Việt Nam chủ động thực hiện các cam kết quốc tế về điện hạt nhân

PV.

(Tài chính) Không giống như các nguồn năng lượng khác, điều kiện phát triển điện hạt nhân đòi hỏi đặt ra hết sức cao và khắt khe về mọi mặt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt. Một trong rất nhiều yêu cầu đó là phải đáp ứng đủ các cam kết quốc tế… Việt Nam đang trong quá trình triển khai xây dựng Nhà máy điện hạt nhân và đang tuân thủ đúng theo các cam kết quốc tế.

Việt Nam đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng, phát triển Nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.
Việt Nam đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng, phát triển Nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.

Bên cạnh việc đòi hỏi tối thiểu là nguồn vốn đầu tư lớn, khoa học công nghệ tiên tiến để đảm bảo cho việc vận hành nhà máy điện hạt nhân, các quốc gia phải cảm kết chỉ sử dụng hạt nhân vì mục đích hoàn bình, không phổ biến vũ khí hạt nhân và chấp nhận thanh sát quốc tế đối với chương trình điện hạt nhân. Bởi ngoài việc sử dụng cho phát triển điện, nguyên tử hạt nhân còn ứng dụng sang nhiều lĩnh vực khác, trong đó dó bom nguyên tử - nỗi kinh hoàng của nhân loại.

Ngay từ khi xây dựng ý tưởng và thực hiện chiến lược phát triển điện hạt nhân, Việt Nam đã hiểu rất kỹ điều này và đã tích cực tham gia ký kết, thực hiện các quy ước quốc tế về năng lượng hạt nhân. Việt Nam đã tham gia hàng loạt điều ước quốc tế như Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (1982), Công ước thông báo sớm tai nạn hạt nhân (1987), Công ước trợ giúp trong trường hợp sự cố hạt nhân hoặc tai nạn phóng xạ (1987), Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (ký năm 1996, phê chuẩn năm 2006), Hiệp định thanh sát hạt nhân với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA (1990) và Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định thanh sát (ký năm 2007)... Sự tham gia của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao mà trực tiếp là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).

Trong tiền trình chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam đã và đang tiến hành phê chuẩn Nghị định thư bổ sung nói trên và ký kết một số điều ước quốc tế khác như: Công ước an toàn hạt nhân, Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phần sửa đổi về Bảo vệ thực thể cơ sở hạt nhân, Công ước chung về quản lý an toàn nhiên liệu đã cháy và quản lý an toàn chất thải phóng xạ, Công ước Viên về trách nhiệm dân sự đối với tổn hại hạt nhân, Công ước triệt tiêu các hành động khủng bố hạt nhân.

Việt Nam cũng hiểu khá rõ việc tham gia thực hiện các quy định về điện hạt nhân quốc tế, nhằm tranh thủ sự đồng thhuận hỗ trợ của các quốc gia có nền công nghiệp điện hạt nhan phát triển. Bởi, thực hiện các cam kết không chỉ hỗ trợ về khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực mà còn tạo sự liên kết đồng thuận trong một cộng đồng để tránh bị cô lập.

Điển hình cho việc không tuân thủ các cam kết quốc tế về hạt nhân là Ấn Độ không tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và Hiệp định thanh sát hạt nhân nên đã bị các nước có điện hạt nhân phát triển cô lập, gặp rất nhiều khó khăn về nhiên liệu hạt nhân; gần đây mới chấp nhận thanh sát quốc tế. Hoặc Iran, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên không chấp nhận thanh sát quốc tế nên dù tuyên bố chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đich dân sự nhưng luôn bị quốc tế nghi ngờ chế tạo vũ khí nguyên tử và bị bao vây, cô lập cả về chính trị và kinh tế…

Việt Nam cũng đang trong quá trình thực hiện các quy định cụ thể về trách nhiệm của quốc gia khi tham gia điều ước và cơ chế thực hiện giám sát quốc tế đối với chương trình điện hạt nhân qua các Nghị định thư và cam kết đã ký kết. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ động tìm hiểu nghiên cứu các quy định quốc tế khác liên quan đến điện hạt nhân chưa tham gia ký kết hoặc không bắt buộc phải ký kết. Đây là những bước đi thận trọng, chuẩn bị chu đáo cho chiến lược phát triển điện hạt nhân khi vấn đề này còn mới lạ ở Việt Nam.

Việt Nam quyết định chủ trương phát triển điện hạt nhân và phê chuẩn, tổ chức thực hiện các cam kết quốc tế là vấn đề lớn, nhạy cảm, liên quan đến sự an toàn, an ninh và chủ quyền của quốc gia. Việc này cũng đã được cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội quyết định với sự đồng thuận cao.