Đề xuất bổ sung cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội

Hà Phương

Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy định về cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Theo đó, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội không phải bằng vốn đầu tư công được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây nhà ở xã hội...

Hiện nay, cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở lực lượng vũ trang được đánh giá là chưa hấp dẫn và không thực chất.
Hiện nay, cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở lực lượng vũ trang được đánh giá là chưa hấp dẫn và không thực chất.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo Chính phủ về việc bổ sung đánh giá tác động chính sách và một số nội dung kiến nghị chỉnh lý, bổ sung trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). 

Trong Báo cáo, Bộ Xây dựng cho biết, về cơ chế ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, qua ý kiến của Đại biểu Quốc hội, địa phương, một số doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, quy định ưu đãi trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mà Chính phủ trình Quốc hội cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở lực lượng vũ trang là chưa hấp dẫn, không thực chất.

Như việc ưu đãi được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án, được ưu đãi thuế giá trị gia tăng… thực chất không phải ưu đãi cho chủ đầu tư mà là ưu đãi cho người mua, thuê mua do các ưu đãi này không được xác định trong giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.

Về ưu đãi được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% đối với phần diện tích xây nhà ở xã hội (không phải lợi nhuận đối với toàn bộ dự án), các doanh nghiệp cho rằng, đây là mức lợi nhuận thấp, đề nghị tăng mức lợi nhuận này lên 12 - 15%. Tuy nhiên, nếu tăng mức lợi nhuận lên thì giá nhà ở xã hội sẽ tăng lên, người mua phải chịu chi phí này.

Theo Bộ Xây dựng, việc ưu đãi được dành tối đa 20% tổng diện tích đất ở của dự án hoặc dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở để xây dựng công trình kinh doanh, dịch vụ thương mại (không phải là nhà ở) chủ đầu tư được hoạch toán riêng, không được tính chi phí đầu tư xây dựng công trình này vào giá nhà ở xã hội và được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này như dự thảo Chính phủ trình Quốc hội đã giải quyết được vấn đề.

Các doanh nghiệp cho rằng, cơ chế này không thu hút, khuyến khích đủ mạnh do các công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại này chủ đầu tư phải đầu tư với nguồn vốn lớn nhưng chỉ có thể cho thuê, thời gian thu hồi vốn lâu.

Theo Bộ Xây dựng, quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được hưởng ưu đãi 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại (bao gồm công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại cao tầng hoặc thấp tầng) nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm chi phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư đã được Chính phủ quy định từ Nghị định số 188/2013/NĐ-CP, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Cơ chế ưu đãi này được các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai ổn định, có hiệu quả gần 10 năm qua.

Làm rõ vấn đề này, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy định về cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Theo đó, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội không phải bằng vốn đầu tư công được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây nhà ở xã hội. Đồng thời, chủ đầu tư được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại.

Chủ đầu tư được hạch toán riêng, không được tính chi phí đầu tư xây dựng công trình này vào giá thành nhà ở xã hội và được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này.

Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích xây nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về đất đai…