Hoàn thiện cơ chế pháp lý cho tiền điện tử

Theo Việt Anh/congthuong.vn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, dự thảo nghị định đã bổ sung quy định về tiền điện tử (TĐT), trong đó quy định rõ bản chất, các hình thức thể hiện, đối tượng cung cấp TĐT.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chưa đồng bộ

Dự thảo nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt được NHNN xây dựng nhằm thay thế các quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (NĐ 101). Theo đánh giá của NHNN, qua hơn 6 năm triển khai NĐ 101 đã góp phần quan trọng trong hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cơ bản cho công tác thanh toán không dùng tiền mặt; đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh toán của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt hiện hành còn bộc lộ khá nhiều bất cập.

Các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt hiện hành bộc lộ khá nhiều bất cập
Các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt hiện hành bộc lộ khá nhiều bất cập
 

Theo NHNN, hiện nay gian lận trong lĩnh vực thanh toán, trong đó có tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu hướng ngày càng gia tăng và khó kiểm soát. Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán thẻ qua POS, thanh toán TĐT gần đây diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn...

Bên cạnh đó, chưa có quy định pháp lý cụ thể đối với các giao dịch thanh toán quốc tế để giúp cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới, thu thập thông tin để kiểm soát doanh thu, lợi nhuận phục vụ công tác quản lý thuế. Do vậy, việc bổ sung rõ ràng các quy định về thanh toán quốc tế giúp các chủ thể trong và ngoài nước tuân thủ các quy định, ràng buộc của pháp luật hiện hành.

Theo đó, báo cáo của NHNN chỉ rõ, việc quy định rõ bản chất, các hình thức thể hiện, đối tượng cung ứng TĐT nhằm loại trừ các thể loại tiền ảo, các công cụ sử dụng như phương tiện thanh toán mà không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý... sẽ tạo cơ sở pháp lý để NHNN, các bộ, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả vai trò quản lý nhà nước. Đồng thời, góp phần tạo điều kiện phát triển các sản phẩm thanh toán cung cấp dưới dạng TĐT và tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại điện tử...

Bổ sung để thực hiện tốt vai trò quản lý

Ngoài sửa đổi, bổ sung quy định về TĐT, NHNN cũng đề xuất bổ sung thêm các hành vi bị cấm như cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng tài khoản thanh toán của người khác để hoạt động phi pháp, các hành vi liên quan đến dịch vụ thanh toán không qua tài khoản của khách hàng, hoạt động đại lý thanh toán...

Bên cạnh đó, NHNN cũng bổ sung thêm một số quy định tại NĐ 101 về vấn đề phong tỏa tài khoản thanh toán trong các trường hợp như: Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán gian lận; vi phạm pháp luật hoặc trường hợp khách hàng chuyển tiền có nhầm lẫn, sai sót về số hiệu tài khoản, số tiền... nhằm bảo vệ và giúp khách hàng lấy lại được tài sản đã chuyển nhầm cho người khác...

Đối với những quy định được bổ sung tại dự thảo sửa đổi NĐ 101, chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, còn một số vấn đề cần làm rõ hơn như: Đối tượng cung ứng tiền di động, cơ chế đảm bảo tiền di động thông qua tài khoản đảm bảo hay ký quỹ; các hình thức định danh khách hàng của người sử dụng dịch vụ tiền di động...

Đặc biệt, theo chia sẻ của ông Cấn Văn Lực, tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, cũng giao trách nhiệm cho NHNN phải thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán, hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử.

Cần tiếp tục cập nhật, bổ sung kịp thời các hành vi vi phạm, chế tài xử lý vi phạm, cũng như các quy định hiện hành liên quan để ngăn chặn, phòng ngừa và thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực thanh toán.