Gần 16.000 vụ việc vi phạm bị lực lượng Hải quan triệt phá

Trần Huyền

Năm 2023, nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, phức tạp của các đối tượng buôn lậu đã bị cơ quan hải quan phát hiện, bắt giữ trên các tuyến, địa bàn. Gần 16.000 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa ước tính gần 12.500 tỷ đồng đã bị triệt phá.

Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa thông quan. Ảnh: internet
Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa thông quan. Ảnh: internet

Chặn đứng buôn lậu trên tất cả các tuyến, địa bàn

Theo Tổng cục Hải quan, từ thực tiễn phát hiện, bắt giữ một số vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cho thấy, mặc dù số lượng vụ việc bị bắt giữ có chiều hướng giảm, tuy nhiên số lượng, trị giá tang vật có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh phương thức, thủ đoạn các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, trị giá hàng hóa..., xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, phức tạp đã bị cơ quan hải quan phát hiện, bắt giữ trên các tuyến, địa bàn.

Năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 15.966 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, giảm 9,7 % so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 12.475 tỷ đồng, tăng 42,6 % so với cùng kỳ năm 2022. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 40 vụ, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022 và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 186 vụ, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 497 tỷ đồng, tăng 8,25% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, trên tuyến đường bộ, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 9.430 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 9.422 tỷ đồng. Phương thức, thủ đoạn các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như: lợi dụng chính sách phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa đối với luồng xanh để nhập, xuất hàng cấm, hàng có điều kiện; hàng hoá vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm; đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập; chuyển giá, xuất khống để hoàn thuế giá trị gia tăng, giả mạo chứng từ, hồ sơ hải quan…

Trên tuyến đường biển, cơ quan hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 5.287 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.446 tỷ đồng. Đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tập trung vào các mặt hàng có lợi nhuận cao như: xăng dầu, than, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, phế liệu, hàng đông lạnh, gia cầm... Đặc biệt, đối với mặt hàng động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES, trong năm 2023, cơ quan hải quan đã phát hiện bắt giữ 20 vụ việc, tang vật bao gồm 8,3 tấn ngà voi, 37 kg sừng tê giác, 51m3 gỗ, các sản phẩm như xương, thịt của động vật.

Bên cạnh tuyến đường bộ, đường biển, tuyến hàng không cũng xảy ra nhiều vụ buôn lậu lớn. Riêng trên tuyến này, cơ quan hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.249 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 607 tỷ đồng. Các đối tượng đã lợi dụng quy định về định mức miễn thuế của hành khách xuất nhập cảnh, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hoá, hành lý… để móc nối, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua các cảng hàng không quốc tế như ma túy, vũ khí, chất nổ, động vật hoang dã quý hiếm, các loại hàng hoá khác có trị giá cao…

Trước tình hình này, cơ quan hải quan đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và bắt giữ được nhiều vụ việc vi phạm. Điển hình, phải kể đến vụ việc ngày 05/01/2023, tại sân bay quốc tế Nội Bài, cơ quan hải quan đã kiểm tra, hành lý của một hành khách trên chuyến bay khởi hành từ sân bay quốc tế Nội Bài đi Incheon (Hàn Quốc) bắt giữ tang vật vi phạm gồm 86.300.000 won tương đương 1,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng khởi tố vụ án hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đối với vụ việc một số đối tượng lợi dụng chuyến bay giải cứu vận chuyển trái phép hàng hóa (rượu, thuốc lá, trị giá 9,2 tỷ đồng) liên quan đến chuyến bay QH9195 từ Nga về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh,...

Chủ động ngăn chặn tội phạm buôn lậu

Để từng bước ngăn chặn và chủ động phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong năm 2024, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị hải quan bám sát và thực hiện quyết liệt các chỉ đạo, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, công tác phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm.

Đồng thời, phát huy vai trò cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, cảnh báo trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; phòng, chống ma túy, phòng chống tội phạm.

Trong năm 2024, ngành Hải quan tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại như: Kế hoạch kiểm soát hải quan năm 2024, Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa và Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các cảng hàng không quốc tế...

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản, chính sách trong lĩnh vực hải quan nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong quy trình, thủ tục hải quan mà các đối tượng buôn lậu lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại.

Tổng cục Hải quan cho biết sẽ tiếp tục hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan như: đầu tư, mua sắm trang thiết bị như hệ thống máy soi container, máy soi hành lý, camera giám sát, thiết bị phát hiện nhanh ma túy, seal điện tử... phục vụ cho công tác giám sát trực tuyến, soi chiếu, phân tích hình ảnh để kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, đảm bảo vừa tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại vừa phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ, ma túy qua địa bàn hoạt động hải quan.

Ngoài ra, toàn Ngành tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài nước trong việc xây dựng các phương án, kế hoạch điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại mại và hàng giả trong lĩnh vực hải quan.