Điều chỉnh chính sách tiền lương với kinh tế thị trường

Hồng Uyên - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Tiền lương và năng suất lao động có mối quan hệ ra sao, quá trình hội nhập tác động tới chính sách tiền lương của người lao động ra sao, tiền lương tác động ra sao tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, câu chuyện ứng phó của các doanh nghiệp…

Điều chỉnh chính sách tiền lương với kinh tế thị trường
Việt Nam chỉ có khoảng 1/3 số lao động có việc làm là được hưởng lương. Nguồn: internet

Đây là những nội dung chính của Hội thảo Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức sáng 25/11 tại Hà Nội. 

Tiền lương thuộc nhóm thấp nhất ASEAN

Theo “Báo cáo cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) thì mức lương tối thiểu của Việt Nam mặc dù cao hơn so với Lào, Campuchia và Myanmar nhưng vẫn thuộc nhóm có mức lương tối thiểu thấp nhất trong khu vực ASEAN. 

Tại hội thảo, ông Malte Luebke - Chuyên gia cao cấp về tiền lương của Văn phòng ILO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho biết, không chỉ có mức lương tối thiểu thấp, mức lương bình quân của Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD) cũng chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN như: Philippines (206 USD), Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD), Singapore (3.547 USD).

Ông Malte Luebke nhấn mạnh, sự khác biệt lớn về tiền lương giữa các quốc gia thành viên ASEAN phản ánh những khác biệt lớn trên nhiều phương diện trong đó có năng suất lao động. Những quốc gia ứng dụng công nghệ mới, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện cải cách cơ cấu và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động là những yếu tố tạo ra nền tảng cho hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp để chuyển đổi sang lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, mức lương tốt hơn.

Theo báo cáo của ILO, Việt Nam chỉ có khoảng 1/3 số lao động có việc làm là được hưởng lương. Tỷ lệ này khá thấp so với trung bình trên thế giới là khoảng 50%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của ILO dự báo, trong thập kỷ tới, tỷ lệ lao động làm công ăn lương ở Việt Nam sẽ tăng nhanh và thu hẹp khoảng cách với thế giới. Nếu như năm 1996, tỷ lệ lao động làm công ăn lương ở Việt Nam chỉ là 16,85% thì đến năm 2013 tỷ lệ này đã lên tới 34,8%.

Đã có nhiều điều chỉnh

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, chính sách hội nhập đã đem lại nhiều cải thiện đáng kể trong đời sống cho người lao động. Đặc biệt, chính sách tiền lương đã có nhiều điều chỉnh để phần nào theo kịp những biến chuyển của thị trường.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong chính sách lương hiện nay: Vấn đề năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao, năng suất lao động của người lao động còn thấp, các vấn đề tiền lương và đời sống người lao động còn nhiều khó khăn.

Bên lề hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay cơ chế tiền lương thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động vẫn còn bất cập, đang tồn tại tình trạng doanh nghiệp lách luật, chỉ trả lương cho lao động bằng hoặc trên mức tiền lương tối thiểu một chút, dẫn tới thu nhập cũng như đời sống của người lao động không cao.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định, chúng ta đã xác định nguyên tắc tôn trọng và tăng cường thỏa thuận, thương lượng về tiền lương giữa doanh nghiệp và lao động. Vì vậy, mục tiêu lâu dài là nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh nâng quy định mức lương tối thiểu nhưng phải theo lộ trình chứ không thể tạo cú sốc, nhằm đảm bảo quyền lợi hài hòa cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động.

Đại diện ILO tại Việt Nam cho biết những thách thức được đặt ra với Việt Nam hiện nay là: Tác động của lương tối thiểu đối với doanh nghiệp, xác định lương tối thiểu đối với doanh nghiệp, vấn đề thảo ước lao động… Đây là những vấn đề cần được bàn thảo và từng bước xây dựng thành chính sách để đi vào đời sống thực tế.