Hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ


Thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ gia tăng kết nối với Bộ Công thương để nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ; tăng năng lực sản xuất, kinh doanh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.

 Nguồn: ITN
 Nguồn: ITN

Hỗ trợ các ngành, sản phẩm nhiều tiềm năng, lợi thế

Những năm qua, Nam Định đã có nhiều chính sách, chương trình để khuyến khích, tập trung nguồn lực và tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 - 2025.  

Theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, Nam Định có 2 ngành công nghiệp nằm trong danh mục có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển là ngành dệt may, cơ khí chế tạo và một số khâu trong ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Trong đó, đã có một số doanh nghiệp của tỉnh đầu tư sản xuất thành công các sản phẩm thuộc công nghiệp hỗ trợ (sợi, vải, chỉ và tơ tằm).

Cùng với các cơ chế chính sách, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng, đổi mới công nghệ và đầu tư nâng cao chất lượng thiết bị, máy móc bảo đảm đủ điều kiện sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Ông Đào Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt lụa Nam Định cho biết: Công ty hiện có 5 nhà máy với tổng công suất lên tới hàng nghìn tấn/năm. Công ty có lợi thế là sản xuất theo chuỗi cung ứng sợi - dệt - nhuộm hoàn chỉnh; đã xây dựng được thị phần vững chắc, tiêu thụ ổn định các sản phẩm vải cao cấp tại thị trường Nhật Bản trong nhiều năm.

Tuy nhiên với mục tiêu tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành dệt may, Công ty đã tập trung đầu tư, đổi mới, đưa các thiết bị hiện đại vào sản xuất theo hướng xanh hóa và sản xuất tuần hoàn. Tổng kinh phí đầu tư của Công ty trong năm 2022 đạt khoảng 40 tỷ đồng. Công ty cũng chủ động liên kết với một doanh nghiệp tại Nhật Bản sản xuất các loại vải cao cấp may áo vest theo kỹ thuật và công nghệ của đối tác với sản lượng khoảng 8.000 tấn/năm, ông Đào Văn Phương chia sẻ.

Từ hướng đi riêng bằng cách xây dựng các sản phẩm đặc thù cho các thị trường “khó tính” bậc nhất là Nhật Bản; cộng với việc đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất giúp Công ty nâng cao công suất, gia tăng chất lượng sản phẩm, Công ty đã được Tổng Công ty Đức Giang (một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành dệt may Việt Nam và là nhà sản xuất, cung cấp hàng may mặc uy tín cho nhiều khách hàng nổi tiếng trên thế giới và trong nước) và một số doanh nghiệp may nội địa đặt mua vải sản xuất đồng phục, veston. Tổng Giám đốc Đào Văn Phương thông tin, đồng thời cho biết, nhờ đó Công ty Dệt lụa Nam Định nhanh chóng thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may Việt Nam, đáp ứng các yêu về xuất xứ cho sản phẩm của doanh nghiệp may trong nước.

Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa chi tiết trong các sản phẩm

Một trong những ngành công nghiệp chủ lực khác của Nam Định cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là ngành cơ khí chế tạo. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã từng bước làm chủ khâu thiết kế, chế tạo kết cấu, các chi tiết linh kiện, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa chi tiết trong các sản phẩm. Trong đó, linh kiện kim loại sản xuất nội địa của tỉnh đáp ứng được 85 - 90% nhu cầu sản xuất xe máy; khoảng 15 - 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; 40 - 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng khoảng 10% nhu cầu linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Với việc áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đã tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Thời gian tới, Nam Định sẽ căn cứ vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được điều chỉnh hoàn thiện sau thẩm định để phê duyệt, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể ưu tiên tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp trọng điểm. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng và tăng tốc thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, đây là khu công nghiệp được quy hoạch phục vụ riêng cho nhu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may; tiếp tục thúc đẩy đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch theo hướng phục vụ sản xuất liên kết ngành, quy mô lớn để thu hút đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất.

Đối với nhóm các doanh nghiệp đang hoạt động cùng ngành nhưng quy mô nhỏ, đẩy mạnh khuyến khích việc thực hiện hợp tác nâng cao sức mạnh, gia tăng tiềm lực, từ đó liên kết đầu tư các dự án ưu tiên sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện nội địa. Đồng thời, khuyến khích những doanh nghiệp lớn hỗ trợ, dẫn đường cho doanh nghiệp nhỏ cùng hợp tác để phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Hiện Bộ Công thương đã triển khai thành lập 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, với mục tiêu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy tỉnh sẽ gia tăng kết nối với Bộ Công thương để nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ; tăng năng lực sản xuất, kinh doanh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn