Hải quan thế giới định hướng hoạt động 20 – 30 năm tới

Theo customs.gov.vn

​Theo thông tin từ thủ đô Brussels, Bỉ, trong tháng 3/2015 đã diễn ra phiên họp Ủy ban Kỹ thuật thường trực lần thứ 207/208 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để chuẩn bị nội dung cho Phiên họp Hội đồng của các Tổng cục trưởng Hải quan các nước vào tháng 6/2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các phiên họp trên đã tập trung thảo luận một số nội dung quan trọng liên quan đến: Tương lai của Hải quan; quản lý dây chuyền cung ứng tích hợp; quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả hoạt động và thương mại điện tử…

Để chuẩn bị cho Dự thảo nội dung kế hoạch phát triển hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2030, ngay từ bây giờ chúng ta phải bắt tay vào nghiên cứu, triển khai những vấn đề vừa mang tính toàn cầu, khu vực, vừa tác động trực tiếp đến lợi ích, sự phát triển của mỗi quốc gia thành viên WCO, trong đó có Việt Nam nói chung và Hải quan Việt Nam nói riêng. Trên cơ sở báo cáo tại phiên họp nêu trên tại WCO, chúng ta cùng nghiên cứu các nội dung của phiên họp đưa ra và có kiến nghị thực hiện trong thời gian tới.

Về tương lai của Hải quan

Ban Thư ký WCO và dưới sự chủ trì của Giáo sư Hans-Michael Wolffgang, Khoa Hải quan và Thuế gián thu, Đại học Münster, Đức đã giới thiệu tóm tắt về cơ hội và thách thức ảnh hưởng đến hoạt động của hải quan và khởi động phiên thảo luận về vai trò và trách nhiệm của hải quan trong tương lai 20-30 năm tới.

Đại diện Hải quan Canada nêu một số yếu tố được cho là gắn với tương lai của hải quan, như việc các mô hình kinh tế mới, toàn cầu hóa, Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại cũng như các hình thức bảo hộ mới... Trong tương lai, mặc dù vai trò của WCO vẫn tiếp tục đưa ra các chuẩn mực, tuy nhiên về hình thức thì e-WCO có thể cho phép các đại biểu các nước cùng làm việc online từ nước mình.

Dịch vụ khách hàng và Tạo thuận lợi thương mại là hai vấn đề đều đã được hiểu rõ và đang là định hướng chính cho hoạt động của hải quan ngày nay. Với việc phải xử lý khối lượng kim ngạch lớn trong điều kiện hạn chế về nguồn lực, cán bộ hải quan cần phải có nhiều kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ của mình, đặc biệt cần được trang bị kiến thức về lập kế hoạch, quản lý sự thay đổi. Do đó cơ quan hải quan cần phối hợp chặt chẽ với các trường đại học và khu vực tư nhân để bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kinh nghiệm.

Đại diện của khu vực tư nhân cho rằng theo kinh nghiệm làm việc trên toàn cầu thì hiện nay có xu hướng xây dựng các nhà máy sản xuất gần với các thành phố đang phát triển. Việc trao đổi phần mềm qua biên giới để sản xuất hàng hóa trong nội địa đang là xu hướng phố biến, vậy vai trò của hải quan trong vấn đề này như thế nào cần phải được nghiên cứu thêm. Cơ chế một cửa (Single Window) là chủ đề vẫn còn nóng trong những năm tới.

Đại diện từ Hải quan Nam Phi nhấn mạnh yêu cầu đối với các cơ quan hải quan các nước là cần tiếp tục hiện đại hóa với các chuẩn mực của WCO. Theo kinh nghiệm triển khai của các nước, ngoài yêu cầu về quyết tâm chính trị của lãnh đạo, có 5 yếu tố quan trọng đó là: 1. Sự chủ động thiết lập quan hệ đối tác với khu vực tư nhân, cùng sáng tạo (co-creation) là một mô hình rất hữu ích; 2. Công nghệ thông tin; 3. Hợp tác và tin tưởng lẫn nhau giữa các cơ quan Hải quan; 4. Hợp tác quản lý biên giới; 5. Thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại.

Đại diện bộ phận Nghiên cứu và Chiến lược của WCO cho rằng một số yếu tố tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với Hải quan trong tương lai, đó là : 1. Kim ngạch thương mại quốc tế giảm nhẹ trong thời gian gần đây; 2. Hội nhập khu vực ngày một quan trọng hơn; 3. Gia tăng mạnh về thương mại điện tử qua biên giới; 4. Giá dầu giảm trong 6 tháng qua dẫn tới giảm chi phí vận tải và có thể tạo nên một động lực mới; 5. Nạn dịch Ebola; 6. Thương mại phi chính thức… Đại diện này cũng cho rằng hải quan có thể sẽ tiếp tục theo hướng là cơ quan thu thuế và chống thương mại bất hợp pháp. Do đó, có dấu hiệu cho thấy có sự gia tăng tập trung liên quan tới kiểm soát hành khách và kiểm soát thuế.

Ủy ban Kỹ thuật thường trực (PTC) của WCO đã đưa ra kết luận rằng khó có thể dự đoán chính xác tương lai của Hải quan trong 15 hoặc 30 năm tới, tuy nhiên chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng trước sự thay đổi nhanh chóng trong thời đại ngày nay và trong tương lai. Hải quan cần liên tục điều chỉnh và hoàn thiện để đa dạng hóa chức năng và làm chủ sự thay đổi. Quan hệ đối tác với các cơ quan Chính phủ khác, hợp tác với cơ quan Hải quan các nước và hợp tác với khu vực tư nhân được coi là chìa khóa của sự thành công.

Cùng sáng tạo sẽ là yếu tố quan trọng để tối ưu hóa lợi ích của các bên trong mối quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp. Tương lai của Hải quan vẫn tiếp tục là thúc đẩy tuân thủ và tạo thuận lợi cho thương mại với sự hỗ trợ tối đa của công nghệ tự động hóa. Hợp tác về đào tạo sẽ đóng vai trò then chốt nhằm giúp cho cơ quan Hải quan đạt được mục tiêu hiện đại hóa, kiểm soát hiệu quả và tạo thuận lợi cho thương mại.

Đồng thời, các ý kiến đều cho rằng vai trò của hải quan vẫn giữ vị trí quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy sự cạnh tranh kinh tế trong những năm tới, đặc biệt từ thời điểm kết thúc đàm phán TFA. Sự hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân, học hỏi từ quy trình sản xuất, kinh doanh của họ sẽ đem lại nhiều lợi ích cho hải quan. công nghệ đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của hải quan.

Các công cụ và chuẩn mực của WCO vẫn được đánh giá cao trong tương lai, trong đó quan trọng nhất là Công ước Kyoto. Tuy nhiên một số chủ đề cần được phản ảnh hoặc cập nhật trong các công cụ và chuẩn mực của WCO như: Thương mại điện tử, kiểm soát hệ thống, thương mại phi chính thức, quản lý sự thay đổi và hợp tác với các tổ chức quốc tế khác.

Cho dù Chiến lược Hải quan trong thế kỷ 21 (C21) vẫn rất phù hợp để khởi động thảo luận về tương lai của Hải quan, nhưng C21 vẫn cần được cập nhật để định hướng tốt hơn trước một số vấn đề mới nổi lên hiện nay.

Về thương mại điện tử

Ban Thư ký WCO đã trình bày tóm tắt tài liệu về Thương mại điện tử với báo cáo nghiên cứu của Hải quan New Zealand. Đây là nghiên cứu được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu Hội đồng và Ủy ban Chính sách vào tháng 12/2013 trước sự phát triển quá mạnh mẽ của Thương mại điện tử và nguy cơ thất thu thuế của các cơ quan Hải quan.

Theo báo cáo nghiên cứu, có thể định nghĩa Thương mại điện tử trong phạm vi liên quan đến cơ quan Hải quan “Là giao dịch được thực hiện qua phương thức điện tử, đặc biệt là qua internet”. Thương mại điện tử có thể bao gồm mua bán hàng hóa vật thể và phi vật thể, tuy nhiên báo cáo này chỉ đề cập đến hàng hóa vật thể do có sự liên quan đến vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Theo một nghiên cứu mới đây của Nielson, ủy nhiệm bởi hệ thống thanh toán điện tử Paypal, xem xét thương mại điện tử giao dịch giữa các nước Hoa Kỳ, Anh, Brazil, Đức, Australia và Trung Quốc năm 2013. Tại sáu thị trường này có đến 93.7 triệu người tiêu dùng với khoảng 105 tỷ USD mua hàng hóa từ các website ở nước ngoài sử dụng máy tính để bàn hoặc điện thoại di động. Cho đến năm 2018, dự đoán số lượng người tiêu dùng sẽ tăng lên đến 130 triệu người với khoảng 307 tỷ USD dành cho mua bán qua hình thức thương mại điện tử.

Số liệu này cho thấy số thuế thất thu đối với các cơ quan Hải quan là rất lớn.Đại biểu EU cho rằng điều đáng lo ngại đối với nhiều cơ quan Hải quan là việc thất thu thuế từ các lô hàng có giá trị thấp (kể cả các lô hàng có số thuế thấp dưới hạn mức miễn thuế), điều này cũng dẫn đến tác động định hướng không chính xác đối với các nhà sản xuất và bán lẻ. EU đang cân nhắc khả năng sửa đổi luật pháp đặc biệt là các biện pháp áp dụng đối với hàng hóa bưu kiện, bưu phẩm, có thể sẽ bãi bỏ chế độ miễn thuế GTGT đối với các lô hàng có trị giá nhỏ, cũng như phát triển hệ thống One Stop Shop (hệ thống thu thuế tại chỗ).

Một đại biểu khác chia sẻ một số biện pháp mà hải quan nước mình đang làm để đối phó với thương mại điện tử, bao gồm quy định mới ban hành năm 2014 về kiểm soát thương mại điện tử qua biên giới và yêu cầu nộp các thông tin về đơn hàng, thanh toán và logistics trước khi khai báo trên tờ khai hải quan. Nhắc lại tuyên bố Baku của WCO về thương mại điện tử vào năm 2001, đại biểu này đã nhấn mạnh thêm yêu cầu cần xây dựng hoặc có thể cập nhật chiến lược/cách tiếp cận mới của WCO về thương mại điện tử để phản ánh đúng tình hình phát triển hiện nay của nó.

Ủy ban Kỹ thuật thường trực (PTC) đã kết luận: Đánh giá cao báo cáo nghiên cứu của New Zealand về thương mại điện tử cùng với các ý kiến chia sẻ của các nước về kinh nghiệm, mô hình, thách thức và giải pháp liên quan tới việc thu thuế một cách có hiệu quả đối với các lô hàng nhập khẩu có giá trị thấp. PTC cho rằng vấn đề gia tăng thương mại điện tử là một thực tế và hải quan cần phải đưa ra biện pháp để tạo thuận lợi, thu thuế một cách hiệu quả, đồng thời vẫn đảm bảo an ninh chuỗi dây chuyền cung ứng và bảo vệ người tiêu dùng, xã hội. PTC cho rằng WCO nên tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này để thảo luận trong phiên họp tới, đồng thời khuyến khích các nước tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.

Về quản lý chuỗi cung ứng tích hợp (ISCM)

Đại diện từ Hải quan Hà Lan đã trình bày và giải thích về bối cảnh ra đời hướng dẫn của WCO về Quản lý chuỗi cung ứng tích hợp (ISCM Guidelines) (vốn được ban hành từ tháng 6/2004, tuy nhiên đến nay chưa được các nước tuyên bố chính thức áp dụng).

Một số khái niệm để xây dựng nên cách thức kiểm soát hải quan tích hợp theo dây chuyền khép kín từ đầu đến cuối (end-to-end integrated supply chain management) cũng được đề cập, chẳng hạn như: Kết nối và trao đổi thông tin giữa các cơ quan Hải quan, sử dụng Tham số lô hàng duy nhất (UCR), hệ thống công nghệ thông tin và trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Tiếp đó, Hải quan Hà Lan giới thiệu một video phim tài liệu “Pushing Boundaries” (Tạm dịch: Xóa bỏ ranh giới) từ kinh nghiệm làm việc của Hải quan Hà Lan trong việc tạo ra các dòng chảy thương mại đáng tin cậy – một cách tiếp cận kiểm soát 100% rủi ro, chủ yếu dựa trên nền tảng và tình hình thực tế của DN/thương nhân, trao đổi thông tin và công nhận lẫn nhau giữa hải quan với hải quan. Trên cơ sở các nội dung thảo luận, Ủy ban kỹ thuật thường trực (PTC) đã yêu cầu các đại biểu thảo luận nhóm dựa trên 4 câu hỏi:

i) Làm thế nào để thiết lập thủ tục hải quan đơn giản và thuận lợi một cách khép kín từ khâu đầu đến khâu cuối, với cách thức áp dụng như đã chỉ ra trong hướng dẫn về ISCM với sự tham gia của đối tác là Doanh nghiệp?

ii) Làm thế nào để tăng cường kết nối và trao đổi thông tin giữa các cơ quan hải quan nhằm tích hợp kiểm soát và tạo thuận lợi cho thương mại?

iii) Làm thế nào để các yếu tố chính của hướng dẫn về Quản lý chuỗi cung ứng tích hợp (ISCM) có thể hỗ trợ hội nhập khu vực bao gồm các sáng kiến về SW trong khu vực và quản lý biên giới tích hợp?

iv) Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) và các chuẩn mực khác có đặt ra yêu cầu gì đối với việc sửa đổi/cập nhật hướng dẫn của WCO về ISCM hay không và Sách hướng dẫn về Quản lý chuỗi cung ứng tích hợp (ISCM) của WCO có thể đóng vai trò gì đối với việc thực hiện WTO TFA?

Các buổi thảo luận đã chỉ ra các yếu tố chủ chốt để phát triển dây chuyền cung ứng với đối tác được ủy quyền và thủ tục hải quan đơn giản tích hợp khép kín, bao gồm: Ý chí của lãnh đạo cùng với lợi ích các bên được xác định; hệ thống pháp luật đủ mạnh; hệ thống trao đổi thông tin tin cậy; áp dụng thông tin trước; dữ liệu đúng chuẩn; nền tảng phân tích rủi ro tốt; thống nhất về hệ thống tham số lô hàng duy nhất; hệ thống có thể giao tiếp và kết nối tốt với doanh nghiệp. Định danh thương nhân (TIN) được xác định là công cụ quan trọng trong bối cảnh tạo thuận lợi cho trao đổi qua biên giới giữa các đối tác được ủy quyền.

Nhận xét về Hướng dẫn về Quản lý chuỗi cung ứng tích hợp (ISCM) đã có những ý tưởng vượt xa so với thực tế tại thời điểm ban hành, do đó nhiều thành viên vẫn chưa thực sự hiểu hoặc vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu những thử thách và những vấn đề khi áp dụng hướng dẫn này. Tuy nhiên, cũng thừa nhận về Quản lý chuỗi cung ứng tích hợp (ISCM) chủ yếu dựa trên nền tảng của Công ước Kyoto sửa đổi và đã có một số dự án/sáng kiến thực hiện trên thế giới cho một số tuyến thương mại, do đó nó cần tiếp tục được quảng bá và phát triển bền vững.

Liên quan đến kết nối và trao đổi thông tin giữa các cơ quan Hải quan, có ý kiến cho rằng các nước thành viên đã triển khai nhiều cơ chế, chẳng hạn như Thỏa thuận hỗ trợ hành chính, Hiệp định thương mại tự do và Thỏa thuận công nhận lẫn nhau, đã hỗ trợ và tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin/dữ liệu.

Các ý kiến cũng cho rằng một số công cụ và chuẩn mực của WCO như GNC cũng có thể hỗ trợ hơn cho việc trao đổi này theo cách đúng chuẩn và hài hòa. Đồng thời sự hội nhập của Khu vực cũng sẽ hỗ trợ cho việc quản lý dây chuyền cung ứng tích hợp, và ngược lại nó sẽ tăng cường hơn các sáng kiến của khu vực như thực hiện các chương trình AEO, Single Window và Hợp tác quản lý biên giới.

PTC đã đánh giá cao tầm quan trọng của bản hướng dẫn về Quản lý chuỗi cung ứng tích hợp (ISCM) trong bối cảnh tạo thuận lợi thương mại và hội nhập khu vực được đẩy mạnh, và do đó ghi nhận nhu cầu khai thác hướng dẫn đó sẽ trở nên lớn hơn nhằm tạo lập hệ thống thủ tục hải quan đơn giản tích hợp, khép kín và từ đó tạo thuận lợi hơn cho thương mại qua biên giới. Cho rằng cần tăng cường hơn nữa việc quảng bá hướng dẫn về Quản lý chuỗi cung ứng tích hợp (ISCM) cho các nước thành viên, đồng thời ghi nhận những sáng kiến của một số nước đã hợp tác triển khai thành công phương thức quản lý này; Nhóm làm việc về SAFE của WCO có thể sẽ xem xét việc cập nhật/sửa đổi ISCM trong chu kỳ sửa đổi SAFE Framework lần tới, trong bối cảnh của Hiệp định tạo thuận lợi thương mại và các công cụ khác.

Về quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp

Ban Thư ký WCO đã yêu cầu Ủy ban Chính sách xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các nước đã hình thành mối quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp, bổ sung vào phần I đã hoàn thành. Những ý tưởng đưa ra trong hướng dẫn này chủ yếu dựa trên sáng kiến, kinh nghiệm của một số nước đã phát triển tốt quan hệ đối tác. Các ý tưởng này có thể được sử dụng một cách có chọn lọc phù hợp với tình hình thực tế của mối quan hệ đã có và tìm kiếm trong tương lai những bước phát triển mới. Ban Thư ký cũng kêu gọi các nước tiếp tục bổ sung gợi ý và ví dụ để làm cho hướng dẫn này phong phú và thiết thực hơn trước khi nó được trình lên Council vào tháng 6/2015.

Một số ý tưởng được các đại biểu đánh giá cao chia sẻ những kinh nghiệm đã triển khai như: Co-creation (cùng sáng tạo); Centre of Exellence and Expertise (Các trung tâm chuyên sâu về một lĩnh vực chuyên môn gồm cả nghiên cứu và thực thi) - sẽ xử lý thông quan cho từng loại hàng hóa như Dệt may, hóa chất, điện tử, điều này cho phép thông quan nhanh do cán bộ chuyên nghiệp hóa cao và có nhiều kinh nghiệm xử lý một loại hàng hóa.

Về tác động của quan hệ đối tác lên trao đổi thông tin thương mại (leveraging partnership for trade intelligence), một đại biểu từ khu vực tư nhân cho rằng hải quan nên cân nhắc chia sẻ thông tin thương mại, nếu có thể, với những doanh nghiệp tin cậy, để hỗ trợ họ áp dụng các biện pháp kiểm soát lên DN và nhờ đó chính DN lại hỗ trợ Hải quan trong việc quản lý tuân thủ và thực thi.

Về Nhóm quan sát chung đối với vấn đề Liêm chính, có đại biểu cho rằng ý tưởng này rất hữu ích, đồng thời có thể mở rộng thêm Nhóm quan sát và phân tích quy trình để chỉ ra những khoảng cách và trở ngại đối với thương mại qua biên giới trong quy trình thông quan…

Trong khi đánh giá cao của một số ý tưởng mới trong bản hướng dẫn, thì một số đại biểu cho rằng nên cân nhắc kỹ hai vấn đề nhằm tránh việc mâu thuẫn về quyền lợi và ưu tiên: Một là thuê chuyên gia từ khu vực tư nhân làm cho hải quan; hai là cử cán bộ hải quan làm việc một thời gian trong khu vực tư nhân. Có đại biểu gợi ý nên khai thác các ý tưởng này nhưng với một cơ chế đảm bảo tính minh bạch, theo đúng luật pháp và phải được quản lý chặt chẽ, rõ ràng.

PTC đã thông qua dự thảo Advanced Pillar của C2B partnership Guidance với một số đề xuất cân nhắc/sửa đổi như đã nói ở trên, với ghi chú rằng đây là tài liệu “sống” có thể được tiếp tục sửa đổi/cập nhật, đồng thời kêu gọi các nước gửi ví dụ minh họa cho các ý tưởng đã nêu trong bản hướng dẫn này.

Về hội nhập khu vực

Ủy ban kỹ thuật thường trực (PTC) đã thống nhất rằng WCO nên duy trì vị trí như hiện nay là nơi đưa ra các tiêu chuẩn, chuẩn mực về Hải quan và WCO sẽ tiếp tục vai trò hỗ trợ cho các dự án Hội nhập khu vực, kết nối giữa nhu cầu và nguồn lực, thúc đẩy thực hiện các công cụ và chuẩn mực, có thể là tạo ra những sản phẩm mới nhằm hỗ trợ cho việc hội nhập trong khu vực.

Ban thư ký WCO báo cáo với PTC về những công việc đã làm liên quan đến Hội nhập khu vực hoặc có những nghiên cứu về vấn đề này, ví dụ: Nghiên cứu “Tạo thuận lợi cho hàng quá cảnh hỗ trợ cạnh tranh Kinh tế và Hội nhập khu vực”; “Hải quan các nước hoạt động theo mô hình hệ thống Liên minh Hải quan”; “Tạo thuận thương mại trong các hiệp định thương mại khu vực”, Hội thảo toàn cầu với các trường Đại học dạy về Hải quan PICARD Conference 2013 về chủ đề hội nhập khu vực… Một số vấn đề quan trọng của Hội nhập khu vực như vấn đề quá cảnh, đã được tổng hợp thành sổ tay.

Nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm của các nước như triển khai hệ thống SW, hệ thống hành lang quá cảnh, đào tạo, bài tập, hải quan một điểm dừng, Hợp tác Hải quan – Hải quan, trao đổi thông tin, AEO Khu vực, hài hòa dữ liệu và hỗ trợ của WCO cho các trung tâm xây dựng năng lực. Một số nước đã đề xuất nội dung thảo luận vào tháng 6 tới: Kết nối cổng SW, Hợp tác quản lý Biên giới, quá cảnh và hành lang quá cảnh, so sánh giữa các dự án hội nhập khu vực, Hài hòa danh mục thuế, hồ sơ thương mại chung, Kết nối các Ủy ban quốc gia về Tạo thuận lợi thương mại vào cơ chế khu vực, luật pháp cho các liên minh Hải quan, các lĩnh vực chính sách khác như thuế nội địa, cơ chế thành viên của các cộng đồng kinh tế khu vực, sự khác nhau trong phương thức gia nhập RKC, chuỗi cung ứng Khép kín và quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp trong bối cảnh khu vực…

(Bài viết có sử dụng báo cáo của WCO và đại diện Hải quan Việt Nam tại WCO, tháng 6/2015)