 0,51%) (Bảng 1). 

Bảng 1: Đầu tư từ NSNN cho khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2022

Năm

Tổng chi NSNN

(tỷ đồng)

Đầu tư cho

KHCN (tỷ đồng)

Cơ cấu (%)

2016

1.298.290

9.440

0,73

2017

1.355.034

9.256

0,68

2018

1.435.435

11.111

0,77

2019

1.526.893

12.426

0,81

2020

1.709.524

11.886

0,69

2021

1.854.940

10.763

0,58

2022

1.784.600

9.140

0,51

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2022)

Có thể thấy, đầu tư của Nhà nước cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở nước ta vẫn còn thấp, đặc biệt đầu tư nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa tới ngưỡng nên khó tạo ra được sản phẩm khoa học công nghệ mang tính đột phá. Mặc dù mức chi tiêu ngân sách cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp tăng lên nhưng hiện tại vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với GDP do ngành Nông nghiệp tạo ra.

Theo đánh giá của Viện Chính sách lương thực thế giới (IFPRI), Việt Nam mới chỉ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành Nông nghiệp tương đương 0,2% GDP nông nghiệp. Trong khi đó, ở Brazil là 1,8% và Trung Quốc là 0,5%. Nếu đầu tư đúng mức thì Việt Nam cần đạt mức 0,86% của GDP nông nghiệp, tức là hơn 4 lần so với mức đầu tư hiện nay.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, KHCN và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi đạt 38%. KHCN đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến năm 2022, trên 60% tổ chức KHCN công lập có cơ sở vật chất và nguồn nhân lực ngang tầm khu vực, trong đó một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến của thế giới.

Đối với Vùng Đồng bằng sông Hồng, xác định KHCN là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, các tỉnh, thành phố trong vùng đã tập trung huy động nguồn lực và dành ngân sách đáng kể để đầu tư cho KHCN. Chẳng hạn như tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, sử dụng linh hoạt các nguồn lực để tập trung đầu tư ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh cũng đã bố trí nguồn ngân sách đủ lớn trên phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư để tạo bước đệm cho các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào hoạt động. Trong 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã chi gần 2.560 tỷ đồng cho KHCN, công nghệ thông tin và chính quyền điện tử. Bình quân mỗi năm, chi cho hoạt động KHCN đạt 2,68% tổng chi thường xuyên ngân sách của Tỉnh.

Hiện nay, CNC đã được nghiên cứu và ứng dụng vào nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Hồng như: công nghệ lai tạo giống, công nghệ nuôi cấy mô, công nghệ trồng cây trong nhà kính, công nghệ trồng cây trong dung dịch (thủy canh), khí canh và trên giá thể, công nghệ tưới nhỏ giọt…Việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp cũng ngày càng được nhân rộng như các hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới kết hợp với ứng dụng công nghệ số để điều khiển tự động hoặc bán tự động; ứng dụng BigData, IoT, AI trong việc quản lý và chăm sóc cây trồng, vật nuôi; công nghệ tưới tiết kiệm; ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất…

Tuy nhiên, vốn đầu tư cho KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được chú trọng. Theo tính toán thì đầu tư cho KHCN chiếm tỷ trọng rất thấp chỉ khoảng trên dưới 1% so với tổng chi ngân sách địa phương (Bảng 1). Trong tổng chi KHCN thì chi cho KHCN của lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp, thậm chí trong năm của một số địa phương trong còn không có khoản đầu tư này.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Bảng 2: Chi ngân sách địa phương cho KHCN vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2022 (triệu đồng)

STT

Địa phương

Tổng chi NSĐP

Chi đầu tư cho KHCN

Cơ cấu (%)

1

Hà Nội

100.567.000

351.000

0,35

2

Bắc Ninh

16.469.929

61.206

0,37

3

Hà Nam

12.185.337

31.932

0,26

4

Hải Dương

16.359.000

40.071

0,24

5

Hải Phòng

39.556.307

119.121

0,30

6

Hưng Yên

16.751.333

32.244

0,19

7

Nam Định

15.059.429

29.430

0,20

8

Ninh Bình

18.998.085

70.859

0,37

9

Quảng Ninh

32.449.064

383.800

1,18

10

Thái Bình

23.077.506

34.843

0,15

11

Vĩnh Phúc

17.508.681

31.003

0,18

Nguồn: Bộ Tài chính

Trong chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC vùng Đồng bằng sông Hồng là hạn chế hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. Thay vào đó, Đồng bằng sông Hồng sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách... để có thể thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Vì vậy, đối với từng địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng, việc đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC được thể hiện qua các chủ trương, chính sách, nghị quyết.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW với mục tiêu đặt ra là: “Xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng chất lượng và hiệu quả tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức và chủ động hội nhập quốc tế; xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh…”

Điển hình tại TP. Hà Nội: Trong “Quy hoạch phát triển nông nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được ban hành theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 5/4/2012 của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội đã xác định: “Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất: thủy lợi, giao thông nội đồng, cơ sở sản xuất giống... chú ý đến cơ sở hạ tầng trong các khu sản xuất tập trung” là một trong các giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch.

Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác xã có diện tích đang sản xuất trong vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung tại khoản 5, Điều 1, Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội.

Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 8/7/2015 của của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội quy định chi tiết các nội dung hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình có dự án đầu tư sản xuất trong, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hoặc phê duyệt.

Trong Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội, nội dung hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình đầu tư vào nông nghiệp CNC cũng được quy định chi tiết tại điểm 2, khoản 11, Điều 1.

Như vậy, vốn đầu tư từ NSNN cho đầu tư hạ tầng nông nghiệp và nông thôn những năm gần đây chỉ đạt khoảng 15%-17%. Điều đó thể hiện đầu tư xã hội cho nông nghiệp nói chung và cho nông nghiệp ứng dụng CNC còn quá thấp. Nhưng đáng lưu ý, hiệu suất đầu tư cũng bị kéo thấp hơn khi chất lượng và tính ổn định của quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở nông thôn còn nhiều yếu kém.

Đầu tư phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao, có hiểu biết về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, kỹ năng lao động giỏi, nhạy bén, sáng tạo, thích ứng nhanh và làm chủ những thành tựu của KHCN nông nghiệp hiện đại. Do vậy, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về phát triển nhân lực nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng trong các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án, đề án về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, điển hình như: Điều 27, Luật Công nghệ cao năm 2008 có quy định về đào tạo nhân lực CNC; Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án“Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Để thực hiện các chủ trương, chính sách trên, NSNN đã dành một phần để đầu tư cho giáo dục đào tạo và dạy nghề nói chung và cho giáo dục đào tạo và dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC nói riêng (Bảng 3).

Bảng 3: Chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo trong nông nghiệp của một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng (2016-2022) (triệu đồng)

STT

Địa phương

Chi đầu tư

1

Hà Nội

789.252

2

Bắc Ninh

19.628

3

Hà Nam

65.692

4

Hải Phòng

31.950

5

Nam Định

184.520

6

Quảng Ninh

1.134

Nguồn: Bộ Tài chính

Mặc dù, các địa phương trong vùng có dành ngân sách cho đầu tư giáo dục đào tạo và dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp để phục vụ sản xuất nhưng con số rất khiêm tốn và chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Điều này cho thấy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chưa được đầu tư thích đáng.

Đầu tư đổi mới trang thiết bị, dụng cụ tiên tiến phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC thì vấn đề đổi mới trang thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất cũng là việc quan trọng cần làm. Các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã chú trọng đầu tư đổi mới vào trang thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

Điển hình tại Bắc Ninh, các tổ chức, cá nhân nằm trong vùng, khu nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ và chương trình OCOP được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư, đổi mới trang thiết bị, dụng cụ tiên tiến, nghiên cứu cải tiến, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng CNC, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án. Các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà màng, nhà lưới, nhà kính có các dự án, phương án không nằm trong các vùng, khu nông nghiệp CNC được hỗ trợ với mức 50% chi phí mua vật tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, nhà kính và các thiết bị tự động hóa quá trình sản xuất; tối đa không quá 200 triệu đồng/tổ chức, cá nhân để xây dựng nhà lưới; tối đa không quá 2 tỷ đồng/tổ chức, cá nhân để xây dựng nhà màng, nhà kính và các thiết bị tự động hóa. Hỗ trợ 100% kinh phí lần đầu cho cơ sở sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc VietGAP, GMP, GlobalGAP, sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ nằm trong vùng quy hoạch của địa phương (bao gồm kinh phí tư vấn, thẩm tra, đánh giá, lấy mẫu phân tích, tập huấn, cấp chứng nhận...), tổng mức hỗ trợ không quá 80 triệu đồng/giấy chứng nhận…

Đối với sản xuất trồng trọt hữu cơ, tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất trong 01 năm đầu sau khi được cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân sản xuất hữu cơ. Mức hỗ trợ tối đa không quá 25 triệu đồng/ha và không quá 2,5 tỷ đồng/tổ chức, cá nhân.

Về xây dựng mô hình, tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, thiết bị,vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình sản xuất, trình diễn tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/mô hình ứng dụng CNC, không quá 1 tỷ đồng/mô hình còn lại.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh còn hỗ trợ 50% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, sản phẩm OCOP và bảo vệ môi trường, mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/máy móc, thiết bị. Hỗ trợ 50% kinh phí mua thiết bị lạnh và giá để hàng chuyên dùng cho siêu thị và cửa hàng, mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/siêu thị và không quá 100 triệu đồng/cửa hàng.

Ngoài Bắc Ninh, nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng đã tạo cơ chế, huy động nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản ở nông thôn, tạo điều kiện hỗ trợ tốt cho người dân trong sản xuất nông nghiệp. Công nghệ bảo quản lạnh được áp dụng nhiều trong bảo quản rau, củ, quả tươi đã góp phần kéo dài được thời gian sử dụng của sản phẩm, đồng thời giữ được chất lượng hàng hóa, nâng cao giá trị.

Như vậy, vùng Đồng bằng sông Hồng đã tập trung đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hình thành quy trình sản xuất khép kín, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái. Có chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, thu hút doanh nghiệp đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Qua đó cho thấy, đầu tư của Nhà nước để hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đóng vai trò rất quan trọng, nó tạo ra “cú hích” ban đầu cho nông nghiệp phát triển và là “mồi” để thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC cho vùng Đồng bằng sông Hồng.

Một số giải pháp

Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần có chính sách để đầu tư trang bị cơ sở vật chất trang thiết bị cho KHCN; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối các vùng sản xuất; phân bổ vốn phù hợp trong các chương trình, mục tiêu…

Thứ hai, các địa phương cần chủ động bố trí cân đối ngân sách địa phương cho phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thuỷ lợi, tăng cường cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... để phát triển sản xuất.

Thứ ba, tăng cường ưu tiên NSNN cho giáo dục và đào tạo trong tổng chi NSNN tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

Thứ tư, cần có cơ chế chính sách từ NSNN cho đầu tư trang thiết bị, dụng cụ tiên tiến phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Hiện nay, mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC một số khâu còn thấp, chưa toàn diện; trình độ trang bị còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, NXB Chính trị quốc gia Sự thật;
  2. Thủ tướng Chính phủ (2009). Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
  3. HĐND TP. Hà Nội (2013), Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung TP. Hà Nội giai đoạn 2024-2020, chính sách khuyến khích phát triển làng nghề TP. Hà Nội; chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn TP. Hà Nội.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023