Giải phóng mặt bằng đi trước một bước sẽ đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Trần Huyền

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để tháo gỡ vướng mắc trong triển khai dự án, giải ngân vốn đầu tư công, cần tập trung gỡ vướng, sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này; đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong khâu chuẩn bị đầu tư, tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên để chuẩn bị đầu tư...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Nêu ý kiến chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre bày tỏ lo ngại về vấn đề lãng phí trong đầu tư công. Làm rõ nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, qua nghiên cứu định mức xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành đối với công trình giao thông và gói thầu công trình kiến trúc cho thấy, không có gói thầu lãng phí mà thậm chí nhiều định mức đang còn thấp so với chi phí thực tế. "Chẳng hạn, gói thầu nhân công cao nhất của định mức là 300.000 đồng nhưng thực tế phải thuê nhân công với chi phí là 500.000 đồng/ngày", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc ví dụ.

Theo Bộ trưởng, nhiều định mức hiện nay đã rất thấp, vì vậy việc lãng phí của đầu tư công không phải nằm ở vấn đề định mức mà nằm ở quá trình triển khai như: Rút bớt khối lượng, chất lượng trong thi công; kéo dài triển khai công trình, không đưa vào sản xuất, sử dụng hay vốn chờ công trình... gây lãng phí. Các định mức đối với công trình xây dựng cơ bản được triển khai nhiều năm, qua nhiều công trình đều bảo đảm chặt chẽ.

Cũng đề cập đến dự án đầu tư công, đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng đặt vấn đề, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật chuyên ngành có những quy định về việc sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy. 

Tuy vậy, tại Luật Đầu tư công, có nội dung quy định về tính chất của dự án đầu tư công dẫn tới cách hiểu, cho rằng toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp… đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công. 

Trao đổi về nội dung trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, hiện nay còn những vướng mắc trong triển khai thực hiện do chưa hiểu đầy đủ, thống nhất về chi thường xuyên, chi đầu tư.

Bộ trưởng khẳng định, cơ quan quản lý đã nghiên cứu rất kỹ Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Luật Đầu tư công bắt đầu ban hành từ năm 2014 đã quy định toàn bộ các hoạt động trong đầu tư công như: sửa chữa, nâng cấp, mở rộng... đối với toàn bộ tài sản công không phân biệt giá trị. Do đó, "đương nhiên khi chúng ta thực hiện phải bị điều chỉnh bởi Luật Đầu tư công", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, Luật Đầu tư công quy định các khoản chi về đầu tư, nếu không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm thì không được chi. Kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm cũng phải phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn, nếu không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là vi phạm quy định. Vì vậy, kinh phí làm quy hoạch, chuẩn bị đầu tư hay các vấn đề như là hỗ trợ lãi suất... cũng phải thực hiện theo quy định.

"Chẳng hạn như xây dựng cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, bảo mật công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ thông tin... đều phải thực hiện theo Luật Đầu tư công", Bộ trưởng nêu. Bởi vậy, theo Bộ trưởng, vấn đề hiện nay là cần gỡ vướng, sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật để đảm bảo cho kinh tế phát triển, để cán bộ thực hiện theo đúng quy định, không bị vướng, không sợ sai phạm.

Về vấn đề kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư hằng năm nguồn ngân sách địa phương được đại biểu Hà Đức Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai nêu, Bộ trưởng cho biết, Luật Đầu tư công đã quy định thẩm quyền để xây dựng cũng như quyết toán đầu tư công. Đối với ngân sách trung ương thì giao cho Chính phủ; đối với địa phương thì giao cho Hội đồng Nhân dân, nếu chuyển từ Hội đồng Nhân dân về Ủy ban Nhân dân thì phải sửa đổi Luật Đầu tư công. Do đó, Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của Đại biểu và khi đề xuất sửa Luật Đầu tư công sẽ kiến nghị với cơ quan chủ trì soạn thảo, Chính phủ, Quốc hội xem xét.

Trả lời chất vấn về tháo gỡ khó khăn cho giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong thủ tục chuẩn bị đầu tư: Chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, hồ sơ mời thầu, đấu thầu, giải phóng mặt bằng... Đây là những khâu kéo dài nhất làm chậm giải ngân vốn đầu tư công, ứ đọng ngân sách, gây lãng phí. Do đó, phải rút ngắn thời gian khâu chuẩn bị đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính khâu này.

Bộ trưởng cũng cho rằng, nên tách khâu giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án và xem như dự án độc lập bởi khâu này triển khai rất lâu, nhiều thủ tục. "Nếu giải phóng mặt bằng đi trước một bước thì chúng ta sẽ tiến hành giải ngân nhanh hơn", Bộ trưởng nêu.

Một giải pháp khác được Bộ trưởng đề cập là không nên ràng buộc quy định về chi chuẩn bị đầu tư bằng nguồn chi đầu tư mà có thể cho phép dùng nguồn chi thường xuyên để trao quyền cho chính quyền địa phương lập dự án đầu tư cần thiết, sau khi có đầy đủ dự án đầu tư sẽ bố trí vốn đầu tư công, như vậy, sẽ triển khai dự án nhanh hơn.