Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực tài chính - kế toán

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2019

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp lĩnh vực tài chính, kế toán Việt Nam tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, vào thị trường dịch vụ tài chính, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thông qua việc nhận diện những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực tài chính, kế toán, bài viết kiến nghị các giải pháp nhằm giúp lĩnh vực này vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực tài chính - kế toán

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) có thể tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt nhưng cũng là cơ hội để các tổ chức tài chính, kế toán không ngừng phát triển dịch vụ tài chính, kế toán chuyên nghiệp, góp phần công khai minh bạch các thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, cụ thể:

Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Các nghiên cứu cho thấy, CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn theo những cách thức mới, trong những nội dung mới của lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và dịch vụ thanh toán. CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn các kênh và phương thức huy động, phân phối vốn, phương thức tiếp cận vốn, tiếp cận các sản phẩm dịch vụ, dịch vụ tài chính.

CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống. Từ đó, đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải ứng dụng nhiều hơn công nghệ thông tin, kỹ thuật số để có thể tích hợp với nhiều sản phẩm dịch vụ phụ trợ nhằm làm hài lòng khách hàng. Dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích hành vi khách hàng sẽ là xu hướng tương lai cho thời đại công nghệ số khi có thể thu thập dữ liệu bên trong và bên ngoài thông qua tổ chức phân tích hành vi khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng, tiết giảm chi phí và hỗ trợ cho các quá trình ra quyết định (Jan Smit, Stephan Kreutzer, Carolin Moeller & Malin Carlberg, 2016).

Với sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0, xu hướng “ngân hàng không giấy” sẽ trở nên phổ biến và từng bước làm giảm dần vai trò của các chi nhánh. Việc cạnh tranh thông qua mở rộng mạng lưới các chi nhánh ngân hàng sẽ dần chấm dứt, do chi phí hoạt động cao, thay vào đó là công nghệ ngân hàng hiện đại. Các ngân hàng sẽ phải thiết kế lại chi nhánh của mình để tối đa hóa trải nghiệm khách hàng. Hiện nay, ở những quốc gia phát triển, chi nhánh giao dịch với không gian giao dịch hiện đại, tiện ích, những chỗ ngồi hấp dẫn hợp thời gian, những màn hình tivi/máy tính bảng cỡ lớn giúp khách hàng tự tương tác và trải nghiệm dịch vụ mà không cần đến sự giúp đỡ của giao dịch viên truyền thống ngày càng trở nên phổ biến. Việc xây dựng các chi nhánh này chủ yếu dựa vào nền tảng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều và thông minh hóa của CMCN 4.0.

Đặc biệt, thị trường tài chính - tiền tệ sẽ có những thay đổi khó lường với sự xuất hiện của các loại tiền ảo như: Bitcoin, Libra, Etherum… Sự phát triển của các loại tiền ảo, tiền điện tử không phải do ngân hàng trung ương phát hành sẽ buộc các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải thay đổi cách thức điều hành chính sách tài chính tiền tệ để thích ứng do khả năng ảnh hưởng tới các chỉ số tiền tệ trong mục tiêu ổn định giá cả. Các loại tiền ảo này cũng có thể có những tác động tới hệ số tạo tiền, làm đẩy nhanh tốc độ lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế nếu được sử dụng rộng rãi. Khi đó, sẽ buộc các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng, ngân hàng phải thay đổi phương thức thanh toán, thay đổi chức năng tiền tệ và cách thức điều hành chính sách để thích ứng với yêu cầu điều hành kinh tế vĩ mô nền kinh tế và hệ thống tài chính quốc gia.

Đối với cơ quan quản lý, nhờ CMCN 4.0 mà hệ thống công nghệ thông tin được ứng dụng sâu rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành mạch máu không thể thiếu trong quản lý điều hành ngân sách nhà nước; Quản lý thu - chi ngân sách nhà nước; Thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu chính phủ; Triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa; Quản lý nợ công, giá, quản lý tài sản công… Từ đó, giúp công tác quản lý, điều hành vĩ mô trở nên dễ dàng, tiện lợi và kịp thời hơn.

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra những thách thức về bảo mật, do đó an ninh mạng trở nên vô cùng quan trọng. Với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số và xu hướng chuyển dần sang điện toán đám mây, những lỗ hổng bảo mật cũng vì thế mà tăng theo, kéo theo những lo ngại ngày càng nghiêm trọng về rủi ro tấn công tin tặc. Bên cạnh đó, thị trường lao động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng sẽ có sự thay đổi, do việc ứng dụng những thành tựu của CMCN 4.0 có thể khiến số lượng nhân viên của các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty chứng khoán sụt giảm một cách đáng kể (đặc biệt là với các bộ phận kỹ sư tin học, giao dịch chi nhánh…). Lao động tại các ngành này khó có thể duy trì lợi thế cạnh tranh khi mà robot còn có thể làm tốt hơn với mức chi phí rẻ hơn... Thực tế hiện nay tại Việt Nam, một số ngân hàng, DN bảo hiểm… đã sử dụng trí tuệ nhân tạo thông qua sử dụng hình thức để tự động trả lời, hoặc tương tác với khách hàng, thay thế các nhân viên bình thường phải mất thời gian và chi phí để đào tạo lại.

Đối với lĩnh vực kế toán

Các nghiên cứu trên thế giới mới đây đều chỉ ra rằng, CMCN 4.0 với các ứng dụng vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây, việc phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới… sẽ mở ra cơ hội tốt cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán tiếp cận những phần mềm kế toán tiện ích, chi phí phù hợp, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận hệ thống kế toán, kiểm toán quốc tế. Thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, chương trình, công nghệ số hiện đại, kế toán viên, kiểm toán viên có thể thu thập được các thông tin, dữ liệu mà trước đây rất khó khăn mới có thể thu thập được. Việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngày càng có nhiều thuận lợi.

CMCN 4.0 tác động lớn đến lĩnh vực kế toán Việt Nam, không chỉ là công cụ giúp các công ty kế toán nâng cao chất lượng, dịch vụ mà còn mở rộng thị trường sang các nước khác nhờ kết nối internet. Cùng với đó, hệ thống mạng không dây, dữ liệu số hóa sẽ giúp công việc kế toán, kiểm toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Theo đó, kế toán viên tại Việt Nam có thể thực hiện công việc kế toán, kiểm toán ở bất cứ đất nước nào trên toàn thế giới. Ngược lại, các kế toán viên ở quốc gia được chấp nhận hành nghề ở Việt Nam đều thực hiện công việc kế toán của DN, tổ chức tại Việt Nam.

Điều quan trọng nhất là những tiến bộ từ cuộc CMCN 4.0 sẽ trở thành động lực giúp các cá nhân, DN, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán trong nước phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc. CMCN 4.0 tác động đến nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực kế toán, khuyến khích các cá nhân nỗ lực học tập nâng cao trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ về kỹ thuật trong công tác chuyên môn.

Tuy nhiên, số lượng và chất lượng kế toán vẫn là vấn đề cần cải thiện. Trong đó, Việt Nam không chỉ thâm hụt về số lượng, mà còn thâm hụt về chất lượng đội ngũ người làm kế toán. Tại Việt Nam, công tác kế toán, kiểm toán hiện nay chủ yếu thực hiện trên hồ sơ, giấy tờ. Trong khi CMCN 4.0 lại chuyển hóa toàn bộ các dữ liệu đó thành thông tin điện tử, vừa đa dạng, vừa khó nắm bắt, do vậy, về lâu dài nếu kế toán viên không am hiểu về công nghệ, sẽ khó khăn trong thực hiện các phần hành công việc. 

Kiến nghị giải pháp

Để lĩnh vực tài chính – kế toán vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội trong cuộc CMCN 4.0, cần tập trung một số vấn đề sau:

Về giải pháp chung

Một là, tiếp tục đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua việc xây dựng và hoạch định chiến lược về phát triển CNTT của khu vực tài chính, kế toán. Nhiệm vụ xuyên suốt là nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại trong các giao dịch tài chính, hoạt động thanh toán, tiếp cận các sản phẩm tài chính, kế toán, thúc đẩy tài chính xanh, tài chính toàn diện...

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ trở thành động lực giúp các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán trong nước phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.

Hai là, các tổ chức tài chính, tổ chức ngân hàng và DN kế toán cần chú trọng và tăng cường quản lý an ninh mạng. Ngoài việc đầu tư, trang bị cho mình những công cụ bảo mật mới đối với hệ thống thông tin và dữ liệu khách hàng, thì cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dự phòng và nâng cao nhận thức về bảo mật và an toàn thông tin trong toàn hệ thống.

Ba là, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực tài chính, kế toán trong đó chú trọng công tác đào tạo nguồn công nghệ cao, tăng khả năng ứng dụng CNTT; nâng cao tính chuyên nghiệp, khả năng làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại của đội ngũ nhân lực tài chính, kế toán.

Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Các cơ quan quản lý tài chính và các định chế tài chính cần tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ hỗ trợ cho sự phát triển của toàn hệ thống tài chính. Trong đó, Nhà nước tập trung đầu tư tài chính để phát triển hạ tầng công nghệ (đặc biệt là hạ tầng thanh toán quốc gia) phục vụ cho sự phát triển các sản phẩm dịch vụ của các tổ chức tài chính, các định chế tài chính; đồng thời xây dựng các chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, các định chế tài chính phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng dựa trên công nghệ số. Các tổ chức tài chính tín dụng không ngừng nghiên cứu các thành tựu của CMCN 4.0 để ứng dụng vào hoạt động kinh doanh, trong đó tập trung khai thác ba thành tựu cơ bản gồm: Vạn vật kết nối, Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo… bởi chúng gắn liền với việc vận hành cũng như cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hiện đáp, phù hợp với thị hiếu, đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện Chiến lược tài chính toàn diện, trong đó nhấn mạnh vai trò ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích sự phát triển hợp tác giữa ngân hàng và các công ty tài chính công nghệ Fintech; Thúc đẩy hệ sinh thái Fintech phát triển, trở thành một phần của hệ sinh thái trong chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại...

Đối với lĩnh vực kế toán

Xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực kế toán trong cả ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, chiến lược cần căn cứ vào thực trạng kế toán, kiểm toán và những vấn đề do cách mạng số đặt ra; Tập trung phát triển đảm bảo ngành Kế toán vận hành đồng bộ, hoạt động có hiệu quả, chất lượng, phù hợp với cơ chế thị trường và thích ứng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của cuộc cách mạng số.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các thành tựu từ CMCN 4.0 thông qua việc xây dựng và hoạch định chiến lược về phát triển công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Ưu tiên nguồn lực để phát triển những giải pháp công nghệ mới, khuyến khích những ý tưởng và kế hoạch sáng tạo nhằm ứng dụng và phát triển công nghệ kỹ thuật.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế đáp ứng yêu cầu phổ cập tài chính chất lượng cao cho nền kinh tế; phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán đa dạng có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ kế toán, kiểm toán của các DN, tổ chức. Nghiên cứu đổi mới và thiết lập mới các quy trình kế toán, từ việc thu thập, xử lý và nhập dữ liệu chứng từ kế toán đến quá trình xử lý và kết xuất thông tin; nâng cao tính hữu ích của thông tin kế toán thông qua việc áp dụng CNTT trong việc phân tích, đánh giá thông tin kế toán…  

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán;

2. Nguyễn Thị Hiền, Đỗ Thị Bích Hồng (2017), Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới lĩnh vực tài chính - ngân hàng;

3. Đức Minh (2018), Kế toán Việt Nam nắm bắt thời cơ trong thời công nghệ số, Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử;

4. Nguyễn Thị Thu Trang (2019), Phát triển kế toán, kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính.