Đến năm 2050, điện hạt nhân sẽ tăng từ 15-20%

PV.

(Tài chính) Việt Nam được dự báo sẽ từ nước xuất khẩu năng lượng trở thành nước nhập khẩu năng lượng vào năm 2015. Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia kỳ vọng sẽ giữ mức nhập khẩu năng lượng dưới 3% mức tổng tiêu thụ vào năm 2020. Phát triển điện hạt nhân là một trong những giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh này.

Ứng phó với tình hình đó, Việt Nam đã đặt kế hoạch xây dựng thêm 95 nhà máy điện truyền thống, với công suất lên tới 49.044MW, tổng vốn đầu tư khoảng 49 tỷ USD. Tuy nhiên, việc chậm tiến độ xây dựng của nhiều nhà máy điện mới (do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện) trong thời gian vừa qua đã làm tăng thêm thiếu hụt điện năng, ít nhất là trong ngắn hạn.

Từ đó, phát triển điện hạt nhân đã được tính tới và khẩn trương triển khai. Tuy nhiên, không thể đốt cháy giai đoạn bởi đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, phải thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột. Một là, luật pháp phải đầy đủ, bởi Việt Nam chuyển từ quốc gia không có điện hạt nhân sang quốc gia có điện hạt nhân. Thứ hai, đào tạo nhân lực phải trước. Thứ ba xây nhà máy. Phát triển điện hạt nhân phải hết sức thận trọng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho dự án, không thể đẩy nhanh điện hạt nhân thay cho giải pháp năng lượng.

Dự báo điện hạt nhân sẽ tăng từ con số 0 (hiện nay) lên 2,1% tổng cung điện năng năm 2020 (và từ 15-20% tới năm 2050). Hiện Nga và Nhật đều đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.