Hàng trăm tỷ đồng tín phiếu quay lại thị trường sẽ đổ vào đâu?

Bảo Ngọc

Hệ thống ngân hàng đang “ế” hàng triệu tỷ đồng, do đó, số lượng tín phiếu đáo hạn khó có thể lưu thông ra thị trường mà có thể quay lại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua đợt phát hành tín phiếu mới.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, ngân hàng cần giải ngân một triệu tỷ đồng tín dụng.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, ngân hàng cần giải ngân một triệu tỷ đồng tín dụng.

Tính đến ngày 27/10/2023, khoảng 93.800 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn được bơm trở lại thị trường. Nếu NHNN không phát hành thêm tín phiếu, thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ thêm phần dồi dào.

Thanh khoản dồi dào không hẳn là tích cực đối với hệ thống ngân hàng, nếu không muốn nói là ngân hàng hiện đang trong tình trạng dư thừa tín dụng. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú từng chia sẻ trong một hội thảo gần đây: "Ngân hàng đang phải chữa “căn bệnh thừa tiền” .

Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với đầu năm. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,96%. Hệ thống ngân hàng đang có khoảng 6 triệu tỷ đồng nhưng khó cho vay.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2023 còn khoảng một triệu tỷ đồng tín dụng cần được giải ngân. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của năm nay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính, ngân hàng cho rằng, hệ thống ngân hàng còn cách mục tiêu khoảng hơn 7% cho 3 tháng còn lại của năm 2023, đây là một khoảng cách có rất nhiều thách thức. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn đang huy động vốn rất tốt. Theo thống kê, trong 9 tháng, huy động vốn của các ngân hàng tăng gần 6% so với đầu năm, do gửi tiết kiệm hiện được cho là kênh đầu tư an toàn nhất trong bối cảnh hiện nay.

"Dòng tiền đang bị ứ đọng từ phía các nhà băng, chưa thể khơi thông được. Bản thân các ngân hàng cũng rất muốn cho vay, không muốn “ế” tiền. Do đó, có thể NHNN sẽ tiếp tục phát hành tín phiếu để thay thế lượng đáo hạn, vừa nhằm mục đích kiểm soát tỷ giá, vừa hút bớt được lượng tiền dư thừa trong hệ thống và cũng không loại trừ khả năng sẽ có sự gia tăng về quy mô", TS. Hiếu nhận định.

Thực tế, những phiên gần đây, NHNN đã có động thái tăng cường độ hút tiền qua tín phiếu. Nếu như 9 phiên giao dịch đầu tháng 10/2023 đều ghi nhận quy mô tín phiếu phát hành không quá 10.000 tỷ đồng/phiên thì từ ngày 12/10, NHNN đã nâng lên 20.000 tỷ đồng/phiên. Đồng thời, lãi suất trúng thầu cũng duy trì ở mức cao (0,9 - 1%), cho thấy tín hiệu quyết liệt hơn của nhà điều hành trong hoạt động hút thanh khoản.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), với việc lãi suất liên ngân hàng qua đêm quay trở lại mức rất thấp, tỷ giá liên ngân hàng vẫn ở mức cao và chênh lệch lãi suất VND/USD duy trì cao kích thích hoạt động giao dịch đầu cơ gây áp lực lên tỷ giá, NHNN sẽ vẫn tiếp tục phát hành thêm tín phiếu mới để thay thế những tín phiếu đã đáo hạn.

KBSV đưa ra ba kịch bản, ứng với từng vùng tỷ giá khác nhau. Theo kịch bản thứ nhất, nếu tỷ giá USD duy trì ở khoảng 24.000 đến 24.400 đồng, NHNN có thể sẽ phát hành khối lượng tín phiếu trung bình khoảng 12.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Trong trường hợp tỷ giá vượt ngưỡng 24.500 đồng, NHNN sẽ phát hành với khối lượng trung bình 20.000 tỷ đồng/phiên đến khi tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt rõ nét hơn. Trường hợp thứ ba, nếu tỷ giá USD tiến gần mốc 25.000 đồng, KBSV không loại trừ khả năng NHNN sẽ thực hiện động thái bán USD kỳ hạn để ổn định tỷ giá.