Hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh” tồn kho tiền

Minh Anh

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng, hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp (DN) bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đang tồn kho tiền.

Việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi DN không hấp thụ được vốn, "không muốn vay".
Việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi DN không hấp thụ được vốn, "không muốn vay".

Doanh nghiệp tồn hàng, ngân hàng tồn tiền

Phát biểu tại Hội nghị giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, DN ngày 7/9, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng: Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ lại khó khăn như bây giờ. Hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các DN bị tồn kho hàng hóa, các NHTM cũng đang tồn kho tiền.

Dù NHNN cùng với toàn hệ thống ngân hàng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm đẩy kết nối ngân hàng với DN trên toàn quốc để lắng nghe ý kiến, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, thủy sản, cà phê)… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi DN không hấp thụ được vốn, "không muốn vay".

Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế cho thấy, doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.

Thời gian qua, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn đang tồn tại một số vấn đề đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.

Hiện nay, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng). Bên cạnh đó, lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Do đó, NHNN cho rằng, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển

NHNN cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, DN là rất cần thiết, để tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của DN, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế, NHNN đề xuất 4 nhóm giải pháp gồm: Kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; Phát triển các loại thị trường (trái phiếu DN, bất động sản); Nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của DN; Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, DN, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều.

Theo vị chuyên gia này, đối với tín dụng, NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ khôn khéo, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Các NHTM cần hoạt động tuân theo pháp luật và quy luật của thị trường.

Bên cạnh đó, cần tính toán, đánh giá kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ khu vực DN tư nhân trong nước, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh…

Hiến kế về điều hành tín dụng trong thời gian tới, PGS.TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc điều hành tín dụng trong trạng thái bất thường phải có những giải pháp khác thường. Theo đó, các ngân hàng cần "can đảm" tiếp cận DN bằng xu hướng, tiềm năng tương lai…, chẳng hạn như hỗ trợ tín dụng cho DN phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, trong giai đoạn hiện nay nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa để hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế đảm bảo "đủ mức, đủ độ”.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, hấp thụ vốn nền kinh tế không chỉ có kênh tín dụng, các DN không chỉ vay từ ngân hàng mà nên có nguồn lực của các nhà đầu tư. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sau những "va vấp" trong năm 2022 đã có những bước chấn chỉnh cần thiết.

“Cần tạo niềm tin đối với thị trường về ổn định tỷ giá hối đoái, ổn định lãi suất. Bản thân ngành Ngân hàng phải có trách nhiệm tạo ra sự ổn định thông qua công tác truyền thông”, TS. Trương Văn Phước nói.

Ở góc nhìn khác, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, tăng trưởng tín dụng như hiện nay là phù hợp với bức tranh chung của nền kinh tế. Lý do chính của tăng trưởng tín dụng chưa cao là do thị trường xuất khẩu giảm, nên doanh nghiệp thận trọng trong các kế hoạch đầu tư sản xuất.

Nhấn mạnh về điều hành chính sách tín dụng, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, giải pháp giảm lãi suất là quan trọng, nhưng việc giữ an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô cũng là yếu tố quan trọng không kém để thu hút các nguồn vốn nước ngoài trong thời gian tới...