Giải pháp phát triển hoạt động marketing trong kinh tế du lịch

PGS., TS. VŨ TRÍ DŨNG, ThS. LÊ VĂN BIỂN

(Tài chính) Trong những năm qua, du lịch Cửa Lò (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, yếu tố thời vụ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển du lịch bền vững tại khu vực du lịch Cửa Lò cũng như tiến trình thực hiện quy hoạch phát triển du lịch của Nghệ An nói chung. Bài viết đề cập đến thực trạng ảnh hưởng của tính thời vụ và đưa ra các giải pháp marketing nhằm khắc phục tính thời vụ trong phát triển du lịch biển của địa phương thời gian tới.

Đánh giá thực trạng và kết quả nghiên cứu

Mặc dù có vị trí thuận lợi trong phát triển du lịch bền vững song Cửa Lò hiện vẫn ảnh hưởng khá nặng nề về tính mùa vụ. Bởi ở đây chủ yếu chỉ phát triển loại hình du lịch tắm biển, ít phát triển các loại hình du lịch công vụ (MICE), du lịch chữa bệnh, tổ chức sự kiện… Do vậy, lượng khách tới tham quan du lịch tại Cửa Lò không đều trong năm, chỉ tập tập trung vào một số tháng trọng điểm (trong tháng 6-7 hàng năm chiếm trên 63% tổng lượng khách cả năm).

Nhìn vào Hình 1, có thể thấy rằng, tình trạng cung ứng dịch vụ lưu trú đã không đáp ứng được cầu trong dịp cao điểm. Nói cách khác, vào thời điểm tháng 6-7 hàng năm, khu du lịch Cửa Lò đã không có đủ phòng khách sạn để đáp ứng nhu cầu của du khách, dẫn đến tình trạng khách phải ở ghép hoặc ở các khu nhà nghỉ tư nhân kém chất lượng.

Vào thời điểm này, phòng nghỉ của hầu hết các khách sạn trong khu vực đã hoạt động tối đa công suất, tạo doanh thu trong lĩnh vực này rất cao. Tuy nhiên, hết mùa cao điểm, các tháng còn lại trong năm số lượng phòng trống lại rất lớn, lĩnh vực này hầu như không có doanh thu, thể hiện trong khoảng trống ABGO và khoảng trống CDEF. Trung bình cả năm công suất buồng chỉ đạt 23% - 25%, theo đó doanh thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú trong năm sẽ rất thấp. Điều này, dẫn đến một nghịch lý: Nếu các DN đầu tư xây thêm các khách sạn, nhà nghỉ để tận thu vào mùa vụ du lịch thì sẽ gây sự lãng phí rất lớn. Ngược lại, nếu không đầu tư xây dựng thêm cơ sở hạ tầng thì khi vào mùa sẽ thiếu trầm trọng nguồn cung. Mặt khác, sự tập trung một lượng khách lớn trong mùa du lịch, gây quá tải cho bãi biển Cửa Lò, khiến cho du khách không thể cảm nhận và hưởng thụ hết được giá trị của khu du lịch này…

Giải pháp phát triển hoạt động marketing trong kinh tế du lịch - Ảnh 1

Nhìn từ biểu đồtrên cho thấy, tỷlệ lao động thất nghiệp khi vào vụ rất thấp chỉ chiếm 6% nhưng sau mùa du lịch, tỷlệ lao động thất nghiệp tăng lên rất cao (khoảng 26%), tỷlệ lao động chuyển đổi sang công việc khác là 24%. Theo đó, số lượng lao động trong ngành du lịch dịch vụ giảm một cách mạnh mẽ từ 57% xuống còn 13%.

Tính mùa vụ thể hiện rõ nét, kéo mức giá chênh lệch giữa chính vụ và trái vụ cũng rất lớn. Chẳng hạn từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, mức giá được đẩy lên rất cao, các tháng còn lại hầu như kinh doanh theo cảm tính hoặc cho sinh viên thuê theo tháng với mức giá rẻ. Giá cả sản phẩm dịch vụ cũng vậy, vào thời kỳ cao điểm, các DN thường đẩy mức giá lên rất cao thậm chí có lúc gấp 2-3 lần so với thời kỳ thấp điểm.

Hơn nữa, sản phẩm dịch vụ của khu du lịch Cửa Lò vẫn còn đơn điệu, ít các trung tâm dịch vụ vui chơi, giải trí. Hoạt động kinh doanh ăn uống hầu như cũng chỉ sôi động vào mùa hè. Chính do tư tưởng “làm 3 tháng ăn 1 năm” cho nên các hộ kinh doanh hầu như chỉ chú ý đến vấn đề tận thu trong mùa vụ, ít chú ý đến đầu tư vào các nâng cấp cơ sở hạ tầng, khai thác du lịch bền vững. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng “đội giá” lên cao so với giá cả bình thường trong mùa lễ hội.

Giải pháp phát triển hoạt động marketing trong kinh tế du lịch - Ảnh 2

Khuyến nghị giải pháp

Điều tiết về cầu

Giải pháp về giá: Thị trường du lịch là một thị trường cạnh tranh sôi động, có tầm quan trọng trong việc xác định giá của sản phẩm dịch vụ. Ngoài nhu cầu của khách lẻ, họ ít quan tâm hơn đến sự chênh lệch giá thì công ty lữ hành lại rất nhạy cảm với giá mà các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống định ra. Do đó, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú cần đặc biệt chú ý đến mức giá cho dịch vụ của mình tại các thời điểm khác nhau. Để kích cầu trong giai đoạn vắng khách thì các DN kinh doanh dịch vụ ở Cửa Lò nên định giá theo phương châm “Đảm bảo sống sót” hoặc cơ cấu lãi ít, để thu hút đối tượng khách ở thị trường Nghệ An, Hà Tĩnh vào những dịp cuối tuần hoặc các ngày nghỉ lễ.

Giải pháp về truyền thông marketing: Thuê hoặc hợp tác với các nhà tư vấn, thiết kế, các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, để thiết kế các nội dung xúc tiến du lịch đúng đối tượng, đúng thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch. Tuyên truyền quảng bá, quảng cáo du lịch Cửa Lò trên các phương tiện thông tin đại chúng trên đài phát thanh, truyền hình, trên mạng internet… Tổ chức các hội chợ, các cuộc triển lãm chuyên ngành du lịch, các sự kiện, hội nghị, hội thảo và xem đây là phần hoạt động xúc tiến du lịch quan trọng, có thể quảng bá và hợp tác về du lịch hiệu quả.

Điều tiết về cung

Giải pháp về sản phẩm: Tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có như du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, tham quan di tích văn hoá lịch sử... Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch tiềm năng như: Du lịch sinh thái, tham quan các làng nghề thủ công mỹ nghệ, chế biến hải sản, kết nối tour trong và ngoài tỉnh... Ngoài ra, để giảm thiểu tác động của tính thời vụ, cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất để thu hút tổ chức các hội nghị hội thảo vào những mùa vắng khách, thu hút và tổ chức các giải thi đấu thể thao, hoạt động văn hóa văn nghệ để tăng thêm lượng khách vào mùa trái vụ. Mở rộng tiếp cận thị trường khách du lịch MICE (hội nghị, hội thảo kết hợp khen thưởng…), từ đó đa dạng các loại hình kinh doanh du lịch và các sản phẩm du lịch, phá thế kinh doanh du lịch mùa vụ và kinh doanh lưu trú là chủ yếu như hiện nay...

Giải pháp về phân phối: Tiếp tục phát huy các mối quan hệ với các công ty lữ hành ở các tỉnh phía Bắc và cần có các mối quan hệ với các công ty lữ hành, các công ty du lịch trên địa bàn Nghệ An, bởi họ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xúc tiến và quảng bá tới khách hàng.

Tài liệu tham khảo:

1. Vương Lôi Đình, Đổng Ngọc Minh (2002), Kinh tế du lịch và Du lịch học, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh;

2. Thái Hà (2006), Thái độ quyết định chất lượng dịch vụ, NXB Từ điển Bách khoa, TP. Hồ Chí Minh;

3. ThS. Trần Ngọc Nam, Trần Huy Hoàng (2005), Marketing du lịch, NXB trẻ, TP Hồ Chí Minh;

4. PGS. TS Phạm Trung Lương (2002), Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, Đề tài KHCN độc lập cấp Nhà nước, Tổng cục Du lịch;

5. ThS. Trần Ngọc Nam, Trần Huy Hoàng (2005), Marketing du lịch, NXB trẻ, TP Hồ Chí Minh;

6. Tài liệu Hội thảo khoa học (2011), Sự hình thành và mục tiêu, giải pháp phát triển bền vững Du lịch Cửa Lò, UBND Thị xã Cửa Lò - Nghệ An, UBND thị xã Cửa Lò;

7. UBND Tỉnh Nghệ An (2010), Báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

8. P.Kotler (2009), Quản trị marketing, NXB Trẻ.