Giải pháp áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam

PV.

Trong 02 ngày từ 07/7-08/7/2022 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo tập huấn "Áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam". Hội thảo tập trung đánh giá tổng quan về Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) ở Việt Nam, các khung khổ pháp luật, chính sách đối với kinh doanh tuần hoàn; vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển KTTH, đồng thời chỉ ra những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam…

Toàn cảnh Hội thảo "Áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam"
Toàn cảnh Hội thảo "Áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam"

Các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam cho thấy, phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn đang trở thành một trong những giải pháp quan trọng để phát triển bền vững nền kinh tế. Đảng và Nhà nước đã có các chủ trương, chính sách và quy định về KTTH như tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và văn bản hướng dẫn thi hành, Đề án Phát triển KTTH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 6/2022…

Tuy nhiên, theo đánh giá từ các học giả, nhà nghiên cứu, cộng đồng kinh doanh…, khung pháp luật và chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ đối với phát triển KTTH, đặc biệt là phát triển các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa cụ thể. Điều này đã trở thành rào cản đối với việc phát triển KTTH nói chung và mô hình kinh doanh tuần hoàn nói riêng.

Hầu hết các diễn gia tham gia Hội thảo là các doanh nghiệp đều đồng ý rằng, Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế/kinh doanh tuần hoàn; có quy định riêng về KTTH; Các bộ, ngành và địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động thực hiện KTTH; Lồng ghép các tiêu chí thực hiện cụ thể; tổ chức áp dụng thí điểm mô hình KTTH đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến thông tin, dữ liệu thực hiện KTTH và tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về phía các doanh nghiệp, cần nhận thức được rằng phát triển theo hướng kinh doanh tuần hoàn không chỉ là yêu cầu mà còn mang lại những lợi ích quan trọng trong dài hạn cho chính doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu các quy định, chính sách của Nhà nước đối với KTTH để có chiến lược phù hợp nhằm tiếp cận và áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn theo yêu cầu và trên cơ sở điều kiện và khả năng của doanh nghiệp.

Kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt là những kinh nghiệm được chia sẻ từ các diễn giả đại diện cho các doanh nghiệp tại Hội thảo sẽ rất hữu ích đối với nhiều doanh nghiệp trong việc định hướng, có kế hoạch cụ thể để xây dựng thành công mô hình kinh doanh trong nền KTTH, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, nông nghiệp và xây dựng.

Chính phủ đã đưa ra mục tiêu về giảm phát thải các bon, đồng thời đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 1658/QĐ-TTg) và gần đây là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.… Điều đó cho thấy sự quan tâm lớn của Chính phủ đối với KTTH cũng như kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam.