Hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam

Quý Nhân - Minh Ngọc

Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam trong quý I/2023 tăng trên 22% so với cùng kỳ năm 2022
Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam trong quý I/2023 tăng trên 22% so với cùng kỳ năm 2022

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý hoạt động của các nền tảng thươmng mại điện tử (TMĐT) nói chung và hoạt động thương mại quốc tế qua các nền tảng TMĐT nói riêng. 

Điển hình như Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn như: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 09/9/2020);

Quy định về quản lý hoạt động TMĐT qua ứng dụng trên thiết bị di động (Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015); Quy định về quản lý website thương mại điện tử (Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 12/12/2014)...

Nhờ đó, hoạt động thương mại quốc tế thông qua các nền tảng TMĐT của Việt Nam đang không ngừng phát triển, đặc biệt là qua các nền tảng quốc tế lớn như Amazon, Ebay…

Hiện nay, các doanh nghiệp đã nỗ lực, tận dụng cơ hội, ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. Con số những doanh nghiệp thành công đạt doanh thu trực tuyến cao ngày càng đông.

TMĐT xuyên biên giới vẫn là một vấn đề mới với doanh nghiệp, đòi hỏi kỹ năng tốt để tham gia nhưng ngày nay đang trở thành kênh kinh doanh hiệu quả và bền vững nếu doanh nghiệp tận dụng được lợi thế và nâng cao năng lực phát triển.

Năm 2021, doanh thu TMĐT bán lẻ của Việt Nam tăng 16%, đạt 13,7 tỷ USD; quy mô thị trường B2C TMĐT ước tính chiếm 6,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021.

Theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), TMĐT vẫn phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng quý I/2023 trên 22% so với cùng kỳ. Dự báo cả năm vẫn có thể đạt trên 25% với quy mô trên 20 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này có thể được duy trì trong giai đoạn 2023 - 2025.

Chỉ tính riêng nền tảng Amazon, trong 3 năm từ 2020 đến 2022, kim ngạch xuất khẩu đã tăng gần 78% từ khoảng 2,7 tỷ USD lên khoảng 4,8 tỷ USD, cùng với đó tỷ trọng của việc xuất khẩu qua Amazon trong kim ngạch xuất khẩu cũng tăng từ 0,96% lên 1,29%.

Tổng sản phẩm xuất khẩu qua Amazon năm 2022 tăng 35% so với năm 2021 lên khoảng 10 triệu sản phẩm, với các ngành hàng bán chạy nhất là dệt may, tiện ích gia đình, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân.

Sự tăng trưởng của xuất khẩu qua Amazon đã đóng góp cho sự phát triển của xuất khẩu Việt Nam đặc biệt là sự phát triển của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đồng thời cũng cho thấy tiềm năng to lớn của hoạt động xuất khẩu qua nền tảng TMĐT của Việt Nam trong tương lai.

Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu tính đến phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức xuất khẩu truyền thống như trước đây, vốn đang gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm dưới tác động của đại dịch COVID–19.

Đây cũng là hướng giúp doanh nghiệp Việt Nam khác có thể đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường quốc tế thông qua hình thức này, đặc biệt là một số sản phẩm có khả năng tiêu thụ trên sàn B2C như các sản phẩm da giày, cà phê, thủy sản, may mặc.

Trong báo cáo kinh doanh mới nhất công bố hôm 27/4/2023, Amazon đã báo cáo lợi nhuận trong quý I/2023 đạt 3,2 tỷ USD trên tổng doanh thu 127,4 tỷ USD, tăng 9% so với quý trước.

Nhiều thương hiệu, doanh nghiệp Việt đã thành công trong việc đưa hàng Việt ra thế giới, như: SunHouse, AnEco, Lafooco, ChicnChill. Trong năm 2022, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua Amazon tăng hơn 80%, cùng với đó số lượng doanh nghiệp Việt Nam thực hiện xuất khẩu qua Amazon đạt doanh thu trên 500.000 USD cũng tăng 60%.

Phần lớn các doanh nghiệp tham gia mới trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và việc triển khai đã cũng đã bước đầu cho những kết quả tốt. Điều này tạo ra hiệu ứng tích cực khi hoạt động xuất khẩu qua Amazon không chỉ còn là sân chơi của các thương hiệu lớn nữa.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua Ebay, trung bình mỗi doanh nghiệp sẽ có khả năng thâm nhập vào 14 thị trường quốc tế, trong đó tỷ lệ các doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu vào trên 10 thị trường quốc tế là 46%.

Các thị trường quốc tế hàng đầu xuất khẩu qua Ebay đều là các thị trường lớn trên thế giới, như: Mỹ, Australia, Canada, Anh… với điều kiện gia nhập thuận lợi hơn nhiều so với các hình thức thương mại quốc tế truyền thống.

Như vậy, các nền tảng thương mại điện tử đã tác động làm thay đổi cách tương tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp và khách hàng. Điều này khắc phục các rào cản trong hoạt động thương mại quốc tế, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường kinh doanh, qua đó tạo động lực cho sự phát triển của hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.

Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử cho Việt Nam còn một số hạn chế, đó là:  rào cản về văn hóa, ngoại ngữ cũng như hiểu biết về các quy tắc hoạt động của thương mại điện tử tạo nên thách thức lớn cho Việt Nam trong quá trình xuất khẩu biên giới.

Bên cạnh đó, nền tảng công nghệ số và nhân lực số của Việt Nam còn yếu kém. Sự đầu tư của chủ doanh nghiệp về đào tạo, quản lý chuỗi cung ứng chưa thực sự thích đáng…