Doanh nghiệp, người dân mới là chìa khóa quyết định tăng trưởng tín dụng

Tuấn Thủy

Lãi suất cho vay giảm chỉ là điều kiện cần để đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế; sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp, người dân mới là điều kiện đủ để vực dậy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo TS. Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam, sau 4 lần giảm liên tiếp lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân phát sinh mới ngoài thị trường đã giảm 1%/năm so với cuối năm 2022. Việc giảm lãi suất là thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân và cũng là biện pháp để kích thích cầu tín dụng qua giảm hình thức giảm "giá".

Tỷ trọng tín dụng cho nền kinh tế phân theo ngành nghề vào thời điểm T5/2023 (%). Nguồn: SBV, Economica Việt Nam
Tỷ trọng tín dụng cho nền kinh tế phân theo ngành nghề vào thời điểm T5/2023 (%). Nguồn: SBV, Economica Việt Nam

Tuy nhiên, TS. Lê Duy Bình cho rằng, giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Chìa khóa thứ hai do chính các doanh nghiệp và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của chính các doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn của người dân.

Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp và người dân có vay được vốn hay không và từ đó, tín dụng có tăng trưởng được hay không còn do chính các doanh nghiệp và người dân quyết định trên các nguyên tắc thương mại bình đẳng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, người dân.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp do cầu tín dụng giảm khi động lực đầu tư, xuất khẩu suy yếu. Tiêu dùng cuối cùng của người dân vẫn tăng nhưng tốc độ tăng đã chậm lại.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, đầu tư công tăng mạnh, qua đó phần nào hỗ trợ cho ngành Xây dựng và từ đó cũng hỗ trợ cho mức tăng trưởng tín dụng cho Ngành này ở mức 5,39%, cao hơn mức 3,97% vào cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự hồi phục của ngành Xây dựng còn có thể mạnh mẽ hơn nếu như có sự khởi sắc trở lại của thị trường nhà ở, nhà cho thuê.

Cho tới nay, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án) khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung.

“Lãi suất cho vay giảm nhưng cũng cần đi kèm với năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp được cải thiện, đơn hàng của doanh nghiệp gia tăng, cơ hội thị trường, cơ hội kinh doanh, đầu tư xuất hiện nhiều hơn, đa dạng hơn, hay các yếu tố khác ví dụ như nguồn cung của thị trường nhà ở, dịch vụ nhà ở được cải thiện”, TS. Lê Duy Bình chia sẻ.