Để thích ứng và tham gia hiệu quả vào thị trường các - bon

PV. (t/h)

Để có thể thích ứng và tham gia hiệu quả vào thị trường các - bon, doanh nghiệp cần nắm vững các quy định pháp luật về phát triển thị trường các - bon, đặc biệt là lộ trình vận hành dự kiến bắt đầu từ năm 2028 nhằm chủ động cân đối nguồn lực và khả năng sẵn sàng tham gia thị trường này.

Hiện nay,  lộ trình quy định thời điểm triển khai thị trường các - bon của Việt Nam đã rất rõ ràng.
Hiện nay,  lộ trình quy định thời điểm triển khai thị trường các - bon của Việt Nam đã rất rõ ràng.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, khi rất nhiều các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm phát thải đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. Để làm được việc này thì việc xây dựng và vận hành thị trường carbon là yếu tố tất yếu.

Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 là văn bản pháp lý cao nhất quy định về thị trường các - bon. Trong đó, Điều 139 quy định chi tiết về tổ chức và phát triển thị trường các - bon nêu rõ: Thị trường các - bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các - bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các - bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo quy định của Luật này, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan thành lập thị trường các-bon trong nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 139; tổ chức vận hành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới.

Về vấn đề giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 91, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 cũng quy định tổ chức thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hấp thụ khí nhà kính theo lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế; kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành, lĩnh vực và cấp cơ sở có liên quan; kiểm tra việc tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, việc thực hiện cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Mặt khác, Điều 91 cũng quy định việc xây dựng và triển khai cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như việc tổ chức và phát triển thị trường các - bon trong nước.

Bên cạnh đó, Điều 17, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 07/01/2022 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn nêu rõ về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước.

Cụ thể, giai đoạn đến hết năm 2027, sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.

Giai đoạn từ năm 2028, sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

Theo quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường các-bon. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tổ chức vận hành thí điểm và vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ các-bon phục vụ quản lý và theo dõi, giám sát thị trường các-bon; quy định các hoạt động kết nối sàn giao dịch tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới; quy định thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; xây dựng tài liệu tuyên truyền, thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực cho các đối tượng tham gia thị trường các-bon.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, phát triển thị trường các - bon với sự tham gia chủ động đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm bắt được lộ trình vận hành của thị trường các - bon, các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường các - bon. Hiện nay,  lộ trình quy định thời điểm triển khai thị trường các - bon của nước ta đã rất rõ ràng, các doanh nghiệp cần lưu tâm tới lộ trình này để có chiến lược và kế hoạch thích ứng kịp thời.

Từ đó, chủ động trong việc cân đối với năng lực, khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ các - bon.

Cụ thể, về phía doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng, nếu doanh nghiệp sản xuất dẫn đến phát thải khí nhà kính, thì cần chủ động xác định lượng phát thải. Còn đối với doanh nghiệp trung gian kinh doanh thông qua dịch vụ thị trường tín chỉ các - bon cần có sự chủ động chuẩn bị tìm hiểu thị trường, dự báo khả năng thị trường, nguồn lực đầu tư và hạ tầng kỹ thuật tham gia thị trường.

Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc cân đối với năng lực, khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để tham gia thị trường này khi đi vào vận hành từ năm 2028, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ các - bon.

 

Theo Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính của quốc gia, tổ chức, cá nhân được phép phát thải trong một khoảng thời gian xác định, được tính theo tấn khí các - bon dioxide (CO2) hoặc tấn khí các - bon dioxide (CO2) tương đương. Trong khi đó, tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí các - bon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí các - bon dioxide (CO2) tương đương.