Hướng tới xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho ngành Kế toán ở Việt Nam

PV.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) đã phối hợp tổ chức Toạ đàm “Chuẩn bị xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho ngành Kế toán đối với các trình độ của giáo dục đại học” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tọa đàm đã thu hút sự tham gia đông đảo của các các cơ sở đào tạo đào tạo ngành Kế toán, các chuyên gia và nhà tuyển dụng.
Tọa đàm đã thu hút sự tham gia đông đảo của các các cơ sở đào tạo đào tạo ngành Kế toán, các chuyên gia và nhà tuyển dụng.

Buổi tọa đàm giúp xác định các vấn đề và tiếp thu kinh nghiệm, ý kiến đóng góp từ đại diện các cơ sở đào tạo đại học ngành Kế toán, hội nghề nghiệp, chuyên gia quốc tế và nhà tuyển dụng, làm cơ sở xây dựng hệ thống các tài liệu, văn bản hướng dẫn về xây dựng chuẩn chương trình cho ngành Kế toán.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Đặng Quang Việt cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định xây dựng Chương trình khung các trình độ của giáo dục đại học. Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình khung cho các ngành và khối ngành đào tạo, trong đó có ngành Kế toán.

Từ khi Luật Giáo dục đại học 2012 ra đời trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo thì chương trình đào tạo sẽ do hiệu trưởng ban hành. Như vậy, trong một hệ thống giáo dục cùng đào tạo ngành Kế toán nhưng mỗi trường sẽ có các chuẩn đầu ra khác nhau, tùy thuộc vào năng lực và điều kiện của mỗi trường.

“Định hướng xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho toàn hệ thống này là cấp thiết, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Tất nhiên, chuẩn này vẫn đảm bảo sự linh hoạt cho từng trường để phát huy tính tự chủ và đáp ứng tốt hơn với phân khúc thị trường mà họ hướng tới”, bà Phan Thị Anh Đào - Trưởng khoa Kế toán - Kiểm toán (Học viện Ngân hàng) chia sẻ tại sự kiện.

Kế toán là một nghề có tính chất chuyên môn nghề nghiệp rất cao. Thế giới đã xây dựng chuẩn nghề nghiệp nhưng mỗi trường đại học ở Việt Nam đang tự xây dựng chương trình đào tạo kế toán khác nhau theo đặc thù của từng trường, mà chưa có căn cứ nào để đánh giá mức độ phù hợp.

“Vì vậy, nếu xây dựng thành công chuẩn chương trình đào tạo, sẽ có cơ sở liên quan đến xây dựng mạng lưới, phân tầng giáo dục đại học, giúp các trường nhìn nhận lại xem mình đang đứng ở đâu để cải tiến”, ông Đinh Thế Hùng - Phó Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhìn nhận.

Được biết, hiện nay, Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Việc triển khai áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam sẽ được thực hiện nhằm nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính, áp dụng bắt buộc từ sau năm 2025.

Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề quan trọng khi muốn chuyển đổi sang hệ thống báo cáo tài chính quốc tế là phải xây dựng được nguồn nhân lực kế toán có trình độ, kiến thức, kỹ năng về IFRS.

Ông Đào Thanh Bình - Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nguồn nhân lực tương lai thực hiện IFRS chắc chắn phải đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp mới cao hơn, thậm chí có thể làm việc ở bất cứ quốc gia nào. Do vậy, chuẩn đầu ra, thiết kế các môn học cũng sẽ rất khác theo hướng tiệm cận với khu vực và quốc tế.

“Không chỉ ICAEW, mà các tổ chức nghề nghiệp Việt Nam và các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam đều mong muốn và luôn sẵn sàng đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo, hợp tác tích cực với các trường đại học xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo ngành Kế toán cập nhật và phù hợp nhất”, bà Đặng Thị Mai Trang - Trưởng đại diện ICAEW tại Việt Nam khẳng định.