Đẩy nhanh tiến độ số hóa

Theo Báo Đại biểu Nhân dân (daibieunhandan.vn)

Sau hơn 8 tháng thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) đã cho thấy, việc thực hiện đề án này đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Đến nay, đã có gần 125 triệu hồ sơ được đồng bộ, xử lý trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; hoàn thành 21/25 dịch vụ công mức độ 3, 4. Nhiều dịch vụ công trực tuyến đáp ứng mong đợi của người dân, điển hình như việc đăng ký trực tuyến dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với CSDL các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh, từng bước hình thành CSDL lớn, hệ sinh thái công dân số, phục vụ quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 11 bộ, ngành, 14 địa phương; và 4 doanh nghiệp Nhà nước; Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã cung cấp gần 7,6 triệu thông tin khai sinh và tiếp nhận số định danh cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Đặc biệt, Bộ Công an hiện đã cấp trên 67 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước tích hợp thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, xác thực khách hàng cho phép thực hiện giao dịch tại ATM không cần thẻ ngân hàng... Hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động từ ngày 18.7.2022, bước đầu hình thành hệ sinh thái công dân số, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy thanh toán trực tuyến, giao dịch điện tử, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và nhiều tiện ích phục vụ nhân dân.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Tuy vậy, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến vẫn còn hạn chế, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chưa cao, còn dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất. Trong khi đó, hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai còn dàn trải, tốn kém; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu còn nhiều hạn chế, bất cập…

Từ thực tế này, bên cạnh việc xây dựng kho dữ liệu cá nhân, tổ chức, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Bởi, việc số hóa sẽ là nền tảng, làm giàu các cơ sở dữ liệu đã và đang phát triển; đồng thời nhanh chóng hoàn thành việc kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này là rất quan trọng khi việc kết nối, chia sẻ mới chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn - 11 bộ, ngành, 14 địa phương; và 4 doanh nghiệp Nhà nước.

Ngoài ra, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; sớm xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát việc triển khai CSDL quốc gia về dân cư, khai định danh và xác thực điện tử…

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án; đẩy nhanh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử.