Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe điện


Để tạo thuận lợi cho việc phát triển xe điện tại Việt Nam, theo chuyên gia, cần sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về xe điện.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8/2022 cả nước đã có gần 3 nghìn ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Đến nay, cả nước cũng có gần 1,8 triệu mô tô - xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày.

Về lộ trình và giải pháp chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng điện theo tinh thần Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022, lãnh đạo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho hay, mục tiêu hướng tới là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh, phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Về lộ trình chuyển đổi, riêng đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, từ năm 2022, về phương tiện sẽ mở rộng phối trộn, sử dụng xăng E5; thúc đẩy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện sử dụng điện. Về hạ tầng sạc điện, sẽ phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp.

Từ năm 2030, về phương tiện sẽ sử dụng 100% xăng E5, từng bước hạn chế sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện sử dụng năng lượng hoá thạch. Từ năm 2040, dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện sử dụng năng lượng hoá thạch.

Về hạ tầng sạc điện, dần hoàn thiện trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2050, 100% phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh. Hạ tầng sạc điện được hoàn thiện trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp.

Trong rất nhiều các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển hệ thống phương tiện giao thông sang sử dụng điện thì xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, hướng dẫn, định mức kinh tế kỹ thuật về xe điện là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.

Nhiệm vụ này thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT (xây dựng Hệ thống quy chuẩn, hướng dẫn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh); và Bộ Công Thương (xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về năng lượng xanh trong giao thông vận tải).

Trên thực tế, theo đại diện VinFast, hiện có những khó khăn khi thực hiện việc lắp đặt các trạm sạc xe điện, trong đó có việc các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về trạm sạc vẫn còn thiếu.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ mới chỉ ban hành khoảng 5 - 6 bộ tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc nên VinFast đang phải áp dụng các tiêu chuẩn của mình hoặc theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển trạm sạc một cách đồng bộ và nhanh hơn ở các địa phương.

Nguyễn Hiền