Gần 500.000 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm về đâu sau khi đáo hạn trong nửa cuối năm?

Minh Lâm

Lãi suất giảm sâu trong khi bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, dòng tiền thông minh sẽ tìm kiếm kênh đầu tư khác có lợi nhuận cao hơn như cổ phiếu.

Lãi suất giảm sâu tác động quyết định đầu tư

Khảo sát qua website của các ngân hàng cho thấy, hiện mặt bằng lãi suất ngân hàng đang ở mức khá thấp.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đưa lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn về dưới 6%/năm, gồm: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, SeABank, Eximbank, ACB, Techcombank, VPBank, GPBank, và ABBank… Chỉ còn số ít ngân hàng có lãi suất huy động 7%/năm đối với một số kỳ hạn tiền gửi online như: HDBank, CBBank, NamA Bank…

Theo ông Michael Kokalari - Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, năm 2022 lãi suất tiền gửi ngân hàng hấp dẫn đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu và gửi tiền vào ngân hàng, trong đó, nhiều người đã chọn gửi tiền kỳ hạn 6 tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, các khoản tiền gửi với kỳ hạn 6 tháng đó đã đến thời gian đáo hạn, lãi suất đã giảm xuống và điều này đang thu hút các nhà đầu tư rót tiền vào thị trường chứng khoán.

Số liệu của Công ty Chứng khoán Yuanta (Yuanta Việt Nam) cho thấy, trong quý IV/2022, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng mạnh (tăng 6,4% so với quý trước) đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất vào tháng 10/2022 và phần lớn tiền gửi trong giai đoạn này là tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Các chuyên gia phân tích của Yuanta ước tính, khoản tiền gửi trị giá khoảng 496.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12/2023 và có khả năng sẽ chảy vào cổ phiếu nhiều hơn trong nửa cuối năm 2023.

“Chúng tôi không cho rằng, tất cả các khoản tiền gửi đáo hạn sẽ chuyển hướng sang thị trường chứng khoán; tuy nhiên, giả sử rằng nếu 10% số tiền gửi đó chảy vào thị trường chứng khoán thì sẽ tương đương với 49.000 tỷ đồng”, báo cáo viết.

Kênh đầu tư cổ phiếu đang hấp dẫn hơn cả

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán VPS cũng nhận định, kênh cổ phiếu đang hấp dẫn hơn cả so với các kênh khác.

Tình hình kinh tế còn khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp chưa thật sự hồi phục. Do đó, thị trường chứng kiến dòng tiền tìm tới kênh tăng trưởng tốt hơn, nhất là chứng khoán. Diễn biến này là bình thường khi thị trường chứng khoán luôn phản ánh, đi trước nền kinh tế một bước.

“Các thị trường chứng khoán như Mỹ, Nhật Bản… và một số thị trường khác đều có đà tăng tích cực. Việt Nam cũng thế, sẽ không nằm ngoài xu hướng này”, ông Khánh nhận định.

Chuyên gia Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích CTCP chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, chứng khoán là kênh được hưởng lợi ngay khi lãi suất giảm. Khi tiền gửi tiết kiệm bớt hấp dẫn, sẽ có sự dịch chuyển sang kênh khác.

Thực tế, thị trường chứng khoán đã ghi nhận nhiều kết quả tăng trưởng tốt trong những tháng gần đây.

Thực tế cho thất, tính đến ngày 31/8/2023, chỉ số VN-Index đạt 1224,05 điểm, tăng 0,1% so với cuối tháng trước và tăng 21,5% so với cuối năm 2022. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 249,75 điểm, tăng 4,3% so với cuối tháng trước và tăng 21,6% so với cuối năm 2022. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 31/8/2023 đạt 6.294 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4% so với cuối năm 2022, tương đương 66,2% GDP ước tính năm 2022.

Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, lượng tài khoản mở mới trong tháng 8/2023 ghi nhận hơn 150.000 tài khoản chứng khoán mở mới. Điều này cho thấy, kênh chứng khoán đang nhận được sự quan tâm trở lại của giới đầu tư.

Trước đó, thị trường đón thêm 150.619 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 7, mức cao nhất trong vòng 11 tháng. Riêng số tài khoản cá nhân trong nước mở mới đạt 150.351 tài khoản.

Trong khi đó, sự cải thiện của thanh khoản cũng là minh chứng cho dòng tiền đang tìm lại kênh đầu tư cổ phiếu. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 8 tăng trưởng với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt gần 995 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 22.071 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 13,64% về khối lượng và 20,81% về giá trị giao dịch bình quân phiên so với tháng 7/2023.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thanh khoản trên thị trường cổ phiếu niêm yết tháng 8 cũng đồng thời tăng so với tháng trước. Với 23 phiên giao dịch được thực hiện trong tháng 8/2023, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 124 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 2.191 tỷ đồng/phiên, tăng 15,05% về khối lượng giao dịch và tăng 26,3% về giá trị giao dịch so với tháng trước. Giá trị vốn hóa thị trường tại phiên giao dịch cuối tháng 8 đạt 305,79 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% so với cuối tháng trước.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, tại thời điểm cuối quý II/2023, dòng vốn vào thị trường chứng khoán đã xuất hiện tín hiệu tích cực. Tổng lượng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư (bao gồm 30 công ty chứng khoán lớn nhất về tổng tài sản) đạt khoảng 61.000 tỷ đồng, giảm 36% so với mức đỉnh cuối quý I/2022, nhưng tăng nhẹ 3,2% so với quý trước và con số này tiếp tục tăng trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua.