Điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Trần Huyền

Đó là định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 diễn ra chiều ngày 01/7/2021.

Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021.
Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021.

Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra sáng cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ đã nghe, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm; về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới công tác phòng chống dịch Covid-19; một số nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian qua.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%). Lạm phát ở mức thấp; chỉ số CPI bình quân 6 tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm...

Thời gian tới, Chính phủ vẫn nhất quán quan điểm là phải kiên định mục tiêu, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện hài hòa, thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại buổi họp báo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại buổi họp báo.

Trên tinh thần này, Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ, dành mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa ưu tiên phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo và cập nhật kịch bản tăng trưởng. Điều hành linh hoạt, hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong đó, Chính phủ đề nghị tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, tiết giảm tối đa chi thường xuyên; theo dõi sát diễn biển giá cả trong nước và quốc tế, nhất là biến động giá của các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu, kịp thời đề xuất điều chỉnh các chính sách để hỗ trợ bình ổn giá cả, nhất là chính sách thuế xuất, nhập khẩu.

Cùng với đó là chú trọng đạ dạng hoá thị trường xuất khẩu, tích cực tìm kiếm thị trường mới; khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA; bảo đảm mục tiêu cán cân thương mại hài hòa, bền vững. Đồng thời, tăng cường phòng chống gian lận xuất xứ; có biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp; theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn...

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin những nội dung nổi bật của Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin những nội dung nổi bật của Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thông tin những nội dung nổi bật của Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành chiều cùng ngày.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Nghị quyết số 68/NQ-CP đề ra 12 nhóm chính sách để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, bao gồm: chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; Hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19; Hỗ trợ một lần với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; chính sách hỗ trợ lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác.

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo đã giải đáp các câu hỏi của báo chí nêu liên quan đến các kịch bản tăng trưởng; chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP vừa ban hành; công tác hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh phòng chống dịch...