Hải Phòng: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại quận, huyện còn thấp

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Theo kết quả kiểm soát của Kho bạc Nhà nước Hải Phòng, đến thời điểm này, các quận, huyện nhập dự toán vốn đầu tư công vào hệ thống Tabmis là 487,7 tỷ đồng, bằng 34,4% kế hoạch vốn được giao; giải ngân 286,4 tỷ đồng, bằng 20,2% kế hoạch vốn được giao.

Đến thời điểm này, tại Hải Phòng vẫn còn có 1 số quận, huyện chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh họa: Hạnh Thảo
Đến thời điểm này, tại Hải Phòng vẫn còn có 1 số quận, huyện chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh họa: Hạnh Thảo

Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân hơn 1/3 kế hoạch vốn là Dương Kinh (44,9%), An Lão (43,6%), Kiến Thụy (35,2%), Đồ Sơn (33,4%)… Trong khi đó, nhiều quận, huyện đạt thấp như Lê Chân và Bạch Long Vỹ chưa giải ngân, Hồng Bàng 3,8%; Tiên Lãng 5%, Ngô Quyền 9,7%... Như vậy, kết quả giải ngân chung của các quận, huyện khá thấp, ảnh hưởng tới tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chung của toàn thành phố.

Nguyên nhân của việc giải ngân chậm được Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hải Phòng đưa ra là do một số quận, huyện phân bổ vốn đầu tư công cho nhiều dự án không đúng các quy định hiện hành, không đủ điều kiện để Kho bạc Hải Phòng giải ngân.

Trong đó, đáng chú ý là tình trạng bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách thành phố cho các dự án do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã quyết định đầu tư chưa phù hợp với quy định của UBND thành phố Hải Phòng về phân cấp quản lý vốn đầu tư công. Do đó, các huyện rất lúng túng trong cách giải quyết, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải ngân.

Bên cạnh đó, một số dự án UBND thành phố phê duyệt có vướng mắc nhưng đã quá thời gian thực hiện, nay phải thực hiện thêm các thủ tục để có được quyết định điều chỉnh cũng mất không ít thời gian.

Để tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân, UBND thành phố Hải Phòng đang yêu cầu các ngành chức năng sớm tham mưu với UBND thành phố triển khai thực hiện nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố mới được thông qua tại kỳ họp thứ 2, HĐND thành phố khóa 15. Một số vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết của thành phố như thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau ngày 1/1/2015; bố trí vốn cho các công trình khởi công mới có quyết định đầu tư sau ngày 31/3/2016…

Ngoài ra, các ngành liên quan cần sớm tổng hợp các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để báo cáo, tham mưu với UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương có hướng xử lý trong thời gian sớm nhất.