Bạc Liêu:

Đồng hành và vượt khó cùng doanh nghiệp xuất khẩu

Theo Kim Trung/ Báo Bạc Liêu

So với cùng kỳ năm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Thế nhưng, với sự điều hành linh hoạt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các doanh nghiệp nên tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7/2021 đạt trên 64 triệu USD, nâng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đạt hơn 407 triệu USD và tăng 9,4% so với cùng kỳ.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu. Ảnh: K.T
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu. Ảnh: K.T

Doanh nghiệp tự vượt khó

Trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội, nhưng sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu đã thể hiện quyết tâm rất lớn của các doanh nghiệp và chủ yếu tập trung ở mặt hàng tôm đông với trên 396 triệu USD. Qua đó cho thấy, tình hình xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong 7 tháng của năm 2021 vẫn tăng so với cùng kỳ, nhưng chủ yếu tập trung vào mặt hàng thủy sản xuất khẩu.

Nguyên nhân xuất khẩu giữ vững tăng trưởng, do hiện nay dịch bệnh COVID-19 ở nhiều nước đã có vắc-xin tiêm ngừa. Tình hình dịch bệnh trong, ngoài tỉnh và một số nước nhập khẩu lớn trên thế giới đang được kiểm soát. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh vẫn duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống để tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu như: Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Đông và tiếp tục sẽ mở rộng thêm các thị trường mới từ Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do) mang lại… Đặc biệt là với tinh thần thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, nên tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục duy trì và tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Đặc biệt, trong tháng 7 và đầu tháng 8/2021 này, nhiều tỉnh, thành phải tập trung thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, để sản phẩm của nông dân có đầu ra, các doanh nghiệp phải giúp nông dân tiêu thụ tôm. Tuy nhiên, với việc hạn chế lao động làm việc và chỉ dừng ở con số 300 lao động/nhà máy đã dẫn đến tình trạng tôm nguyên liệu thu mua vào nhiều, nhưng lại thiếu công nhân phục vụ cho chế biến. Nhằm giải quyết khó khăn này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã cho cấp đông nguồn nguyên liệu, khi nào cần chế biến thì lại rã đông.

Giải pháp mang tính “tình thế” này đã làm cho chi phí phát sinh thêm từ 600 - 800 đồng/kg tôm. Trong khi đó, hàng tái chế lại sẽ giảm đi từ 3 - 5% giá trị về chất lượng, làm ảnh hưởng đến giá bán và lợi nhuận của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, do hàng chế biến nhiều nhưng xuất chậm cũng làm phát sinh thêm nhiều chi phí về kho lạnh, dòng tiền và cả chi phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch, xét nghiệm và test nhanh cho công nhân…

Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp

Theo dự báo của ngành Nông nghiệp, việc tiêu thụ hàng nông - thủy sản trong thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn và cần có ngay các giải pháp đồng hành từ các doanh nghiệp, địa phương. Như vụ lúa hè thu, từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9/2021 là giai đoạn thu hoạch và ước tính tổng sản lượng cung cấp ra thị trường hơn 330.000 tấn.

Tuy nhiên, với việc thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế thương lái vào tỉnh cũng gây khó khăn cho việc giúp nông dân tiêu thụ và thu hoạch. Bởi phần lớn việc thu hoạch và bao tiêu lúa của nông dân lâu nay đều nhờ vào các thương lái ngoài tỉnh. Do vậy, huyện Vĩnh Lợi đã chủ động các phương án và thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch cho đội ngũ thương lái và các dịch vụ máy cắt bằng việc cho test COVID-19 đảm bảo mới cho nhập tỉnh. Đồng thời khuyến khích các thương lái, dịch vụ này ở lại địa phương giúp nông dân thu hoạch, tiêu thụ lúa gạo và sẵn sàng xây dựng các khu cách ly để họ an tâm ở lại địa phương.

Mặt khác, một số ngân hàng cũng ban hành các chính sách hỗ trợ để đảm bảo cho xuất khẩu hàng hóa được duy trì và góp phần giữ vững tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Điển hình như Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu (Eximbank Bạc Liêu; mã CK: EIB). Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, Eximbank Bạc Liêu đã tăng cường đầu tư vốn, tăng hạn mức tín dụng và thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay cho các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn.

Theo đó, đối với các khoản vay mới, Eximbank Bạc Liêu sẽ tập trung hỗ trợ lãi suất cho vay và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đơn cử như cho vay USD hiện nay chỉ còn 1,6%/năm, giảm hơn 2% so với cùng kỳ; hay vay Việt Nam đồng chỉ còn 5,1%/năm. Hiện tổng dư nợ cho vay của Eximbank Bạc Liêu đạt hơn 820 tỷ đồng.

Với việc đồng hành, chia khó của các doanh nghiệp, địa phương và sự điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hứa hẹn ngành xuất khẩu của tỉnh năm nay sẽ giữ vững mục tiêu tăng trưởng, tiếp tục đóng góp quan trọng và bù đắp vào những khoản thiếu hụt từ thị trường tiêu thụ nội địa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.