Đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách về tài chính doanh nghiệp

Theo dangcongsan.vn

Nhằm giúp các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật thời gian qua, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) luôn đẩy mạnh phổ biến các chính sách, pháp luật về tài chính doanh nghiệp đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Ngày 9/8, tại Hà Nội, Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN) tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lĩnh vực TCDN năm 2022 với sự tham dự của các Sở Tài chính, hơn 100 doanh nghiệp thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục TCDN cho biết: Đây là Hội nghị đầu tiên về tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lĩnh vực TCDN của năm 2022 được Cục TCDN tổ chức ở miền Bắc. Sắp tới, sẽ có thêm một số hội nghị với nội dung tương tự được tổ chức tại miền Trung, miền Nam. Hội nghị nhằm mục tiêu phổ biến các chính sách, pháp luật về TCDN đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm giúp các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật.

Tại Hội nghị, đại diện Cục TCDN giới thiệu một số nội dung về: Định hướng sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13); Tình hình triển khai Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025” của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tại các địa phương; Các nội dung cơ bản của Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP; Các nội dung cơ bản của Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ và thông tư hướng dẫn; Giới thiệu hệ thống thông tin quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Hệ thống MIS); Nội dung cơ bản của Nghị định số 150/2020/NĐ-CP ngày 25/12/2020 của Chính phủ và Thông tư số 111/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 của Bộ Tài chính.

Ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục TCDN phát biểu tại Hội nghị .
Ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục TCDN phát biểu tại Hội nghị .

Thông tin về định hướng sửa đổi Luật số 69/2014/QH13, ông Phạm Văn Đức cho biết, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra tờ trình của Chính phủ đề nghị đưa dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Việc sửa đổi toàn diện, ban hành Luật này sẽ giúp hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu).... Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu.

Về tình hình triển khai Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025” của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tại các địa phương, Phó Cục trưởng Cục TCDN cho biết, tính đến ngày 22/7/2022, Cục TCDN mới nhận được báo cáo của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu về tình hình xây dựng, phê duyệt Đề án cơ cấu lại trong đó có một số báo cáo chưa đảm bảo đúng thời gian quy định.

Về cơ bản tiến độ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc phê duyệt theo thẩm quyền Đề án cơ cấu lại chưa đảm bảo theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng tại hội nghị, những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp liên quan đến quá trình triển khai cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay như vấn đề xác định giá trị đất khi cổ phần hóa, xác định giá trị thương hiệu của doanh nghiệp; các vướng mắc về ký hợp đồng thuê đất khi chuyển hình thức từ công ty TNHH sang công ty cổ phần, vấn đề công bố thông tin của doanh nghiệp, bổ sung vốn điều lệ tại doanh nghiệp… đã được lãnh đạo Cục TCDN giải đáp và tháo gỡ. Đồng thời lãnh đạo Cục TCDN cũng tiếp thu, ghi nhận các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về lĩnh vực TCDN./.