Dòng tiền lưỡng lự khiến thị trường chưa thể bật tăng

Minh Lâm

Ngày giao dịch đầu tiên của tháng 10 (2/10), thị trường đã có nỗ lực tăng điểm nhưng dòng tiền thận trọng và thăm dò khiến VN-Index lùi bước, thu hẹp đà tăng chỉ còn hơn 1 điểm.

Lấy lại sắc xanh trong phiên sáng 2/10, lực cầu tuy xuất hiện thưa thớt nhưng cũng đã giúp cho VN-Index có được sự phục hồi với gần 300 mã tăng điểm.

Nổi bật nhất là nhóm Thủy sản với nhiều cổ phiếu tăng trần như ANV, FMC. Bên cạnh đó, ngành Hóa chất cũng thu hút được lực cầu tốt với mức tăng xấp xỉ 1,5%.

Thị trường giao dịch cầm chừng và có phần ảm đạm khi thanh khoản yếu nhất kể từ tháng 5/2023.
Thị trường giao dịch cầm chừng và có phần ảm đạm khi thanh khoản yếu nhất kể từ tháng 5/2023.

Tính đến hết phiên sáng, thanh khoản mua chủ động chiếm đến gần 75,5% tổng thanh khoản thị trường. Tuy nhiên, tổng thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh nên chưa thể khẳng định thị trường đã lấy lại được điểm cân bằng.

Áp lực bán dần xuất hiện trở lại trong phiên chiều khiến cho VN-Index không thể duy trì được sắc xanh, đảo chiều giảm điểm về quanh mốc tham chiếu.

Giao dịch cầm chừng và thiếu động lực đi lên, VN-Index đóng cửa khi các chỉ số gần như đi ngang, chỉ tăng 1,1 điểm so với phiên trước, tương ứng tăng 0,1% lên 1.155,3 điểm. 

Mức tăng "yếu ớt" này là nhờ nỗ lực của GVR (+4,6%), VNM (+1,9%), VRE (+2,9%), MSN (+1,4%). Cổ phiếu VRE không giữ được mức cao nhất trong ngày nhưng vẫn tăng khá tốt gần 3% sau khi có thông tin có thể lọt rổ VN-Diamond trong kỳ cơ cấu tháng 10/2023.

Nhóm Ngân hàng có các mã giảm đáng kể là nguyên nhân khiến chỉ số VN-Index và VN30 tăng thấp hơn phần còn lại, trong đó TPB dẫn đầu khi để mất 2%, nhưng tác động mạnh nhất tới chỉ số chung là VCB giảm 1,1%, TCB giảm 1,5%, HDB giảm 1,4%. CTG có lúc giảm khá mạnh nhưng đóng cửa về mức sát tham chiếu.

Với trạng thái lưỡng lự của thị trường, diễn biến phân hóa vẫn khá rõ nét với nhiều cổ phiếu tăng giảm xen kẽ. Nhóm Thủy sản, nhóm Hóa chất, nhóm Xây dựng – Vật liệu xây dựng, nhóm Dệt may... là những nhóm có diễn biến nổi trội trong phiên.

Trong đó, nhóm Thủy sản, Hóa chất là nhóm dẫn dắt chiều phục hồi với nhiều mã tăng mạnh cụ thể: ANV (+6,94%), FMC (+6,91%), CMX (+5,91%), DCM (+3,05%), DPM (+2,44%)… Bên cạnh đó, nhóm đầu tư xây dựng cũng có phản ứng tích cực như: FCN (+4,45%), HHV (+4,76%),

Trước diễn biến chưa rõ xu hướng của thị trường, khối ngoại quay trở lại mua ròng với giá trị hơn 176 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó, tập trung mua ở các mã: SSI (+83 tỷ đồng), DXG (+50 tỷ đồng), DGC (+44 tỷ đồng), VRE (+40 tỷ đồng)… Ngược lại, bán ở các mã: VPB (-33 tỷ đồng), VIC (-22 tỷ đồng), VCI (-17 tỷ đồng),…

Thanh khoản thị trường tiếp tục suy yếu xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5/2023. Cụ thể, khối lượng giao dịch của VN-Index chỉ đạt 518 triệu đơn vị, với giá trị vỏn vẹn 11.505 tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch chỉ đạt 71 triệu đơn vị, tương đương 1,4 nghìn tỷ đồng.

Thanh khoản giảm mạnh cho thấy trạng thái thăm dò cung cầu vẫn chưa rõ kết quả. Tuy nhiên, áp lực cung cũng có chiều hướng giảm sau 3 phiên lưỡng lự. Tín hiệu này có thể giúp thị trường nới rộng nhịp hồi phục nhưng mức độ hồi phục sẽ hạn chế và tùy thuộc vào trạng thái dòng tiền hỗ trợ. Nếu dòng tiền hỗ trợ vẫn còn thấp thì rủi ro suy yếu trở lại sau nhịp hồi phục vẫn còn hiện hữu.