Phát triển điện hạt nhân bắt đầu từ thông tin, tuyên truyền

Quang Tuấn

(Tài chính) “Nhu cầu bức thiết và tính ưu việt của nguồn năng lượng từ điện hạt nhân chỉ được đông đảo người dân thấu hiểu, chia sẻ khi có sự vào cuộc của các phương tiện truyền thông đại chúng…” – là nhận định chung của nhiều chuyên gia quốc tế tại Hội thảo: “Cơ hội và thách thức trong thông tin, tuyên truyền phát triển điện hạt nhân” do Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức mới đây.

Thông tin, tuyên truyền là một trong 19 vấn đề cần thiết cơ bản của phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Nguồn: Internet
Thông tin, tuyên truyền là một trong 19 vấn đề cần thiết cơ bản của phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Nguồn: Internet

Phát huy vai trò phải tiên phong

Đối với các nước phát triển trên thế giới, điện hạt nhân không còn mới, tuy nhiên tại Việt Nam đây là vấn đề hoàn toàn mới. Khi nói đến phát triển điện hạt nhân, không ít người dân Việt Nam thường nghĩ ngay đến những rủi ro của nó mang đến. Hiểu biết, nhận thức về điện hạt nhân còn chưa đầy đủ, đồng đều trong các bộ phận xã hội Việt Nam.

Vì vậy, để người dân hiểu rõ được vai trò và sự cần thiết của điện hạt nhân thì công tác thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân cần được quan tâm đặt lên hàng đầu. Cần tuyên truyền, tạo sự nhận thức và hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của các tầng lớp xã hội về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần nâng cao sự đồng thuận của công chúng cho việc triển khai thành công Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như phát triển điện hạt nhân một cách bền vững ở Việt Nam.

Đánh giá của các chuyên gia quốc tế cho thấy, thông tin, tuyên truyền là một trong 19 vấn đề cần thiết cơ bản của phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Công tác tuyên truyền và thông tin đại chúng về điện hạt nhân phải đi trước một bước khi triển khai dự án điện hạt nhân và phải tiếp tục thực hiện thường xuyên trong quá trình xây dựng, vận hành và cả khi nhà máy điện hạt nhân dừng hoạt động.

Nhận thực được vai trò quan trọng này, trong thời gian gần đây Việt Nam đã rất tích cực đẩy mạnh tuyên truyền điện hạt nhân trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Phát huy vai trò của báo chí truyền thông cùng sự phối hợp tích cực của Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) các kiến thức, thông tin liên quan đến phát triển điện hạt nhân được đưa ra, phân tích mổ sẻ ở nhiều góc độ.

Điều này đã giúp người dân hiểu phần nào về điện hạt nhân và sự cần thiết phát phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Điểm nhấn quan trọng nhất là ngày 25/11/2009, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 01/2009/QH12 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, các hoạt động thông tin, tuyên truyền ở Việt Nam ngày càng được mở rộng.
Đặc biệt, sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản vào tháng 3/2011, phát triển điện hạt nhân trên thế giới đứng trước nhiều thách thức to lớn về an toàn cũng như về sự chấp thuận, ủng hộ của công chúng.

Việt Nam nhận thức được việc xây dựng lòng tin và sự ủng hộ của công chúng là một công việc quan trọng cần được tăng cường và tiến hành một cách có chiến lược, bài bản, thường xuyên, liên tục và lâu dài. 

Đặc biệt, ngày 28/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 370/QĐ-TTg và giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là tỉnh Ninh Thuận tổ chức thực hiện Đề án này một cách tích cực, hiệu quả.

Đánh giá về vai trò của thông tin, tuyên truyền phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam TS. Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử  (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: “Trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân, thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật, IAEA đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều hoạt động như tổ chức hội thảo, tập huấn, đào tạo cán bộ… tạo cơ sở quan trọng về kiến thức, năng lực cho đội ngũ làm công tác thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân ở Việt Nam”.

Niềm tin được tạo dựng

Đánh giá cao về vai trò thông tin tuyên truyền, tạo niềm tin công chúng ủng hộ phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, TS. Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: Sự chấp thuận của công chúng là một trong những yếu tố hàng đầu cho thành công của một chương trình điện hạt nhân. Công tác thông tin, tuyên truyền cho phát triển điện hạt nhân đóng vai trò quan trọng đối với tất cả các quốc gia bắt đầu có kế hoạch phát triển điện hạt nhân cũng như mở rộng chương trình điện hạt nhân.

Có thể khẳng định, trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực phát triển điện hạt nhân nói riêng, việc thông tin kịp thời, minh bạch, dài hạn là nguyên lý cơ bản tạo niềm tin cho công chúng. Không chỉ vậy, trong việc thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân cần xác định đặc điểm của từng nhóm công chúng để xây dựng kế hoạch truyền thông phù hợp với từng nhóm. 

Do vậy, Việt Nam cũng cần xây dựng các chiến lược truyền thông để thông tin tới công chúng, nhằm tạo niềm tin về sự cần thiết và mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân. Thái độ tích cực của công chúng là điều kiện để phát triển các dự án điện hạt nhân.

Thực tế trên thế giới cũng cho thấy, thái độ của công chúng là một trong những thách thức với các nước bắt đầu quan tâm đến dự án điện hạt nhân trên thế giới. Vì vậy, công tác thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển điện hạt nhân một cách an toàn, hiệu quả, an ninh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, điều quan trọng là làm sao để công chúng hiểu được và có thái độ tích cực đối với dự án điện hạt nhân. Người làm truyền thông phải là người có năng lực xử lý thông tin, cũng như đưa ra phương thức truyền thông về điện hạt nhân đối với công chúng, làm sao để gây dựng được sự tin cậy của công chúng đối với dự án điện hạt nhân tại quốc gia đó.

Trong quá trình tuyên truyền tới công chúng, các cơ quan truyền thông cần lưu ý tới việc thông tin hai chiều, có nghĩa là vừa cung cấp thông tin cho công chúng, vừa phải thu thập các ý kiến đóng góp, phản hồi của công chúng. Như vậy, việc tuyên truyền mới hiệu quả cao.