Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực kế toán

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 – Tháng 9/2019

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, lĩnh vực kế toán cũng không nằm ngoài xu thế đó.

CMCN 4.0 giúp lĩnh vực kế toán tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
CMCN 4.0 giúp lĩnh vực kế toán tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp lĩnh vực kế toán Việt Nam tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, vào thị trường dịch vụ tài chính, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của đất nước. Thông qua việc nhận diện những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực kế toán, bài viết kiến nghị các giải pháp nhằm giúp lĩnh vực này vượt qua thách thức, tận dụng tốt các cơ hội để phát triển bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực kế toán

Cơ hội

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) có thể tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt nhưng cũng là cơ hội để các tổ chức tài chính, kế toán không ngừng phát triển dịch vụ tài chính, kế toán chuyên nghiệp hơn, góp phần công khai minh bạch các thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.

Trước đây người làm kế toán chỉ cần có trình độ và chuyên môn về tài chính kế toán là có thể thực hiện công việc kế toán, hiện nay để thích nghi với những thay đổi, người làm kế toán không chỉ am hiểu về tài chính nói riêng mà còn cần thành thạo cả về công nghệ.

Các nghiên cứu trên thế giới mới đây cho thấy, CMCN 4.0 với các ứng dụng vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây, việc phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới… sẽ mở ra cơ hội tốt cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán tiếp cận những phần mềm tiện ích, chi phí phù hợp, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận hệ thống kế toán, kiểm toán quốc tế.

Thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, chương trình, công nghệ số hiện đại, kế toán viên, kiểm toán viên có thể dễ dàng thu thập được các thông tin, dữ liệu mà trước đây rất khó khăn mới có thể thu thập được. Việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngày càng có nhiều thuận lợi.

CMCN 4.0 tác động lớn đến lĩnh vực kế toán Việt Nam, không chỉ là công cụ giúp các công ty kế toán nâng cao chất lượng, dịch vụ mà còn mở rộng thị trường sang các nước khác nhờ kết nối internet. Cùng với đó, hệ thống mạng không dây, dữ liệu số hóa sẽ giúp công việc kế toán, kiểm toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý.

Theo đó, kế toán viên tại Việt Nam có thể thực hiện công việc kế toán, kiểm toán ở bất cứ đất nước nào trên toàn thế giới. Cùng với đó, các kế toán viên ở quốc gia được chấp nhận hành nghề ở Việt Nam đều thực hiện công việc kế toán của DN, tổ chức tại Việt Nam.

Điều quan trọng nhất là những tiến bộ từ cuộc CMCN 4.0 sẽ trở thành động lực giúp các cá nhân, DN, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán trong nước phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.

CMCN 4.0 tác động đến nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực kế toán, khuyến khích các cá nhân nỗ lực học tập nâng cao trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác chuyên môn.

Khó khăn,  thách thức đối với lĩnh vực kế toán

Bên cạnh những cơ hội, CMCN 4.0 cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực kế toán. Cụ thể:

Thứ nhất, thời gian là một yếu tố tác động không nhỏ tới khả năng tiếp cận của kế toán đến những công nghệ mới. Rất khó để tiếp cận công nghệ chỉ trong một thời gian ngắn đòi hỏi, các doanh nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đầu tư vào công nghệ mới và đào tạo nhân viên kế toán. Tuy nhiên, việc đầu tư vào công nghệ mới cũng phụ thuộc vào định hướng phát triển và tư duy của các nhà quản lý doanh nghiệp. Mặc dù, lợi ích của việc áp dụng công nghệ là không nhỏ nhưng còn tùy theo từng loại hình, quy mô hoạt động doanh nghiêp. Hơn nữa, chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra khá lớn và lợi ích mang lại chưa chắc chắn.

Thứ hai, nguồn nhân lực cũng là một thách thức đối với doanh nghiệp. Mặc dù, xu thế máy móc sẽ dần thay thế con người ở nhiều công đoạn, thị trường lao động, đặc biệt là những kế toán có trình độ thấp, sẽ bị giảm sút đáng kể là tất yếu nhưng con người vẫn là yếu tố then chốt. Dù công nghệ có phát triển đến đâu vẫn cần có sự giám sát, quản lý và kiểm tra của con người. Do vậy, làm thế nào để người làm kế toán có thể tiếp cận nhanh chóng đến công nghệ mới, làm chủ công nghệ, biết công nghệ trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho hoạt động kế toán và hoạt động doanh nghiệp.

Thứ ba, tính bảo mật của thông tin là một vấn đề quan trọng. Với rất nhiều các sự việc gần đây xảy ra với các công ty, đặc biệt là các công ty chuyên cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Twister; các thông tin cá nhân của những người sử dụng bị bán hoặc bị tiết lộ ra ngoài đã ảnh hưởng rất đến quyền riêng tư của người sử dụng. Do vậy, cần phải có các quy định cũng như các biện pháp nhằm bảo vệ các phần mềm, phần cứng và dữ liệu của doanh nghiệp và khách hàng. Đây là một nguy cơ lớn mà các kế toán cần nhận thức được và chuẩn bị cho những vấn đề có thể xảy ra khi ứng dụng các công nghệ mới.

Kiến nghị giải pháp

Để lĩnh vực kế toán vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội trong cuộc CMCN 4.0, cần tập trung một số vấn đề sau:

- Đầu tư vào công nghệ mới phục vụ cho công tác kế toán: Trước khi thực hiện việc đầu tư vào công nghệ mới, người làm kế toán phải hiểu được công nghệ này có đáp ứng mục tiêu chiến lược mà doanh nghiệp đặt ra? Họ nên xem xét các đề xuất có tính giá trị và áp dụng cho cả nhân viên và khách hàng. Chi phí không còn được xem là gánh nặng như trước kia, tuy nhiên nó vẫn là một vấn đề mà người làm kế toán cần cân nhắc. Nguồn lực và thời gian là hai yếu tố cần thiết để đưa các ứng dụng công nghệ mới vào áp dụng nhưng cần có sự kết hợp một cách hợp lý.

Để đảm bảo thực hiện thành công công nghệ mới, các công ty cần có kế hoạch và xây dựng mối quan hệ phù hợp với đối tác trong quá trình triển khai thực hiện. Các vấn đề kỹ thuật cần được duy trì kiểm tra và nâng cấp, tuy nhiên, con người vẫn là yếu tố then chốt để có thể vận hành bất kỳ một hoạt động nào. Vấn đề đặt ra là con người sẽ sử dụng các nền tảng công nghệ theo cách mà họ mong muốn, vậy mà làm thế nào để tìm ra cách sử dụng tối ưu?

Khi áp dụng công nghệ, để đảm bảo hoạt động được thực hiện một cách liên tục, những người thực hiện phải hiểu rõ về công nghệ đó và cần phải làm gì để đạt được mục tiêu đã đề ra. Một đội ngũ nhân viên bao gồm kỹ thuật và các nhà cung cấp giải pháp cần làm việc với nhau để đảm bảo được điều này.

- Cần có những quy định cũng như các biện pháp nhằm bảo mật thông tin của kế toán nói riêng và của doanh nghiệp nói chung: Trong thời đại bùng nổ công nghệ, thông tin được coi là nguồn dữ liệu cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp. Làm thế nào để thông tin kế toán nói chung và doanh nghiệp nói riêng không bị tiết lộ ra bên ngoài hoặc bị tấn công bởi các hacker? Đây là một nguy cơ lớn mà các kế toán cần nhận thức và chuẩn bị cho những vấn đề có thể xảy ra khi ứng dụng các công nghệ mới.

Nhiều nước trên thế giới đã ban hành các điều luật nhằm đảm bảo tính bảo mật của thông tin trong đó có thông tin của kế toán. Ví dụ như: Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành quy định chung về bảo vệ dữ liệu, trên cơ sở đó phát triển các luật về quyền riêng tư dữ liệu trên khắp châu Âu nhằm bảo vệ tất cả người dân của Liên minh Châu Âu. Quy định này đã thay thế quy định bảo vệ dữ liệu 95/46/EU. Với sự ra đời các quy định bảo vệ dữ liệu, việc truy cập dữ liệu ở châu Âu bước đầu được kiểm soát. Việt Nam gần đây cũng đã ban hành Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Luật này đã đưa ra những quy định bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân trong quá trình sử dụng mạng internet.

Bản thân các doanh nghiệp nói chung và lĩnh vực kế toán nói riêng cũng cần phải tự xây dựng cho mình một hệ thống bảo mật nhằm đảm bảo thông tin của doanh nghiệp cũng như khách hàng không bị tiết lộ ra bên ngoài. Các doanh nghiệp cần phải có đội ngũ nhân viên am hiểu về công nghệ thông tin hoặc phải liên kết với các công nghệ thông tin để xây dựng một hệ thống bảo mật dữ liệu.

- Người làm kế toán cũng cần có sự thay đổi để thích ứng với công nghệ mới: Các công cụ mới như Blockchain, ngân hàng mở… đang dần thay đổi phương thức mà kế toán thực hiện. Do đó, người làm kế toán cần phải nắm bắt trước những vấn đề xảy ra để đi trước, đón đầu, tránh tình trạng bị tụt hậu phía sau.

Trí tuệ thông minh và máy móc sẽ là tương lai của kế toán, đây là bước phát triển lớn của thế giới nhưng cũng là một thách thức đối người làm kế toán. Bởi vì trong tương lai sẽ có rất nhiều công việc máy móc sẽ làm thay con người, tốc độ xử lý dữ liệu được thực hiện nhanh hơn với khối lượng lớn hơn. Do vậy, vai trò của kế toán trong toàn bộ quá trình thu thập, xử lý, cung cấp thông tin kế toán cũng bị thay đổi. Tuy nhiên, trong tương lai gần công nghệ cũng không hoàn toàn thay thế được con người do đó, vai trò của người làm kế toán cần được nâng lên ở mức kiểm tra, kiểm soát và phân tích số liệu và quản lý hoạt động.

Nếu như trước đây người làm kế toán chỉ cần có trình độ và chuyên môn về tài chính kế toán là có thể thực hiện công việc kế toán, hiện nay để thích nghi với những thay đổi, người làm kế toán không chỉ am hiểu về tài chính nói riêng mà còn cần thành thạo cả về công nghệ. Khi công nghệ đã xâm nhập sau vào mọi lĩnh vực thì để thực hiện công việc, người làm kế toán buộc phải tự nâng cao trình độ, tự đạo tạo thêm về kiến thức tin học mới.

- Các doanh nghiệp cần đầu tư đào tạo nguồn nhân lực kế toán mới: Như đã phân tích, việc chuyển đổi sang hệ thống hệ thống phần mềm mới, ứng dụng công nghệ cao, không thể diễn ra trong một sớm một chiều mà cần có thời gian. Ngoài việc, đầu tư vào công nghệ mới, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực kế toán có trình độ cao và am hiểu công nghệ mới. Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào định hướng phát triển của doanh nghiệp cũng như quan điểm của các nhà quản lý của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để bắt kịp với xu thế của thời đại, các doanh nghiệp vẫn cần xây dựng một tiến trình nhằm từng bước đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực đủ mạnh để đáp ứng với những thay đổi của công nghệ trong tương lai. Một đội ngũ kế toán viên chuyên nghiệp có thể kiểm tra các thông tin do máy tính tự động đưa ra cũng như xác định tính chính xác của những thông tin đó là điều kiện cần thiết đặt ra đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Kết luận

Cuộc CMCN 4.0 với nhiều công nghệ mới như, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây, hệ thống ảo… đang từng bước cho thấy sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ tới mọi hoạt động và lĩnh vực kế toán cũng không nằm ngoài xu thế đó. Vai trò của kế toán cũng như cách thức hoạt động của kế toán cũng đang dần chuyển đổi. Công việc của kế toán không còn thực hiện một cách thủ công như trước kia mà thay vào đó là sự tự động hóa, từ khâu nhập dự liệu, kết nối dữ liệu, xử lý, lập báo cáo và phân tích. Công nghệ đã mở ra cho lĩnh vực kế toán những cơ hội mới, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cần vượt qua như: Làm thế nào để tiếp cận công nghệ mới, nguồn nhân lực kế toán như thế nào, thông tin có được bảo mật không… Để giải quyết những vấn đề này, kế toán cần có một số biện pháp như đầu tư vào công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống bảo mật thông tin...           

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán;
2. Nguyễn Thị Hiền, Đỗ Thị Bích Hồng (2017), Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 3, tới lĩnh vực tài chính - ngân hàng;
3. Đức Minh (2018), Kế toán Việt Nam nắm bắt thời cơ trong thời công nghệ số, Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử;
4. Gilchrist, A. Industry 4.0: The Industrial Internet of Things; Apress: NewYork, NY, USA, 2016;
5. https://sitnshow.com/industry-4-0-digital-disruption-and-theconsequences-for-accounting-finance-part-v/.