Hoàn thiện cơ chế tài chính đối với dự án PPP

Hoàng Minh

Tại Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam" được tổ chức sáng 11/7, ông Dương Bá Đức – Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) đã có những chia sẻ về vướng mắc trong cơ chế tài chính đối với dự án PPP và những giải pháp.

Đầu tư theo hình thức PPP được bắt đầu thực hiện tại Việt Nam từ năm 1997 với chỉ duy nhất một hình thức hợp đồng BOT (Nghị định số 77/CP ngày 18/6/1997). Các văn bản quy phạm pháp luật đều chưa có hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP.

Đến năm 2020, Luật PPP được ban hành đã tạo một khuôn khổ pháp lý chung, có hiệu lực cao, lâu dài, ổn định hơn cho việc thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ về cơ chế tài chính đối với các dự án PPP.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Giai đoạn 2015–2020, dự án PPP bùng nổ mạnh tại Việt Nam, chủ yếu là các dự án giao thông, qua 2 hình thức chính: BOT và BT. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, đầu tư qua hình thức PPP đang trong xu hướng giảm dần, chỉ có khoảng 8 dự án PPP (đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa ký hợp đồng), trong đó có 7 dự án lĩnh vực giao thông, một dự án BTL lĩnh vực nước sách.  

Lý giải về việc các dự án PPP có xu hướng giảm, ông Dương Bá Đức cho rằng, khung pháp lý về PPP hiện chưa hoàn hiện, còn nhiều vướng mắc trong công tác tổ chức và nhiều nguyên nhân vĩ mô khác.

Về cơ chế tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính đánh giá toàn bộ các dự án PPP, tìm ra những vướng mắc để tham mưu cho Chính phủ để có cơ chế phù hợp, đẩy mạnh dự án PPP.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai rà soát, phối hợp với các bộ, ngành rà soát vướng mắc của Nghị định số 28/2021/NĐ-CP và có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư và một số cơ quan, tổ chức liên quan về những vướng mắc trong cơ chế tài chính đối với dự án PPP. Bộ Tài chính cũng đã làm việc trực tiếp với 4 địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hưng Yên, Thái Bình, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy còn tồn tại một số vướng mắc pháp lý. 

Về những vướng mắc liên quan Luật số 64/2020/QH14 quy định về PPP, ông Dương Bá Đức cho biết, có một số ý kiến phản hồi, phần vốn nhà nước tham gia PPP tối đa 50% như hiện nay là chưa phù hợp và đề nghị tăng mức vốn nhà nước trong dự án PPP lên khoảng 70%. Bởi theo tinh thần hiện nay, Nhà nước chỉ tăng tỷ lệ vốn đối ứng đối với các dự án ở khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, trong khi nhu cầu đầu tư PPP ngay cả ở các địa phương có điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội thuận lợi vẫn rất lớn.

Về lâu dài, cần phát triển thêm các kênh huy động vốn khác để phát triển dự án hạ tầng giao thông do hiện nay chỉ dựa vào vốn vay từ các tổ chức tín dụng là không đủ. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, nâng mức vốn nhà nước tối đa lên 70%.

Bên cạnh đó, cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu quy định bố trí sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước để chi trả phần giảm doanh thu theo Luật số 64/2020/QH14 đang xung đột với Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13.

Theo Luật số 83/2015/QH/QH13, mức bố trí dự phòng từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình mà chưa được dự toán.

Như vậy, nếu sử dụng nguồn vốn dự phòng cho dự án PPP là chưa hợp lý. Do đó, đưa nguồn vốn để chi trả phần giảm doanh thu sang một dòng ngân sách khác như đầu tư công sẽ phù hợp hơn.

“Nếu trong trường hợp chia sẻ doanh thu mà các dự án từ chính các bộ, ngành, địa phương lập theo kế hoạch năm thì rất phù hợp với đầu tư công”, ông Dương Bá Đức nói.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước nên chia sẻ doanh thu giảm cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án PPP ngay khi doanh thu thực tế giảm dưới 75% doanh thu quy định trong hợp đồng, không thực hiện điều chỉnh giá, thời hạn hợp đồng như quy định tại Luật số 64/2020/QH14.

Đồng thời, nhiều ý kiến đề xuất Luật số 64/2020/QH14 phải quy định trách nhiệm của Nhà nước khi không bố trí đủ nguồn vốn để thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định. Tuy nhiên, ông Dương Bá Đức không đồng tình với những đề xuất này, bởi Nhà nước khi đã ký duyệt dự án PPP sẽ dự trù đủ vốn và trách nhiệm đối với các dự án.

Đối với đề xuất nghiên cứu cho phép sử dụng kiểm toán độc lập để kiểm toán giá trị chia sẻ tăng, giảm thay cho Kiểm toán Nhà nước như quy định tại Luật, ông Dương Bá Đức kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, rà soát lại và chỉnh sửa lại Luật.

Về những vướng mắc liên quan đến việc sửa Nghị định số 28/2021/NĐ-CP thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính, ông Dương Bá Đức đưa ra 5 nội dung cần trao đổi về mức lãi suất vốn vay; nguyên tắc cho vay đối với dự án PPP; nguồn vốn thanh toán cho doanh nghiệp dự án BTL và trình tự thủ tục thanh toán vốn nhà nước khi áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm.

Với những vướng mắc trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến của các đơn vị và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định Nghị định số 28/2021/NĐ-CP để báo cáo Chính phủ.